Góc nhìn

Bảo hiểm nông nghiệp: Cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ Nhà nước

Bảo hiểm nông nghiệp là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm bảo hiểm những rủi ro cho người dân trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên thế giới, BHNN đều có sự tài trợ rất đắc lực của Nhà nước, vì vậy nếu Nhà nước không hỗ trợ thì việc tham gia bảo hiểm của nông dân còn gặp nhiều khó khăn.

Bên lề Hội thảo “Bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” diễn ra sáng nay, ông Hoàng Xuân Điều – Trưởng ban Dự án Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) thuộc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

PV: Trong quá trình triển khai BHNN, các doanh nghiệp bảo hiểm gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Hoàng Xuân Điều: Khi tham gia vào loại hình này, DN bảo hiểm gặp một số khó khăn nhất định. Thứ nhất, để bà con nông dân có thể hiểu và tham gia loại hình bảo hiểm này cần phải có quá trình thuyết phục.

DN bảo hiểm cũng thường phải chịu lỗ, nhưng việc tính toán của các DN bảo hiểm cũng như DN tái bảo hiểm để làm sao hài hòa, vì khi người dân có thể tham gia BH thì DN không bị lỗ, các DN thông qua cơ chế tái bảo hiểm cũng có thể san sẻ rủi ro trên phạm vi toàn thế giới.

Hai nữa là rủi ro trong nông nghiệp là vấn đề rất đa dạng, phức tạp, nên quản lý rủi ro trong BHNN là rất khó.

Việc chi trả bồi thường trong BHNN cũng có nhiều vấn đề. Cụ thể như với một lượng bà con nông dân rất đông, thiệt hại xảy ra trong thời gian ngắn nên việc đánh giá mức độ thiệt hại cũng là vấn đề cần phải làm nhanh. Nếu không làm nhanh thì sản xuất nông nghiệp sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy việc thu xếp đền bù cho bà con nông dân cũng cần phải có thời gian để DN xem xét. Nếu thiên tai, bão lũ liên tục xảy ra, thiệt hại cũng nhiều thì công tác giám định, đánh giá tổn thất đối với DN bảo hiểm cũng là một vấn đề. Phải huy động tối đa lực lượng có thể giám định kịp thời.
 
Việc tính toán tổn thất, hoàn thiện hồ sơ sẽ có thời gian trễ nhất định. Hồ sơ bồi thường, kèm cả phiếu xác minh xem dịch bệnh, thiên tai đó có thuộc phạm vi bảo hiểm, bồi thường hay không, sau đó mới chuyển sang cơ quan phân tích để cho ra kết quả. Bồi thường cũng có thể bị chậm lại, nếu như nó xảy ra dàn trải thì các DN bảo hiểm phải có đủ năng lực cả về con người cũng như khả năng tài chính.

Ví dụ việc bồi thường thủy sản cho Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua: Chỉ trong thời gian 1-2 tháng, lượng tổn thất rất lớn, lên tới 300-400 tỷ đồng, chính vì vậy DN bảo hiểm phải căng sức để thực hiện giám định cũng như đánh giá thiệt hại rồi tính toán bồi thường kịp thời cho bà con nông dân để họ có nguồn vốn nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Chính vì vậy các DN bảo hiểm cần phải có những thời gian, bài học kinh nghiệm nhất định mới có thể triển khai thành công.

Nếu không có thêm sự hỗ trợ từ Nhà nước thì việc tham gia bảo hiểm của nông dân còn gặp nhiều khó khăn.


PV: Ông có thể nói rõ hơn về loại hình bảo hiểm thủy sản?

Ông Hoàng Xuân Điều: Theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ, bảo hiểm thủy sản mới chỉ được triển khai ở các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, còn tại miền Bắc thì chưa.

PV: Vậy theo ông, việc chưa triển khai đó là do chủ trương, hay do địa phương chưa làm?

Ông Hoàng Xuân Điều: Quyết định thí điểm của Thủ tướng Chính phủ có hỗ trợ Nhà nước chỉ triển khai trên phạm vi 20 tỉnh, còn các tỉnh khác không được hỗ trợ, việc tham gia bảo hiểm gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên thế giới BHNN đều có sự tài trợ rất đắc lực của Nhà nước, vì vậy nếu Nhà nước không hỗ trợ thì việc tham gia bảo hiểm của nông dân gặp nhiều khó khăn. Bởi tổn thất do thiên tai trong nông nghiệp là vô cùng lớn, như vậy phí bảo hiểm phải cao, mà cao thì người nông dân rất khó tham gia.

Từ Hội thảo này, ông có kiến nghị gì gửi tới các cơ quan Nhà nước trong việc hoạch định, xây dựng chính sách cho BHNN Việt Nam?

Ông Hoàng Xuân Điều: Đây là hội thảo của các nhà tài trợ nên tôi cho rằng các đối tác nước ngoài họ cũng muốn hỗ trợ cho Việt Nam xây dựng cơ chế chính sách cho BHNN. Tôi cũng mong qua hội thảo này, không những DN bảo hiểm mà các nhà hoạch định chính sách của Nhà nước có thể có cách nhìn mới với công tác bảo hiểm, đặc biệt là BHNN vì đây là một trong những lĩnh vực còn rất mới ở nước ta.

Hiện nay BHNN của chúng ta còn mới đang ở giai đoạn thí điểm, trong quá trình này còn rất nhiều việc phải làm như: Xây dựng quy chế hỗ trợ đối với bà con nông dân; Cơ chế hỗ trợ với DN triển khai BHNN hoặc các cơ chế quản lý, phối hợp giữa DN bảo hiểm với chính quyền địa phương…

Chúng tôi cũng hy vọng chính sách của Nhà nước, đặc biệt là với BHNN sớm được tổng kết và đúc rút kinh nghiệm, sớm đưa ra chính sách triển khai đại trà trên phạm vi cả nước. Có như vậy mỗi khi xảy ra thiên tai, bà con sẽ được bồi thường, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Chúng tôi cho rằng nếu chính sách bảo hiểm được triển khai rộng thì rất tốt, sẽ giúp bà con khắc phục nhanh chóng hậu quả do thiên tai, dịch bệnh…

Nguyên tắc BHNN không có gì mới so với nguyên tắc bảo hiểm nói chung. Nhưng với đặc thù của BHNN triển khai trên quy mô có sự hỗ trợ của Nhà nước thì vai trò của các cấp chính quyền địa phương cũng rất quan trọng.

Trân trọng cảm ơn ông!
 

Đoàn Huế (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo