Bất động sản

Bất động sản bày bán như... rau trong siêu thị

Nhiều ngày nay, khách hàng đến siêu thị BigC An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM) bất ngờ với sự xuất hiện của một gian hàng bán… bất động sản, đặt song song với những gian hàng tiêu dùng khác.

Trong thời điểm khó khăn của thị trường BĐS, rất nhiều cách tiếp thị độc đáo đã được các doanh nghiệp tung ra, nhưng phương thức đưa BĐS vào bày bán tại siêu thị được xem như một cách tiếp cận thị trường hiệu quả hiện nay, bởi xu hướng mua sắm tại siêu thị hiện nay khá phổ biến với người tiêu dùng thành phố.


Môi giới chính là… bà nội trợ!



Đang chăm chú tìm hiểu thông tin về dự án rao bán, anh Cường, một cư dân trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, cho biết nhiều ngày trước vợ anh đi siêu thị thấy gian hàng bất động sản này về kể lại.

 

Vốn cũng là một người trong nghề, anh không khỏi tò mò nên tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần xung phong chở vợ đi siêu thị, và trong lúc chờ bà xã chọn hàng, anh Cường đã bị cuốn hút bởi chiêu thức bán hàng này.



Gian hàng này do công ty TNHH BĐS Phúc Khang đưa ra thí điểm từ cách đây hai tuần. Nói về lý do mở gian hàng BĐS trong siêu thị, ông Luk Ban La, Phó tổng giám đốc Phúc Khang, cho biết phần lớn người dân ở khu vực các quận 5, 6, Bình Tân và Bình Chánh đều đến siêu thị BigC An Lạc để mua sắm, nhất là dịp cuối tuần. Hầu hết đối tượng khách hàng là người có thu nhập trung bình thấp, nên công ty lựa chọn những sản phẩm phù hợp với đối tượng này để chào hàng.

 

Dự án mà Phúc Khang đưa lên “sạp” của BigC thuộc dự án làng sinh thái Eco Village tại huyện Đức Hòa, Long An, giáp ranh phía Tây của TP.HCM, với mức giá từ 2,9 - 3,3 triệu đồng/m2 đất nền, tính ra mỗi nền (130 m2) chỉ khoảng từ 300 – 400 triệu đồng. 




Theo ông La, chính vì mức giá chào bán ai cũng có thể mua, nên chỉ sau hai tuần triển khai, 70% trong tổng số 140 nền đã được giao dịch thành công. Ông Luk Ban La lập luận thêm rằng, ở những khu vực giáp ranh với TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai (khoảng cách hơn 20 km) đến trung tâm thành phố, hiện có nhiều dự án đất nền với mức giá bình dân đáp ứng nhu cầu của đối tượng có thu nhập trung bình thấp trở lên.

 

Tuy nhiên, hầu hết các dự án dạng này đều bị thâu tóm bởi giới đầu cơ nhiều tiền. Ngoài ra, việc đưa sản phẩm ra thị trường theo cách truyền thống cũng khiến cung và cầu chưa thực sự gặp nhau, vì thế người có nhu cầu thực vẫn chưa mua được, hoặc không biết để mua.


Cầu gì cung đó



Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc tập đoàn Berjaya Việt Nam (thuộc tập đoàn Berjaya Malaysia), cho rằng thị trường BĐS Việt Nam hiện đang bị khủng hoảng thừa ở phân khúc cao cấp, trong khi phân khúc trung bình khá thì ngược lại. Hầu hết người Việt Nam chỉ có thể với tới những sản phẩm có mức giá khoảng 1 tỷ đồng trở xuống.

 

Người có thể mua được những căn hộ vài tỷ đồng hoặc hàng chục tỷ đồng chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư dự án đã lờ đi thực tế này và ồ ạt xây chung cư cao cấp, biệt thự khi thị trường lên cơn sốt. Cung và cầu ở tất cả phân khúc hiện nay chưa tìm được tiếng nói chung, khiến thị trường BĐS phát triển lệch hướng.

 

Ông Nam cho rằng, nếu biết tạo ra những sản phẩm thị trường cần và đưa sản phẩm đến đúng đối tượng, chắc chắn doanh nghiệp BĐS sẽ tránh được những khó khăn.



Ông Luk Ban La cũng nhận định hiện nhu cầu nhà, đất ở phân khúc bình dân rất lớn, nhưng nguồn cung chưa thể đáp ứng. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư BĐS cũng đã nhận ra điều này khi thị trường rơi vào tình trạng đóng băng. Không ít dự án đã được chuyển nhượng vì thiếu vốn triển khai.

 

Nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng bắt đầu nhận ra ôm nhà, đất giá cao trong lúc này chẳng khác nào ôm bom nổ chậm, khi mà tín dụng BĐS bị siết và nguồn cung ở phân khúc này hiện cũng đã vượt cầu. Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư dự án đã chuyển sang phân khúc bình dân và tìm cách đưa sản phẩm đến tận tay những người có nhu cầu thật sự.

 

Theo Đất Việt

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo