Góc nhìn

Bài học gì sau vụ Metro Việt Nam trốn thuế

Câu chuyện Metro Việt Nam trốn thuế cho thấy tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã đến mức báo động.

  

Câu chuyện Metro Việt Nam liên tục báo lỗ trong nhiều năm nhưng vẫn mở rộng thị trường, với doanh thu hàng trăm triệu USD cho thấy tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã đến mức báo động. Theo ThS Bùi Ngọc Sơn, nguyên nhân của tình trạng này là do quản lý yếu kém, thực thi luật chưa nghiêm, đâu đó có tình trạng tham nhũng...
 
Ngày nào cán bộ chẳng đến kiểm tra, hạch họe!
 
Câu chuyện Metro Việt Nam kinh doanh rầm rộ, liên tục mở rộng thị trường nhưng vẫn báo lỗ trong nhiều năm để trốn thuế cho thấy lỗ hổng trong quản lý của chúng ta, điều này khiến nhiều người cảm thấy buồn. Cớ làm sao mà cả một bộ máy quản lý đồ sộ như thế mà không thể quản được một vài doanh nghiệp, để họ luôn lách trốn đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng tiền thuế. Ông có câu trả lời?
 
Chuyển giá là chuyện thường ấy mà. Nó đâu phải là cái gì mới, bao nhiêu doanh nghiệp làm ăn ở Việt Nam cũng đã sử dụng chiêu thức này thành công rồi, các doanh nghiệp khác họ cũng áp dụng thôi, chuyện rất bình thường. Còn bạn muốn thay đổi à, nghĩa là bạn nghĩ rằng có thể thay đổi được ngay nếu ta hô hào bài trừ chuyển giá. Nhưng tôi ấy à, tôi không hy vọng nhiều. Vì để thay đổi được, thì thay đổi cả hệ thống. Mà việc đó thì không phải do cá nhân tôi làm được, khó.
 
Nghĩa là ông không có câu trả lời?
 
Tôi khẳng định, không phải là người ta không quản lý được, mà câu chuyện là có muốn quản lý hay không mà thôi. Một tờ hóa đơn đem nộp ở chi cục thuế, chỉ cần sai một dấu chấm dấu phẩy thôi là phải đem về làm lại, làm đi làm lại đến khi nào chính xác, không có một lỗi nào thì thôi. Họ bắt đủ kiểu thủ tục, làm đi làm lại cơ quan thuế mới chấp nhận. Ấy thế mà có ông bán bảy, tám chục cái hóa đơn ra, đến khi khui ra thì bảo là công ty “ma”. Tôi mới bảo, các ông làm trò, làm gì có chuyện đó. Ngày nào, tháng nào các cán bộ chẳng đến kiểm tra, hạch họe đủ điều, làm sao doanh nghiệp tự biến đi. Nghĩa là nó phải có cái gì đằng sau đó.
 
ThS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới.
 
Bổ dọc ra, kiểm tra là biết ngay

Cơ hội để doanh nghiệp nước ngoài thực hiện chuyển giá là do ta có lỗ hổng về quản lý hay do người thực thi luật chưa nghiêm?
 
Tôi nghĩ, cơ hội là do con người tạo ra. Muốn được bỏ qua, muốn được kinh doanh dễ dãi, muốn thu được lợi ích nào đó thì phải đầu tư, phải bỏ tiền ra thì mới mua được. Không cái gì tự nhiên đến, đó là điều bình thường trong nguyên lý kinh doanh.

Vậy là các nhà quản lý biết thực trạng này, nhưng chưa thể làm gì?
 
Tôi chỉ nghĩ rằng họ biết, họ biết hết, vì đó đâu phải là cái gì cao siêu. Khi đã xác định vào WTO thì phải xác định vấn đề chuyển giá, trốn thuế là vấn đề phổ biến trên thế giới rồi. Vì thế, chúng ta phải chuẩn bị một đội ngũ chuyên gia về thương mại và pháp lý để kiểm soát, tham gia các hiệp định để đối phó. Doanh nghiệp khi vào đầu tư thường để lại lợi nhuận ở nơi nào mà thuế thu nhập thấp nhất. Muốn điều tra xem doanh nghiệp có tính giá chuẩn hay không thì phải kiểm tra tại nơi mà doanh nghiệp đó đặt cơ sở sản xuất. Khi đã phát hiện ra chuyển giá thì sẽ phạt thật nặng, để các doanh nghiệp khác không dám làm. Rất đơn giản.
 
Nhưng chúng ta có đủ nhân lực để làm?
 
Tôi không ở Bộ Công Thương nên tôi không nắm được.

Vậy vai trò của các nhà nghiên cứu như ông thì sao?
 
Chúng tôi chỉ có thể tư vấn việc chuyển giá sẽ như thế nào. Thực ra cái này cảnh sát thuế vụ các nước họ nắm được hết. Giống như kiểm toán khi vào kiểm tra một cơ quan, trong hàng đống hóa đơn chứng từ hàng chục năm, chỉ cần phán đoán xem mục nào dễ đưa tiền vào nhất, ví dụ như tiếp khách. Chỉ cần bổ dọc ra, lấy hết các hóa đơn chứng từ tiếp khách ra kiểm tra là biết ngay.
 
Khó hiểu vì vào WTO lâu rồi mà vẫn thế!
 
Theo ông thì vì sao chúng ta để tình trạng này xảy ra lâu thế?
 
Do chúng ta công nhận, bỏ qua và chấp nhận tình trạng báo lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư kinh doanh kéo dài, cho đến khi báo chí, dư luận thông tin mới biết Metro Việt Nam lỗ thật lãi giả như thế nào. Doanh nghiệp nào cũng phải có những thủ thuật, khai lỗ để phá sản doanh nghiệp cũ, mở doanh nghiệp mới là thủ thuật khôn ngoan trong kinh doanh. Ví dụ, lập ra một doanh nghiệp huy động cổ phần, cổ đông nhưng khai lỗ để sau đó đập bỏ doanh nghiệp, lập doanh nghiệp mới để hưởng ưu đãi. Có khoảng chênh lệch rất lớn giữa ưu đãi với thực tế mà họ đóng. 
 
Vì chúng ta chấp nhận nên mới để ra như thế, điều này thật vô lý, vì sao lại chấp nhận chuyện ngược đời như thế được?
 
Nó có lý trong hệ thống của chúng ta. Giờ để thay đổi thì phải thay đổi nhiều thứ lắm. Chuẩn bị đội ngũ chuyên gia cho thật tốt, tòa án cũng phải làm thật tốt vai trò của mình. Đã vào đến thương mại thế giới thì chuyện tranh tụng là chuyện thường xuyên. Tòa án kinh tế phải được nâng cấp, cán bộ thực thi luật phải được chuẩn.
 
Phải chăng đội ngũ đó của ta chưa đạt yêu cầu nên mới để xảy ra các vụ việc kia?
 
Tôi nghĩ là đội ngũ đó chưa chuẩn. Vào WTO lâu rồi mà vẫn để như thế, thì tôi cũng thấy khó hiểu. Đáng lẽ phải có hệ thống các cơ quan chuyên theo dõi những cái đó, rồi cơ quan thi hành luật, tòa án, người thực thi phải nghiêm. Khi xiết chặt được rồi thì mới quản lý được.
 
Muốn điều tra phải có thủ thuật
 
Ông vừa nói ở góc độ quản lý thì ai cũng sẽ biết các chiêu trò này của doanh nghiệp, vậy sao chúng ta vẫn bế tắc?
 
Biết và chứng minh được điều mình biết thì mới là năng lực thực sự. Hay biết mà cố tình coi như không biết thì lại là vấn đề khác nữa.
 
Vì sao những vụ chuyển giá trước đây của các doanh nghiệp chúng ta không xử lý thật nghiêm, để không có những vụ việc tương tự nữa?
 
Thực ra đến bây giờ chúng ta mới để ý nhiều đến việc chuyển giá. Muốn làm được thì phải học kinh nghiệm các nước, biết các vụ kiện trên thế giới, các thủ thuật chuyển giá như thế nào, nằm ở đâu, muốn điều tra phải có thủ thuật, khi ra tòa để vạch tội thì phải chuẩn bị hồ sơ như thế nào. Rồi trình tự luật pháp của từng vụ việc như thế nào, còn nếu phát hiện xong, đưa lên lại bảo để xem xét, xin ý kiến chỉ đạo thì còn lâu lắm.

Vậy có thể kết luận để xảy ra chuyển giá là do năng lực quản lý chưa tốt hay có tham nhũng?
 
Tôi nghĩ là có cả hai. Nhưng chứng minh một doanh nghiệp chuyển giá là khó, còn chứng minh xong rồi, đưa nó ra công khai còn khó hơn. Tôi nói thế chắc bạn hiểu.
 
Thiệt hại từ doanh nghiệp chuyển giá đối với kinh tế chắc hẳn là không nhỏ?
 
Thì đáng lẽ khoản tiền đó thu về ngân sách quốc gia thì giờ không thu được, thiệt hại lớn. Rồi khi doanh nghiệp biết rằng ta không thể kiểm soát được thứ đó thì họ có thể tự mình điều hành thoải mái, đưa ra mức giá để có lợi nhuận tối ưu thì không làm gì được họ. Thế là người tiêu dùng phải chịu. 
 
Theo ông việc “chạy” để có lời cho doanh nghiệp có khó không?
 
Chắc là với cách thức quản lý của chúng ta hiện nay thì việc đó không khó lắm đâu. Bây giờ chỉ cần minh bạch tất cả là có thể thay đổi được.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Kiến thức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo