Bất động sản bỏ hoang: Biểu hiện của phân hóa giàu nghèo
Điều này là một nghịch lý rất khó hiểu, đặc biệt là đối với một đất nước mà mức sống của người dân vẫn được liệt vào vùng trũng như Việt Nam.
Kết quả điều tra mới đây của Bộ Xây dựng thì, tỉ lệ căn hộ chung cư cao tầng được đưa vào sử dụng đạt gần 100% thì tỉ nhà liền kề lại chỉ đạt 80%, còn đối với biệt thự thì tỉ lệ này chỉ là 58%. Từ đó để thấy rằng, có tới 42% số biệt thự hiện đang bị bỏ hoang. Trong đó, dự án Khu nhà biệt thự Quang Minh hầu như chưa có căn biệt thự nào được sử dụng chính là ví dụ điển hình.
Được biết, dự án nằm trong tổng thể 42ha thuộc địa bàn thị trấn Quang Minh, có bốn trăm căn biệt thự, với hai loại biệt thự liền kề và biệt thự sân vườn nhưng sau hơn năm năm hoàn thành lại trở thành khu nhà… hoang. Một không khí lạnh lẽo, u ám bao trùm toàn bộ khu nhà. Và nếu chiếu theo mức giá cho mỗi căn hộ ở đây (từ 2,5 tỉ đến năm tỉ đồng) thì số tiền đem ra phơi nắng, phơi sương đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Đây là một số tiền vô cùng lớn trong hoàn cảnh nền kinh tế nước ta đang phải đối diện với nhiều thách thức khó khăn.
Một khu đô thị khác cũng trong tình trạng tương tự là Khu đô thị Hà Phong do Công ty cổ phần Hà Phong làm chủ đầu tư với diện tích hơn 41ha. Mặc dù đã được triển khai từ những năm 2006 nhưng đến nay, hệ thống hạ tầng cơ sở của Khu đô thị Hà Phong mới chỉ dừng ở mức “hình hài” chứ chưa được thi công, hoàn thành.
Theo thiết kế thì khu đô thị này có 444 biệt thự, 278 nhà liền kề và một số chung cư cao tầng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, số biện thự hoàn thành mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại phần lớn diện tích vẫn chưa được thi công, xây dựng.
Nói như vậy để thấy rằng, nếu dùng phép toán xác suất thống kê với hơn 12.000 biệt thự (số liệu thống kê gần nhất của Sở Xây dựng Hà Nội) ở Hà Nội thì số biệt thự tương ứng của Hà Nội lên tới 5.000 biệt thự bỏ hoang. Vậy điều này là thể hiện vấn đề gì?
Theo một chuyên gia môi giới bất động sản thì với mức giá như hiện nay, chỉ có một bộ phận rất ít người dân có thể chi trả nên nghiễm nhiên, cuộc chơi này chỉ dành cho người giàu. Vậy nên, người giàu vẫn cứ giàu, còn người nghèo thì vẫn cứ nghèo. Nhiều người lắm tiền nhiều của mua đất xây nhà đôi khi không phải để ở hay để sản xuất kinh doanh mà chỉ mua và xây nhà để đó đầu cơ hoặc cho oai.
“Những biệt thự triệu đô với nội thất cao cấp cùng thiết kế độc đáo mọc lên như nấm rồi bỏ hoang cho thấy biểu hiện phân hóa giàu nghèo ở các khu đô thị khá rõ ràng. Giá bán của những căn biệt thự đó quá cao nên chúng không dành cho những người có thu nhập thấp, người thu nhập trung bình. Chuyện người giàu có sở hữu vài 3 cái nhà rồi không lạ và tất nhiên những khu đất với ngôi nhà bỏ hoang mọc lên cũng là chuyện bình thường”, anh Phương nhấn mạnh.
Một ngôi nhà cho riêng mình vẫn là giấc mơ xa vời của nhiều gia đình ở Hà Nội. |
Theo nhiều nghiên cứu xã hội học thì sự phân hóa giàu nghèo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là tình hình an ninh trật tự.
Trước hết là sự phân hóa giàu nghèo sẽ tạo ra sự chênh lệch về mức sống giữa các nhóm người, từ đó sẽ dẫn sự mất liên kết trong xã hội. Và là tiền đề tác động đến tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, tệ nạn tham nhũng, phân hóa giàu nghèo là hai hiện tượng có tác động trực tiếp đến bất bình đẳng xã hội.
Phân hóa giàu nghèo vừa là điều kiện làm cho nội bộ cán bộ đảng viên tự diễn biến theo chiều hướng xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị nội bộ; dẫn đến tình trạng bộ máy nhà nước hoạt động kém hiệu lực; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bị vô hiệu hóa và bị xuyên tạc; sự lãnh đạo của Đảng suy yếu.
Đồng thời, phân hóa giàu nghèo cũng có mối quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng và phát triển. Nếu giải quyết tốt vấn đề phân hóa giàu nghèo sẽ tránh được những hệ lụy do quá trình đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nền kinh tế như môi trường, tài nguyên bị phá hoại, chuyển đổi mục đích sử dụng tài nguyên không đúng dẫn tới sự lãng phí trong việc khai thác sử dụng tài nguyên.
Theo Petrotimes
End of content
Không có tin nào tiếp theo