Doanh nhân

Bà Thái Anh Văn trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Đài Loan

Bà Thái Anh Văn, thủ lĩnh Đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP) của Đài Loan, đã giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ trong cuộc bầu cử diễn ra hôm 16/1 vừa qua và trở thành vị nữ Tổng thống đầu tiên của quốc gia này...

Bà Thái, 59 tuổi, là một cựu giáo sư luật. Đảng DPP của bà muốn Đài Loan độc lập với Trung Quốc đại lục.

Trong bài phát biểu sau chiến thắng, bà Thái cam kết sẽ duy trì nguyên trạng quan hệ giữa hai bờ eo biển. Bà nói Bắc Kinh cần tôn trọng nền dân chủ của Đài Loan và hai bên cần đảm bảo sẽ không có bất kỳ sự gây hấn nào.

Nữ Tổng thống đầu tiên của Đài Loan

Bà Thái Anh Văn

Nhà lãnh đạo mới đắc cử ca ngợi một “kỷ nguyên mới” ở Đài Loan và cam kết sẽ hợp tác với các đảng phái chính trị khác về các vấn đề lớn của vùng lãnh thổ. Nguyện vọng của người dân Đài Loan sẽ là cơ sở cho quan hệ với Trung Quốc, bà Thái tuyên bố.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng hai bờ eo biển cùng có trách nhiệm tìm ra các phương thức tương tác mà hai bên cùng chấp nhận được, dựa trên sự tôn trọng và đôi bên cùng có lợi. Chúng ta cần đảm bảo rằng không có sự gây hấn hay sự cố nào xảy ra”, bà Thái nói, đồng thời cảnh báo rằng “bất kỳ dạng đàn áp nào cũng sẽ làm phương hại tới sự ổn định của quan hệ giữa hai bờ eo biển”.

Bà Thái cảm ơn Mỹ và Nhật Bản vì sự ủng hộ của hai nước này và tuyên bố Đài Loan sẽ đóng góp vào hòa bình và ổn định trong khu vực. Trong cuộc bầu cử được coi là lịch sử ở Đài Loan, bà Thái giành 56% số phiếu, trong khi thủ lĩnh Quốc dân đảng (KMT) Eric Chu chỉ giành 31%. Trong bài phát biểu thừa nhận thất bại, ông Chu chúc mừng bà Thái và tuyên bố rời cương vị thủ lĩnh KMT.

Lãnh đạo Đài Loan

Trong cuộc bầu cử được coi là lịch sử ở Đài Loan, bà Thái giành 56% số phiếu.

Cuộc bầu cử ở Đài Loan diễn ra chỉ vài tháng sau cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Singapore vào cuối năm ngoái. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai bờ eo biển sau hơn 60 năm.

Giới quan sát nhận định, nền kinh tế giảm tốc và mối quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc đại lục là những yếu tố cùng đóng vai trò trong lựa chọn của cử tri Đài Loan.

KMT đã cầm quyền trong phần lớn thời gian 70 năm qua ở Đài Loan và đã cải thiện quan hệ với Bắc Kinh trong những năm gần đây. Kết quả cuộc bầu cử này mới là lần chiến thắng thứ hai dành cho DPP.

Trước bà Thái, một thành viên khác của DPP là ông Trần Thủy Biển đã giữ cương vị nhà lãnh đạo Đài Loan trong thời gian 2000-2008. Đó cũng là quãng thời gian mà căng thẳng trong quan hệ giữa hai bờ eo biển gia tăng.

Bà Thái trở thành Chủ tịch DPP vào năm 2008 và đã thất bại trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2012. Sau đó, bà đã đưa DPP giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử vùng. Sự ủng hộ của cử tri Đài Loan đối với bà Thái gia tăng do ngày càng có nhiều người bất mãn với KMT và cách ông Mã Anh Cửu lãnh đạo nền kinh tế, cũng như khoảng cách giàu nghèo gia tăng.

Cuộc bầu cử vừa diễn ra đánh dấu lần đầu tiên KMT mất đa số ghế trong cơ quan lập pháp của Đài Loan.

Ông Eric Chu, 54 tuổi, là thị trưởng thành phố Tân Bắc và trở thành Chủ tịch KMT vào tháng 10/2015. Ông nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên trẻ tuổi trong KMT, nhưng không thể thay đổi được quan điểm của dân chúng Đài Loan nói chung ngày càng không hài lòng với lập trường thân thiện của đảng này với Trung Quốc đại lục, cũng như những khó khăn kinh tế của vùng lãnh thổ.

Vào năm 2014, hàng trăm sinh viên Đài Loan đã đổ vào chiếm cơ quan lập pháp trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đại lục lớn nhất trong nhiều năm ở vùng lãnh thổ này. Với tên gọi Phong trào Hoa hướng dương, người biểu bình đòi tăng cường sự minh bạch trong các thỏa thuận thương mại ký kết với Trung Quốc.

Tổng hợp theo Cafebiz/VnEconomy

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo