Phân tích

Bàn giải pháp để doanh nghiệp và ngân hàng gặp nhau

Doanh nghiệp thiếu vốn rất cần vay, trong khi ngân hàng có vốn cũng muốn cho vay, nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận vốn là câu hỏi thường ngày khó tìm câu trả lời. Điều tưởng như vô lý này lại đang tồn tại khiến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) dù có cơ hội đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh cũng đành… bó tay! Giải pháp nào để doanh nghiệp và ngân hàng gặp nhau là bài toán đang rất cần lời giải.

Nút thắt nằm ở thể chế về vay tín dụng

Trao đổi với PV về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho biết: Hiện đa số các ngân hàng, kể cả các ngân hàng TMCP đều có 1 bộ phận hỗ trợ các DNNVV và có tiêu chí làm nhẹ thủ tục nhằm giúp các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn vay được dễ dàng. Trong thỏa thuận ký kết, thời hạn hỗ trợ vốn vay từ ngắn hạn cũng đã được linh hoạt chuyển thành trung hạn…  (tuy mức vay được hạn chế bớt) và ưu tiên cho sản xuất xuất khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận với nguồn vốn chưa cao, dù các DNNVV còn thiếu nhiều vốn. Nút thắt của vấn đề này là do tâm lý của doanh nghiệp cho rằng vay vốn từ ngân hàng  không dễ, và điều khoản, điều kiện tiêu chuẩn vay của các doanh nghiệp luôn không đủ… Vì vậy, vướng mắc vẫn tồn tại ở “khúc giữa” - đó là do cơ chế thủ tục vẫn còn chặt, các ngân hàng vẫn tư duy về tính an toàn cao, tuy vậy cũng không thể vượt qua các quy định để cho vay được. Ngoài ra, Luật Hỗ trợ DNNVV đã có hiệu lực, nhưng vẫn chờ các nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ để các địa phương có cơ sở triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp về các mặt liên quan được tốt nhất.  

Ông Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Hiện nay cơ sở pháp lý để từng bước tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp đã dần được hình thành. Về nguyên tắc, các ngân hàng thương mại hoạt động cho vay vốn đổi với các doanh nghiệp đều phải tuân theo Luật các tổ chức tính dụng và theo quy luật của thị trường, Nhà nước không thể dùng mệnh lệnh hành chính để áp đặt các NHTM bắt buộc cho DNNVV vay. Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ về vốn cho các DNNVV thông qua việc nâng cao khả năng minh bạch tài chính của doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý cho các Quỹ hoạt động hiệu quả, miễn giảm thuế cho các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính có các khoản vay dành riêng cho DNNVV.

Minh chứng rõ nhất cho nhận định của ông Thân là việc Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã ký kết với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và các quỹ về gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được vốn, dù việc triển khai các phương án cho vay vốn rất cởi mở (doanh nghiệp đủ điều kiện không cần tài sản thế chấp). BIDV cũng đã tổ chức tổ chức các hội nghị ở TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, đồng thời tiếp xúc trực tiếp với Hiệp hội đề nghị được tham vấn và giới thiệu các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn… Điều đó chứng tỏ, các ngân hàng rất cần mở rộng khách hàng là các doanh nghiệp cần vốn vay.

Với cương vị Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, bà Nguyễn Thị Mùi lý giải nguyên nhân khiến các doanh nghiệp và ngân hàng chưa gặp được nhau. Đó là, do không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp (do thông tin chưa minh bạch, một số DNNVV thường xử lý số liệu trước khi gửi bộ hồ sơ vay đến ngân hàng. Chính điều này đã gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc sử dụng các chỉ tiêu tài chính để chấm điểm và xếp hạng tín dụng) hoặc không có khả năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hay không có dự án khả thi để các NHTM xem xét cho vay. Bên cạnh đó, năng lực quản lý của DNNVV còn nhiều bất cập, đặc biệt các doanh nghiệp ngoài quốc doanh vừa thiếu kinh nghiệm, kiến thức, trình độ, vừa thiếu bản lĩnh kinh doanh trong cơ chế thị trường trong khi lại chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ tư vấn mang tính chuyên nghiệp. Cùng đó, để phòng ngừa rủi ro, các ngân hàng yêu cầu các DNNVV vay vốn phải có đầy đủ tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh của bên thứ ba. Đây chính là nút thắt giữa doanh nghiệp với các ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

Việc ra đời Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV cũng là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng hoạt động của Quỹ chưa hiệu quả, do nguồn vốn rất hạn chế và cán bộ chưa có kinh nghiệm trong bảo lãnh tín dụng cũng như đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp

Hiện nay, bảo hiểm tín dụng chưa phát triển, hình thức để các DNNVV vay được vốn chỉ có thể là thế chấp, cầm cố tài sản hoặc bảo lãnh của bên thứ ba cũng là nguyên nhân khiến các DNNVV khó tiếp cận vốn”, bà Mùi khẳng định.

Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ (Công ty APP), doanh nghiệp đã giao dịch với Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thành Đô, chia sẻ: Khi xác định mối quan hệ giữa đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ và khách hàng, mà ở đây là ngân hàng và doanh nghiệp, thì động lực, mong muốn, ham muốn tiêu thụ sản phẩm dịch vụ của ngân hàng không thực sự cao như các doanh nghiệp khác. Với sản phẩm dịch vụ đặc biệt, vị thế của đơn vị cung cấp sản phẩm cũng có thể đặc biệt, nhưng khi đặt trong mối quan hệ ngân hàng - khách hàng, quan niệm “đặc biệt” đó tồn tại trong giao dịch đôi khi như một rào cản trong việc tiêu thụ sản phẩm. APP là đơn vị có cổ phiếu niêm yết với báo cáo tài chính thường niên bài bản, nhưng khi làm việc, đôi khi vẫn gặp những rào cản nhất định, huống chi những doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các hộ kinh doanh đang trong quá trình chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Điều này do ngân hàng hầu như chưa coi khách hàng là đối tượng cần phục vụ, việc nhân viên lăn lộn với khách hàng như nhiều loại hình kinh doanh khác còn hạn chế.

 

Làm gì để rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp và ngân hàng

Để rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp và ngân hàng, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Nguyễn Văn Thân đề xuất: Để doanh nghiệp và ngân hàng gặp được nhau một cách thuận lợi, Chính phủ cần có các quy định nhằm làm cho cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận được vốn từ phía ngân hàng được dễ dàng hơn. Cùng đó, Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ Hỗ trợ DNNVV… cần thể hiện được chức năng của mình như bảo lãnh 100% trách nhiệm đối với doanh nghiệp; tổng phí bảo lãnh + phí lãi = lãi suất của doanh nghiệp phải trả cho ngân hàng, nhằm đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa việc được vay vốn của doanh nghiệp.

Còn một nhà quản trị chuyên tư vấn cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn chia sẻ, muốn gỡ được nút thắt, ngân hàng cần “đọc đúng” báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Theo vị này, trong kinh tế thị trường, ngân hàng là nhà kinh doanh tiền tệ, họ phải lo bảo toàn vốn đã cho vay, nên tất yếu họ phải biết chắc người vay có gì bảo đảm cho số vốn này. Những doanh nghiệp lớn thì có tài sản để bảo đảm, còn đa số doanh nghiệp nhỏ, hoặc mới khởi nghiệp, hoặc doanh nghiệp làm dịch vụ thì làm gì có tài sản bảo đảm. Cho nên, nút thắt của vấn đề nằm ở chỗ, thông qua căn cứ nào đó để ngân hàng tin rằng số vốn cho người này vay sẽ được bảo toàn. Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp không hiểu ngân hàng hay ngân hàng không hiểu doanh nghiệp thì họ không có cơ sở bảo vệ dòng tiền cho vay. Căn cứ đó chính là báo cáo tài chính của bên vay tiền đủ chứng minh sự an toàn của dòng tiền cho vay, nếu qua đó có thể thấy bên vay tiền đang làm ăn có hiệu quả, tiền vay về sẽ làm ra thêm lợi nhuận thì việc cho vay sẽ được tiến hành. Vấn đề ở đây là làm sao ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau bằng số liệu báo cáo tài chính đó, để cùng thấy và đồng thuận về sự minh bạch và thống nhất cao độ về hệ thống báo cáo tài chính đó.  

“Nếu bên cho vay và bên vay tiền chưa hiểu nhau qua báo cáo tài chính đó thì cần có “người phiên dịch”. Tốt nhất là cơ quan hiệp hội mà doanh nghiệp đi vay là hội viên có thể trợ giúp bằng việc phân tích trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp để chứng minh cho ngân hàng thấy doanh nghiệp này đang làm ăn tốt và có khả năng trả nợ vay cho ngân hàng”, nhà quản trị phân tích.

Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ (Công ty APP).

Tại Công ty APP, việc giám sát đối với khách hàng diễn ra thường xuyên và là một nhiệm vụ bắt buộc đối với nhân viên kinh doanh, việc giám sát và chăm sóc khách hàng trong và sau khi sử dụng sản phẩm phải được ít nhất 3 lần/tháng, nhằm theo dõi thực tế kinh doanh của khách hàng đại lý, lắng nghe phản hồi của khách hàng, cũng như giám sát được tình hình tiêu thụ sản phẩm ứng trước đối với khách hàng đại lý… Nếu giải quyết được những vấn đề trên, ngân hàng và doanh nghiệp sẽ “gặp” được nhau, các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng cung cấp tới các doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ các rào cản và tiếp cận nhau dễ dàng.

Còn theo ông Hoàng Trung Dũng, cần đơn giản hóa thủ tục và niềm tin cơ bản cần xuất phát từ đối tượng vay vốn, từ đó có  tiêu chí đánh giá thực tế hơn - dễ nhưng vẫn chặt. Chúng tôi từng làm việc với một số quỹ, công ty nước ngoài về vấn đề đầu tư, cho vay vốn, hình thức khảo sát đánh giá khách hàng của họ rất thực tế. Ví dụ, việc khảo sát chủ yếu xoay quanh câu hỏi: Anh có làm như anh kê khai thật không? Anh có thực sự cần và sử dụng tiền của chúng tôi đúng với mục đích kê khai không? Việc cải cách thủ tục linh hoạt, phù hợp với thị trường và tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận được sản phẩm dịch vụ nhưng vẫn kiểm soát được khách hàng cần dựa vào thực tế nhu cầu của khách hàng. Quan điểm của đơn vị kinh doanh được quán triệt sâu sát đến từng nhân viên, chẳng hạn như “Khách hàng là tiền lương của chúng ta”, “Sự hài lòng của khách hàng là doanh thu của chúng ta”… Nếu ngân hàng cũng đề cao những quan điểm đó, thì sẽ cởi bỏ được những khó khăn trong thủ tục, doanh nghiệp dễ tiếp cận được sản phẩm của ngân hàng hơn.

 

Nên đọc
P.V (Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo