Bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch Deloite Việt Nam chia sẻ triết lý lãnh đạo
Dừng lại một lúc, bà nói tiếp: "Sản phẩm của chúng tôi là những báo cáo kiểm toán, tư vấn các giải pháp tài chính. Sản phẩm của bạn là những bài báo, những tin tức. Suy cho cùng, tất cả đều giống nhau, vì đều là những sản phẩm của tri thức. Người ta có thể đọc chúng hôm nay, quên vào ngày mai và ngóng chờ những thứ mới hơn. Nhưng điều còn lại trong mỗi chúng ta là kinh nghiệm được rút ra từ những lần thực hiện các sản phẩm tri thức đó, nó sẽ theo bạn từng năm tháng, vì bạn của ngày hôm nay khác với bạn của ngày hôm qua. Tất cả luôn biến đổi. Trong quản trị doanh nghiệp (DN), tôi vận dụng triết lý ấy để điều hành Deloite Việt Nam.
Bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch Deloite Việt Nam
Triết lý ấy nghe rất đơn giản, nhưng để ứng dụng vào thực tế, đặc biệt là ứng dụng trong điều hành, quản lý DN sẽ không dễ dàng...
- Ai cũng có thể mắc khuyết điểm. Nhưng khi bạn thấy được khuyết điểm thì hãy điều chỉnh. "Nhân vô thập toàn", chẳng ai hoàn hảo cả. Bạn làm ít sẽ có ít khuyết điểm, bạn làm nhiều có thể bị khuyết điểm nhiều. Vấn đề là bạn phải biết khắc phục nó. Dân gian có câu "Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Người ta quên một yếu tố nữa là "tu thân". Muốn tề gia, trước hết phải tu thân, phải có đời sống bình thường, không bi quan, tiêu cực. Ví dụ như sáng nay đi làm mà vợ chồng cãi vã, con cái giận hờn cha mẹ, hay bạn và người yêu giận hờn nhau, chắc chắn bạn sẽ không làm tốt công việc trong ngày.
Có phải nhờ vận dụng tốt triết lý ấy mà bà giữ vững vị trí lãnh đạo Deloite Việt Nam trong ngần ấy năm?
- Tôi rất thích câu nói "Hãy lãnh đạo bằng cách làm gương và chia sẻ”. Đây cũng là triết lý lãnh đạo được vận hành trong Deloite Việt Nam. Triết lý này còn được ứng dụng cho đội ngũ lãnh đạo kế thừa của Deloite Việt Nam bây giờ và sau này. Lãnh đạo bằng cách làm gương và chia sẻ, tức lãnh đạo phải biết làm gương cho cấp dưới, biết chia sẻ với cấp dưới.
Sự sẻ chia từ cấp cao đến cấp thấp bao giờ cũng xuôi hơn là làm ngược lại. Nên từ nhiều năm nay, văn hóa công ty chúng tôi là văn hóa chia sẻ, bao gồm chia sẻ niềm tin và kiến thức. Chia sẻ niềm tin được xem là giá trị cốt lõi của Ban lãnh đạo Deloite Việt Nam. Tuy nhiên, trong niềm tin đó phải bao gồm giá trị về kiến thức.
Chẳng hạn như vừa qua, việc tỷ giá biến động, một số đồng tiền bị phá giá, chúng tôi phải biết nếu là DN xuất khẩu, họ sẽ gặp những khó khăn nào, nếu là DN nhập khẩu thì sẽ bị tác động ra sao. Là công ty kiểm toán, tư vấn, chúng tôi phải theo dõi, cập nhật liên tục tỷ giá, tức là chúng tôi sống theo nhịp thở của thị trường, của DN.
Đó là sự sẻ chia về kiến thức. Thực tế, có những vị lãnh đạo rất giỏi, nhưng họ chẳng chia sẻ gì với ai, làm hết việc thì về. Hoặc có những người lãnh đạo có đạo đức rất tốt, sống rất hòa đồng, nhưng chỉ được gọi là người lãnh đạo tử tế, chứ không phải là người lãnh đạo giỏi, vì không đủ tri thức để chia sẻ cũng như hướng dẫn cấp dưới làm theo.
Bà quan niệm như thế nào về người lãnh đạo có đủ tri thức để chia sẻ?
- Tri thức mà tôi muốn nói ở đây bao gồm hai yếu tố: kiến thức và kinh nghiệm. Các thế hệ lãnh đạo có thể truyền đạt kinh nghiệm cho cấp dưới, nhưng kiến thức thì không. Vì mỗi thời điểm sẽ có những kiến thức mới được cập nhật. Do thuộc thế hệ những doanh nhân "đời đầu", chúng tôi có những cái khó riêng về việc khai mở thị trường, kinh nghiệm điều hành DN.
Nhưng qua thời gian, chúng tôi có những thứ gọi là kinh nghiệm phát triển nền kinh tế thị trường giai đoạn đầu. Chúng tôi sẽ chuyển giao những giá trị ấy cho thế hệ kế thừa bằng sự chia sẻ.
Quan điểm của tôi khi lãnh đạo bằng cách làm gương trước hết phải bằng tri thức, tức bạn phải lãnh đạo bằng vai trò của người đi đầu, nhưng nếu người đi đầu đi chậm thì người đi sau tự nhiên cũng bị chậm lại. Nên sứ mệnh của người đi đầu rất vất vả, chúng tôi phải đi nhanh nhưng phải đúng mục tiêu đặt ra. Còn nếu bạn đứng đầu mà việc gì cũng dội xuống nhân viên thì sẽ rất khó để lãnh đạo.
Nhắc đến đội ngũ kế thừa, bà có lời khuyên nào cho doanh nhân trẻ?
- Trong cuộc sống, có hai ngày mà nhớ cũng tốt, quên cũng không sao. Đó là ngày hôm qua (tức thứ đã qua rồi, mình không thể lấy lại được) và ngày mai (là thứ chưa tới), nên ngày hôm nay là tất cả những gì ta có.
Đơn cử như công việc bạn đang làm, bạn phải yêu ngay những thứ mình có trước khi bạn yêu những thứ chưa có, những thứ vô hình. Nên tôi vẫn hay nói với nhân viên trẻ của mình, mình thích nghề nào đó là một chuyện, mình có năng lực làm một nghề nào đó là một chuyện khác. Cuối cùng, cái mình được làm lại là một chuyện rất khác. Cho nên, với cái mình được làm thì mình cố gắng tập trung vào để tăng cường năng lực, vì khi mình có năng lực và mình làm nó đạt hiệu quả cao thì tự nhiên thấy yêu công việc đó.
Có câu nói không bao giờ thừa là "Tất cả những gì bạn đang có hôm nay là những gì bạn có thể làm và là những gì bạn sẽ có thể yêu thích. Thế thì bạn phải yêu lấy nó”. Dĩ nhiên bạn không thể từ bỏ ước mơ. Nhưng ước mơ phải mang tính thực tiễn. Ước mơ phải có cầu nối với hiện thực thì nó mới thành sự thật, còn nếu không đó là ước mơ viển vông. Cho nên, tốt nhất là hãy sống cho ngày hôm nay, yêu những gì mình đang có và ước mơ những gì nối với hiện thực.
Hiện nay, vẫn còn nhiều nghi ngại các hãng kiểm toán rất dễ "bắt tay" với DN để làm đẹp báo cáo tài chính. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi không nghĩ các hãng kiểm toán dễ dàng bắt tay với DN. Vì thứ nhất, kể từ khi Luật Kiểm toán độc lập ra đời, bất kỳ một vi phạm nào trong lĩnh vực tài chính, có thể Bộ Tài chính sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh. Trước đây Bộ Tài chính cấp giấy phép hành nghề cho một DN kiểm toán nào đó nhưng không có cơ chế thu hồi.
Nhưng từ năm 2014, Luật Kiểm toán độc lập quy định nếu DN hành nghề kiểm toán vi phạm ở mức độ nào sẽ có những hình thức chế tài theo mức độ đó, như cảnh cáo, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép kinh doanh. Đây là những chế tài rất nặng, ít nhất sẽ hạn chế được vấn đề "móc ngoặc".
Thứ hai, bây giờ Luật Doanh nghiệp rất mở, chỉ vài ngày là có thể có giấy phép kinh doanh, nhưng khi DN có những vi phạm về thuế, hoặc có dấu hiệu dùng các kỹ thuật về tài chính, kế toán để lừa đảo thì cơ quan thuế sẽ thu hồi mã số thuế. Tức Nhà nước có những chế tài để răn đe DN kiểm toán, nếu móc nối với DN để cho ra những con số gian dối thì sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh vĩnh viễn.
Hiện nay thị trường thanh lọc rất mạnh những trường hợp như vậy. Yếu tố kinh tế thị trường cũng không cho phép các hoạt động này tiếp diễn, bởi những DN lợi dụng những tiểu xảo đó trước sau cũng bị đào thải. Tôi không đặt nặng vấn đề hay lo nghĩ một cách tiêu cực về các hãng kiểm toán rất dễ "bắt tay" với DN để làm đẹp báo cáo tài chính.
Hội nhập kinh tế thế giới, thị trường chính dành cho những DN lớn đồng thời cũng có thị trường ngách dành cho những DN vừa và nhỏ. Và ngay trong thị trường ngách đó, các DN nước ngoài khi sử dụng dịch vụ vệ tinh thì vấn đề họ đặt ra đầu tiên là khung quản trị rủi ro trong quản trị DN của bạn là gì.
DN phải chỉ ra. Thứ hai, báo cáo tài chính của DN đã kiểm toán chưa? Nếu DN chưa kiểm toán sẽ bị bắt buộc kiểm toán. Luật Kiểm toán độc lập không bắt buột công ty vừa và nhỏ kiểm toán, nhưng nếu DN muốn tham gia vào thị trường ngách để làm vệ tinh cho các công ty FDI thì phải tự làm kiểm toán.
Việc kiểm toán đương nhiên không vì mục đích làm đẹp con số mà hướng đến sự tin cậy của đối tác. Vì thế, không thể có báo cáo bền vững theo cách "làm đẹp" như vậy. Bởi một khi đối tác không tin cậy thì DN không thể làm ăn với họ được.
Được biết, bà là người đề xuất tổ chức cuộc thi "Tài năng nữ doanh nhân 2015". Thông thường với doanh nhân, người ta hay "cân đo" năng lực lãnh đạo, điều hành DN... Nhưng trong cuộc thi này chỉ đề cập đến tài năng nghệ thuật của các nữ doanh nhân...
- Khi chuẩn bị cuộc thi "Tài năng nữ doanh nhân 2015", chúng tôi, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam mong muốn tôn vinh những nữ lãnh đạo vừa năng động, sáng tạo trong kinh doanh, vừa có tình yêu với nghệ thuật được thể hiện qua bài hát, điệu múa, tiếng đàn.
Tuy không thể bằng các ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng bạn là nữ doanh nhân thích hát, bạn là nữ doanh nhân biết múa hay biết chơi một nhạc cụ nào đó thì cuộc thi này là sân chơi giúp cân bằng giữa cuộc sống và công việc, giúp chị em có thêm động lực lãnh đạo DN.
Chính vì vậy cuộc thi "Tài năng nữ doanh nhân 2015" được tổ chức rộng khắp cả nước. Chỉ cần thí sinh nộp đủ hồ sơ là được đứng trên sân khấu để biểu diễn. Điều này khác với các cuộc thi khác là thí sinh phải gửi trước bản thu âm, hay video biểu diễn về cho ban tổ chức. Thông qua cuộc thi, chúng tôi còn muốn kết nối nữ doanh nhân các vùng miền bằng tình yêu nghệ thuật và khả năng biểu diễn.
Quỹ thời gian của nữ doanh nhân không nhiều. Các chị vừa phải điều hành DN, vừa chăm lo gia đình, đôi khi không đủ thời gian cho bản thân. Điều này có làm khó ban tổ chức khi tuyển ứng viên?
- Ý tưởng cuộc thi này được đưa ra ngay sau khi cuộc thi "Tiếng hát nữ doanh nhân Hà Nội" do Hội Nữ doanh nhân Hà Nội tổ chức cách đây hai năm. Hiệu ứng từ cuộc thi lúc đó rất tốt. Từ điều này chúng tôi nhận ra nhiều chị rất thích ca hát. Nhưng sau đó chúng tôi lại nhận thấy, các chị ở phía Bắc thích chơi đàn, các chị ở phía Nam thích hát cải lương, hay các chị ở miền Trung thì có các bài võ cổ truyền...
Nên cuối cùng chúng tôi mở rộng cuộc thi với ba môn nghệ thuật gồm hát, múa (múa dân gian và đương đại ) và chơi đàn. Ý tưởng rất được hưởng ứng nhưng khi triển khai, thời gian đầu ban tổ chức gặp một số khó khăn trong việc tuyển ứng viên. Tuy nhiên, hiện nay, cuộc thi đã bước vào vòng bán kết. Qua cuộc thi chúng tôi muốn tìm ra một số nhân tố mới có khả năng nghệ thuật để đóng góp vào phong trào văn nghệ của nữ doanh nhân Việt Nam, cũng như đánh dấu sự kiện kỷ niệm một năm thành lập Hội Nữ doanh nhân Việt Nam và chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 sắp đến..."
End of content
Không có tin nào tiếp theo