Góc nhìn

Bà Phạm Chi Lan: “Tôi không tin Trung Quốc không dám gây hấn về kinh tế”

Không đồng tình với ý kiến của TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: "Tôi không cho là Trung Quốc không dám "chơi mạnh với Việt Nam".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

"Trung Quốc không dễ gì gây hấn với Việt Nam"

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc cũng cho rằng mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay là khá sâu.
 
TS. Thành dẫn ra một số ví dụ như du lịch từ Trung Quốc chiếm đến 1/4 lượng khách du lịch tới Việt Nam; đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam chỉ đứng thứ 9 nhưng lại ở một số lĩnh vực nhạy cảm như giao thông, năng lượng… Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành cho rằng, Trung Quốc không dễ gì gây hấn một cách ồ ạt với Việt Nam.
 
Giải thích về nhận định này, TS. Võ Trí Thành cho rằng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc không chỉ đơn thuần là quan hệ giữa hai nước mà còn liên quan đến nhiều tập đoàn, nhiều quốc gia trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam.
 
"Hơn thế nữa Trung Quốc đang có nhiều lợi ích hơn trong mối quan hệ thương mại với Việt Nam. Và Trung Quốc không dễ phá bỏ các ràng buộc với Việt Nam vì hiện nay Việt Nam đang “chơi”  một cách đàng hoàng với Trung Quốc bằng các cam kết quốc tế, bằng các hiệp định thương mại", TS. Võ Trí Thành nói.
 
Cuối cùng, nếu Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, hình ảnh của Trung Quốc sẽ xấu đi. Thế giới càng lo ngại trong khi đó Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào lợi ích khi quan hệ với các nước trên thế giới.
 
Theo đó, TS. Võ Trí Thành đánh giá, căng thẳng với Trung Quốc gần đây là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh tái cấu trúc hội nhập nhưng mặt khác, Trung Quốc là nền kinh tế “không thể không chơi” bởi đây là nền kinh tế đang trỗi dậy và là một trong những thị trường lớn nhất thế giới mà cả thế giới đều không muốn bỏ qua.
 
"Tôi không tin họ không dám gây hấn"
 
Không đồng tình với ý kiến của TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: "Tôi không cho là họ không dám chơi mạnh với Việt Nam".
 
Theo bà Phạm Chi Lan, Trung Quốc có thể sẽ không "đụng" đến các các công ty đa quốc gia, nhưng đối với các doanh nghiệp Việt Nam thì không chắc chắn. 
 
"Theo như TS. Thành thì vì liên kết với nhau bằng các hiệp định nên Trung Quốc không dám vi phạm quốc tế nhưng họ đã và đang vi phạm các công ước quốc tế, vi phạm Luật Biển, nữa là vi phạm mấy hiệp định như WTO", bà Lan nói.
 
Và thực tế cho thấy Trung Quốc vi phạm các điều lệ WTO và bị thổi còi một cách thường xuyên đấy chứ. Vì vậy, theo bà Lan, chúng ta cần thiết phải chuẩn bị các tình huống xấu nhất chứ không chủ quan được.
 
Vì vậy, bà Lan kiến nghị VCCI chỉ nên đưa các kiến nghị chính sách, tập trung giải quyết những ngành hàng cốt lõi thôi, không nên kiến nghị dàn trải.
 
Các ngành hàng này là những ngành hàng có ảnh hướng lớn từ Trung Quốc. Sau đó làm thật tốt, tập trung vào giải quyết từ 3-5 năm để cho nó mạnh lên.
 
Thêm vào đó, bà Lan cũng nhấn mạnh đến sự đồng lòng giữa các doanh nghiệp với nhau và sự tự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp trước khi có sự hỗ trợ của nhà nước trong quá trình tự chủ về kinh tế.
 
Đồng tình với ý kiến của bà Phạm Chi Lan, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại VCCI cho biết sắp tới sẽ mời một nhóm chuyên gia, kỹ thuật các ngành hàng, ngồi với các hiệp hội để trao đổi xây dựng các phương án, tình huống chủ động đối phó. 
 
"Trong một tháng tới sẽ đưa các kiến nghị về các phương án này trình lên Thủ tướng Chính phủ", ông Vũ Tiến Lộc nói.
Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo