Góc nhìn

Bán dưa ở Bộ

Mấy ngày nay, tại một số thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng có những tổ chức xã hội, cá nhân chia sẻ với người dân Quảng Nam, bằng cách tổ chức bán, kêu gọi mọi người tiêu thụ số dưa hấu tồn đọng do khó khăn về việc xuất khẩu sang Trung Quốc.

 Chưa có con số thống kê chính thức nhưng lượng hàng bán được cũng lên tới cả trăm tấn, giúp người nông dân giảm bớt thua lỗ.

 
Theo tôi, đây là một việc làm tích cực thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng, chia sẻ khó khăn với người nông dân. Tuy nhiên, không ít người lấy làm ngạc nhiên khi ngay trong trụ sở của Bộ Công Thương ngày 9/4 cũng tổ chức bày bán dưa hấu, tạo nên một khung cảnh khá khác thường ở không gian của một cơ quan quản lý ngành.
 
Tôi ủng hộ các tổ chức, cá nhân giúp đỡ những người nông dân ở các vùng trồng dưa hấu, các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu với những hành động thiết thực, không vụ lợi. Các cán bộ của Bộ có hành động tốt, xuất phát từ trách nhiệm xã hội nhưng trụ sở của một cơ quan quản lý đầu ngành về xuất nhập khẩu không phải là địa điểm phù hợp cho việc làm thiện nguyện đó.
 
Bộ Công Thương là cơ quan có trách nhiệm về xúc tiến thương mại, tìm đầu ra, cho xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa chứ không phải là nơi để trực tiếp vận động bán lẻ.
 
Năm ngoái, do năng suất, sản lượng vải thiều các tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên… gia tăng mạnh, việc xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc khó khăn, đã có những cuộc vận động giúp bà con nông dân tiêu thụ. Tôi nhớ, thời điểm đó, Bộ Công Thương đã làm những việc rất hiệu quả: Tổ chức các cuộc hội thảo bàn về tiêu thụ vải, xúc tiến xuất khẩu ra thị trường bên ngoài và cùng với các đơn vị như Sở Công Thương TP HCM đưa vải thiều, tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam. Nhờ đó, năm 2014, việc tiêu thụ vải thiều của nông dân cơ bản đạt kết quả tốt, giá bán cao.
 
Dưa hấu khác với vải thiều vì khó bảo quản, và đúng là không thể chờ hội thảo để "bàn tiêu thụ", nhưng điều người nông dân cần ở các "cơ quan nhà nước" chắc chắn không phải là việc mua và bán sản phẩm của họ ngay tại nơi mà trách nhiệm chính là đưa ra cơ chế xuất khẩu, đảm bảo lợi ích cho người dân.
 
Tôi tin, nếu tập trung nhân lực, Bộ Công Thương sẽ có giải pháp tìm ra những kênh giúp người dân tiêu thụ ở quy mô lớn. Và điều quan trọng hơn mà người dân, doanh nghiệp mong chờ là các giải pháp xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh việc bị lệ thuộc, chi phối bởi thị trường Trung Quốc như hiện nay.
 
Hy vọng sẽ không còn những mùa thu hoạch ngổn ngang hàng đổ bỏ chỉ vì nông dân quá được mùa.
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo