Góc nhìn

Bản lĩnh chất vấn của ĐBQH hiện nay tới đâu?

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã trao đổi xung quanh vấn đề bản lĩnh của Đại biểu Quốc hội hiện nay.

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội, TP.HCM

PV: Nhiều Đại biểu Quốc hội rất có dũng khí chất vấn các lĩnh vực "nóng" nhưng vấn đề chất vấn trước Quốc hội lại vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Theo ông còn vướng mắc những điều gì?

Chất vấn liên quan đến trách nhiệm. Thông thường, các vấn đề đưa ra chất vấn trước Quốc hội là những vấn đề lớn, toàn thể, để xử lý tận gốc đòi hỏi có nhiều giải pháp thì Bộ trưởng mới làm được, chưa kể một số chính sách liên quan đến vấn đề chất vấn trong thực thi vẫn còn vướng...

Chẳng hạn, xử lý nợ xấu hiện nay không còn là vấn đề riêng của ngân hàng mà vấn đề là thị trường, sức mua, thậm chí liên quan cả tới Luật Dân sự, thủ tục thanh lý tài sản… rất phức tạp, chồng chéo.

Do vậy, nếu đòi hỏi chất vấn phải giải quyết ngay vấn đề rõ ràng là rất khó. Dù sao, cơ chế chất vấn Quốc hội hiện nay thì đầu tiên là buộc trách nhiệm của những người đứng đầu phải cẩn thận, phải quan tâm nhiệm vụ của mình, để nâng chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo lên.

Chúng ta cũng không đòi hỏi nếu ông làm không được yêu cầu ông phải thế này, thế kia… Chất vấn để chúng ta thấy rõ hơn một số bất cập về chính sách để Quốc hội có thể xử lý.

PV: Theo ông để đạt hiệu quả hơn nữa trong chất vấn thì Đại biểu Quốc hội phải cần có các kỹ năng gì?


Tôi cho rằng làm Đại biểu Quốc hội là làm chính trị. Nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố như: khả năng chuyên môn, nắm bắt vấn đề, diễn đạt và phương pháp thể hiện, trình bày…

Tôi thấy rằng chất lượng Đại biểu Quốc hội hiện nay đã tốt hơn rất nhiều thông qua các vấn đề được đưa ra chất vấn rất sát sao, chí lý, có dẫn chứng, thuyết phục.

Những đại biểu này là những người có tâm huyết, tìm hiểu để nắm rõ vấn đề mình đang theo đuổi và họ có tinh thần trách nhiệm rất cao. Họ đang ngày càng thể hiện trí tuệ của nhân dân và phát  huy tốt được vai trò này, tôi thấy đây là điều rất mừng.

PV: Sự cố gắng của các Đại biểu Quốc hội đã được người dân ghi nhận nhưng vẫn còn những Đại biểu chưa thể hiện hết tinh thần là Đại biểu của dân? Ông có nhận xét gì về thực trạng này?

Tôi thấy rằng hiện nay chúng ta vẫn còn hai cơ chế, đó là Đại biểu Quốc hội chuyên trách, phải thông cảm cho nhiều đại biểu vì cùng một lúc họ phải thực hiện hai công việc song song.

Do vậy, vấn đề là phải thay lại cơ chế, chứ theo kiệm nhiệm hiện nay thì nhiều Đại biểu chỉ với công việc cơ quan của họ đã làm không nổi, mà họ lại dành thêm thời gian cho Quốc hội thì cũng rất vất vả.

Xin cảm ơn ông!

Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo