Doanh nghiệp

Bàn về tính khả thi của dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh)

Dự án Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) đã có 67 năm nghiên cứu, bao gồm các đơn vị chuyên ngành quốc tế và Việt Nam, với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học đầu ngành về mỏ, địa chất, thủy văn, môi trường và kinh tế. Hiện nay thủ tục pháp lý Dự án đã hoàn thiện. Cụ thể, TKKT của Dự án đã được thẩm định bởi Công ty TNHH CBM - CHLB Đức và Hội đồng thẩm định Bộ Công thương. Bộ Công thương đã thông qua TKKT Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh (điều chỉnh) tại văn bản số 2801/BCT-CNNg ngày 31/3/2016. HĐQT của TIC đã phê duyệt TKKT và dự toán XDCT của Dự án tại Quyết định số 05/QĐ-HĐQT ngày 29/4/2016. Tuy nhiên, hiện Dự án vẫn chưa triển khai vì UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư băn khoăn về thảm họa môi trường, đầu ra tiêu thụ quặng sắt, công nghệ khai thác vẫn còn truyền thống, lạc hậu, nguy cơ sạt lở tầng khai thác và bờ mỏ cao, đặc biệt trong khu vực từng xảy ra động đất 6 độ richte…

Xung quanh vấn đề này, TS Phạm Lê Hùng, Ủy viên HĐQT TIC; Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Hà Tĩnh tại Hà Nội; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long cho rằng Dự án mỏ sắt Thạch Khê có tính khả thi để triển khai.

Dưới đây là ý kiến của TS Phạm Lê Hùng để các cơ quan chức năng tham khảo.

Về tiêu thụ quặng, tại văn bản số 101/CV-HP ngày 19/10/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Hòa Phát đã khẳng định sử dụng được 100% quặng sắt Thạch Khê và cam kết mua hết quặng sắt Thạch Khê theo giá thị trường. Ngoài ra còn nhiều đơn vị khác cũng quan tâm, đăng ký mua quặng của Thạch Khê. Mặt khác, nếu được xuất khẩu thì thị trường đối với quặng sắt Thạch Khê là vô tận.

UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ KHĐT cho rằng vận chuyển quặng với tần suất khoảng 5 phút/chuyến từ mỏ Thạch Khê đến cảng Vũng Áng thì khả năng chịu tải của đường bộ là không đảm bảo, ảnh hưởng an toàn giao thông. Bởi, theo tính toán, lưu lượng ô tô tối đa có thể lưu thông từ Thạch Khê đến Vũng Áng là 100 xe/5 phút. Tuy nhiên, thực tế, lưu lượng xe trên tuyến đường này mới chỉ 10 xe/5 phút nên mỏ Thạch Khê vận chuyển quặng với tần suất 1 xe/5 phút là hoàn toàn bình thường. Ngoài ra, có thể vận chuyển qua hai tuyến đường Quốc lộ đi qua cạnh Dự án là (i) Quốc lộ 15B nối Quốc lộ 1A và (2) Tuyến đường quốc lộ ven biển từ Thạch Khê - Vũng Áng (đã được đầu tư xây dựng với mục tiêu chính là phục vụ mỏ sắt Thạch Khê).

Việc nguy cơ hoang mạc hóa ở phạm vi rộng, kể cả thành phố Hà Tĩnh (cách mỏ chưa đến 6km) vì khi mỏ sắt Thạch Khê khai thác đến cosd kết thúc khai thác -550m thì góc tạo ra từ đáy moong đến thành phố Hà Tĩnh là 5,2o. Nếu theo ý kiến này, toàn bộ dãy núi Trường Sơn, vòng cung Ngân Sơn, vòng cung Đông Triều, các cao nguyên có độ dốc ≥ 5,2o và độ cao cách biệt từ đỉnh ≥ 550m đều bị sa mạc hóa hết - một điều không thuyết phục. Thực tế, theo tính toán của Viện tháo khô mỏ VIOGEM - CHLB Nga, khu vực bị hạ mực nước ngầm có bán kính tối đa 3,1 km tính từ trung tâm mỏ. Dự án đưa ra các giải pháp giải phóng mặt bằng toàn bộ phạm vi bị ảnh hưởng của hạ mực nước ngầm; nước bơm từ mỏ được tái sử dụng phục vụ sản xuất và tưới tiêu; xây dựng Nhà máy nước Thạch Trị và hệ thống nước sạch Thạch Bàn sẽ giải quyết được vấn đề này.

Về hiện tượng Karst (phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn), qua nghiên cứu địa chất bổ sung cho thấy, đây chỉ là các túi nước ngọt. Địa vật lý cho kết quả, dọc bờ mỏ sát biển chỉ xuất hiện vò nát cục bộ, không có dấu hiệu thông ra đại dương. Hơn nữa, vùng biển Hà Tĩnh rất nông, độ dốc thấp, để có độ sâu -160m đến -165m tương đương độ sâu xuất hiện hang động Karst phải cách xa 200km.

Với độ dốc sườn tầng chỗ đất mềm yếu là 250, cao tầng 10m, bờ công tác 40m (không bao giờ có sạt lở), sử dụng máy móc thiết bị hiện đại của các nước G7, bao gồm máy xúc thủy lực có thể tích gầu ≥5m3, ô tô khung mềm hoặc loại ba cầu chủ động, cỡ lốp ≥ 1.600 chuyên dụng chạy được trên sa mạc, trên cát, trên đất mềm yếu, trong quá trình khai thác mỏ sẽ không gây sạt lở bờ moong.

Theo Dự án được duyệt, nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn I là 6.777 tỷ đồng, trong đó 30% vốn góp của các cổ đông; 70% vốn vay và nguồn huy động khác. Hiện nay các cổ đông đã góp 1.809,09 tỷ đồng, còn thiếu 224,14 tỷ đồng, Tập đoàn TKV và Công ty CP Đầu tư Thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long đã có công văn đề nghị được góp vốn thay. Trong các cổ đông của TIC, cổ đông Mitraco - Công ty trực thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh ban đầu chiếm 24%, số vốn điều lệ phải góp là 576 tỷ đồng. Nhưng đến nay Mitraco mới nộp được 179 tỷ, trong đó chỉ có 55 tỷ đồng nộp bằng tiền, còn lại là góp bằng các tài sản khác, ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án. TIC đã làm việc với ngân hàng BIDV, đơn vị tư vấn huy động vốn BSC và đã đạt được chủ trương tài trợ vốn giai đoạn I, đang chờ Dự án được phép triển khai sẽ ký hợp đồng vay.

Do vậy, với tổng mức đầu tư giai đoạn I của dự án 6.777 tỷ đồng thì việc huy động vốn đầu tư khi dự án được khởi động lại là đảm bảo khả thi.

Nên đọc
TS. Phạm Lê Hùng (Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo