Hiệp hội doanh nghiệp

Bài phát biểu của Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nguyễn Văn Thân tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017

(DNVN) - Ngày 17/5, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) đại diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có bài phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Doanh Nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIV tại Hội nghị.

Kính thưa: Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ Tướng Chính Phủ

Kính thưa: Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UB TW MTTQ Việt Nam, Bí Thư Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh

Kính thưa: Các đồng chí Phó Thủ tướng Chính Phủ

Kính thưa: Các Đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành và địa phương

Thưa: Quý doanh nhân và Quý vị đại biểu.      

Trước tiên, tôi xin thay mặt Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trân trọng cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép và tạo cơ hội cho Hiệp hội được nói tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó góp phần vào tiếng nói chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Hội nghị quan trọng  hôm nay.

Tôi xin trình bày tham luận về chủ đề mà các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm  đó là các chi phí của doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu.

Về đánh giá tình hình một năm thực hiện Nghị quyết 35/2016/NQ – CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Hiệp hội cơ bản tán thành và nhất trí với báo cáo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Với trách nhiệm là tổ chức đại diện của các DNNVV Việt Nam, Hiệp hội luôn gắn bó với hoạt động của doanh nghiệp, hiểu rõ những khó khăn, thuận lợi của doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là DNNVV.

Bên cạnh kết quả bước đầu đáng ghi nhận đó, phải nói thật, cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ trên bước đường làm ăn chân chính của mình, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí, bao gồm cả chi phí chính thức và chi phí không chính thức.

Về chi phí chính thức: 

Kết quả đạt được về cải cách thủ tục hành chính và cải cách thể chế kinh tế nói chung, trong năm qua đã góp phần làm giảm nhiều chi phí chính thức của doanh nghiệp, đáng ghi nhận trong một số lĩnh vực như: Thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan... Chính những điều đó đã tạo nên một bước tiến về cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

 

Tuy nhiên,chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí làm các thủ tục hành chính, thuế, phí, lệ phí thì vẫn còn cao trong cơ cấu chi phí chung của doanh nghiệp. Một số một quy định về thủ hành chính chồng chéo, phức tạp, thậm chí không thực sự cần thiết làm gia tăng thời gian và chi phí chính thức của doanh nghiệp.

Về chi phí không chính thức:

Đối với tiếp cận các dịch vụ công, như: Đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan...  những chi phí này đang có xu hướng giảm, cụ thể: năm 2015 là 28 %, năm 2016 là 18,8%.

Tuy nhiên, đối với các khoản chi cho việc tiếp cận dịch vụ công như: Xin cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, đấu thầu, đánh giá tác động môi trường, tiếp cận vốn ngân hàng, chưa thấy có sự cải thiện.

Ngoài ra, trong các lĩnh vực doanh nghiệp thường xuyên bị kiểm tra, thanh tra như: chấp hành pháp luật thuế, lao động, môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy..., doanh nghiệp phải tiếp tục chi các khoản chi không chính thức.Tình hình này cũng chưa thấy có sự cải thiện.

 

Chi phí chính thức và không chính thức còn cao như đã nói trên dẫn đến giá thành sản phẩm cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng.

Về nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc doanh nghiệp phải chi nhiều khoản không chính thức

Từ phía các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước: Mặc dù Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, tuy nhiên khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất, thể hiện ở sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, nhũng nhiễu của một bộ phận không nhỏ người thừa hành công vụ, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn chậm, hướng dẫn không đầy đủ cho doanh nghiệp, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Điều này đã dẫn đến nếu doanh nghiệp muốn được việc thì phải đi đêm, bôi trơn, chung chi”  theo kiểu “ của công chia ba, của nhà chia đôi”. Hiện tượng này tương đối phổ biến. Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp  cũng hiểu một phần của nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực trên là do chế độ tiền lương của công chức, viên chức còn rất thấp, cùng với đạo đức công vụ thấp, nên họ đã tìm kiếm thu nhập thêm từ các khoản chi không chính thức của doanh nghiệp.

Từ phía doanh nghiệp: 

Thứ nhất: Một bộ phận doanh nghiệp do nhận thức không đúng nền kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh, thiếu đạo đức kinh doanh nên đã chạy theo kiểu kinh doanh bằng “quan hệ” để thay thế cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh lành mạnh, nên đã chủ động “ đi đêm” “chi ngầm” để có được lợi thế trong kinh doanh;

 

Thứ hai: Một số doanh nghiệp do bị sức ép “đòi hỏi” từ phía, công chức, viên chức nên buộc phải chi để được việc. Mặc dù doanh nghiệp cũng nhận thức được việc làm đó là không chính đáng, thậm chí còn vi phạm pháp luật nhưng vì sự tồn tại, vì để có công ăn việc làm nên họ phải miễn cưỡng thực hiện.

Nếu các chi phí không chính thức không được ngăn chặn, đẩy lùi, xóa bỏ mà lại gia tăng với đặc điểm hình thái “muôn hình vạn trạng”, “mờ mờ ảo ảo” thì sẽ gây ra muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp không biết đường nào mà lần, mà thoát ra, dẫn đến mệt mỏi chán chường và nản chí trong kinh doanh. Điều đó sẽ bào mòn, bóp méo tư tưởng, nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, làm giảm hiệu quả phân bổ nguồn lực của đất nước, làm giảm sút năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của Quốc gia, tạo tập quán, thói quen xấu trong kinh doanh, làm hỏng bộ máy quản lý, giảm niềm tin của nhân dân.

Để khắc phục vấn đề này, rất cần sự nỗ lực chung tay và thực tâm từ cả hai phía cơ quan, công chức, viên chức nhà nước và doanh nhân, doanh nghiệp.

Từ tình hình nêu trên, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xin có một số kiến nghị như sau:

 1. Đối với cộng đồng doanh nghiệp.

 

1.1. Các doanh nghiệp cần phải xây dựng tập quán, tạo thói quen, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, xác định sứ mệnh phát triển sản xuất kinh doanh làm giầu chân chính là yêu nước, thực hiện nói không với tiêu cực, chủ động nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chung tay cùng với các Cơ quan Nhà nước ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong kinh doanh.

1.2. Với tư cách là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội mong muốn và kiến nghị với các Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp FDI hỗ trợ, giúp đỡ và liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa..., để các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, qua đó tiết giảm chi phí của doanh nghiệp, cùng chung sức vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Đối với Quốc hội, Chính phủ, Thủ Tướng Chính phủ và các Bộ, ngành,  địa phương.

2.1. Đề nghị Chính phủ, Thủ Tướng Chính phủ xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thời hạn phải bãi bỏ, cắt giảm các khoản bắt buộc doanh nghiệp chi bất hợp lý, chi cao quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Các Bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp tăng cường kỷ luật và trách nhiệm của công chức, viên chức nhà nước trong việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, nêu cao tinh thần lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ, lấy chỉ tiêu phục vụ doanh nghiệp để đánh giá khen thưởng hoặc kỷ luật công chức, viên chức.

2.2. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trình Quốc hội thông qua Luật  hỗ trợ DNNVV tại kỳ họp thứ 3 tới đây, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện hỗ trợ DNNVV,. Đây là đạo luật quan trọng làm cơ sở pháp lý thực thi chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ, phát triển DNNVV. Trong Luật này, đề nghị Quốc hội và Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho Hiệp hội DNNVV Việt Nam. Hiệp hội chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề khác thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

 

2.3. Ở nước ta đang tồn tại khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó trên 3,7 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Đây là lực lượng rất to lớn và có nhiều tiềm năng ( Hiện nay  77% doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đi lên từ hộ kinh doanh). Vì thế, các hộ kinh doanh này cần được đối xử bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ như các DNNVV. Muốn lực lượng này trở thành doanh nghiệp, cần phải có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước để họ nhận thấy việc chuyển đổi về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích trong hoạt động SXKD so với kinh doanh dưới hình thức hộ.

Hiệp hội kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án, chương trình hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

2.4 Trong giai đoạn từ 2005 đến 2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành trên 30 Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên việc triển khai các chương trình hỗ trợ vẫn thiếu tính liên kết giữa Bộ, ngành, địa phương với các Hiệp hội ở Trung ương và địa phương. Để tăng cường năng lực cho các hiệp hội, tăng tính liên kết trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trân trọng đề nghị Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp chuyển giao một số dịch vụ công cho các hiệp hội, trước mắt có thể thí điểm giao cho một số Hiệp hội thực hiện. Qua đó, góp phần làm giảm chi phí của doanh nghiệp trong SXKD và cũng là cơ sở, điều kiện để các Hiệp hội tự nâng cao năng lực, trách nhiệm của mình, qua đó huy động được các nguồn lực trong xã hội, góp phần giảm chi phí từ ngân sách nhà nước.

2.5. Hiện nay nguồn vốn nhàn rỗi trong dân còn rất lớn, nhưng việc huy động nguồn lực này vào đầu tư phát triển còn hạn chế. Vì vậy, rất cần Chính phủ, Thủ Tướng Chính phủ có chính sách, giải pháp đột phá, trong đó có việc cắt giảm các thủ tục hành chính và loại bỏ các chi phí không đáng có để tạo ra động lực huy động nguồn vốn này phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hãy vay dân còn hơn là đi vay chỗ khác.

Kính thưa, Thủ tướng và toàn thể hội nghị!

 

Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xin nhận bất cứ nhiệm vụ nào mà Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao phó, Chúng tôi mong ước và tin tưởng rằng, đến năm 2020 đất nước ta vui mừng đón nhận thành công to lớn của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (2016 – 2020), trong đó có đóng góp của cộng đồng DNNVV Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn!

Nên đọc
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo