Bất động sản

Bất động sản: Buộc doanh nghiệp nhỏ và vừa rời cuộc chơi

Đề xuất tăng vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản từ sáu tỷ đồng lên mức 50 tỷ đồng trong Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản của Bộ Xây dựng đã gây nhiều hoang mang đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Nguyễn quốc Khánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phân phối bất động sản DTJ, Chủ tịch  Liên minh Bất động sản G5 (ảnh: Như Trâm)

Lý giải cho việc nâng vốn pháp định đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản từ lên mức tối thiểu 50 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho biết đề xuất này đưa ra nhằm hạn chế trường hợp chủ đầu tư dễ dàng xin cấp phép đầu tư xây dựng nhưng khi bắt tay vào thực hiện công trình lại thiếu khả năng tài chính khiến các dự án dở dang hoặc bỏ hoang gây nhiều hệ lụy.

 
Đề xuất này của Bộ Xây dựng đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh từ phía doanh nghiệp. Ông Nguyễn quốc Khánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phân phối bất động sản DTJ cho biết:
Theo Luật Kinh doanh Bất động sản hiện hành, để làm dự án thì chủ đầu tư phải có vốn tự có là 20% của dự án. Đây không phải là vốn pháp định, có những công ty được thành lập từ những năm 1990, 1995 hoặc 2000, thời điểm này để thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không yêu cầu vốn pháp định như hiện nay. Nhưng để chứng minh được nguồn vốn bằng cách nào đó, họ có thể vay để có đủ 20%. Với quy định này nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực về tài chính, sau khi đầu tư thua lỗ đã để lại nhiều hệ lụy cho xã hội như các dự án treo, tình trạng nợ nần … 
 
Vì vậy, quy định mới của Bộ Xây dựng đưa ra có thể loại bỏ được một số doanh nghiệp yếu kém về năng lực tài chính và khắc phục được một số vấn đề vốn mà trước đây chúng ta thả lỏng.
 
Tuy nhiên, kinh doanh bất động sản nó rất chung chung, nhiều lĩnh vực như kinh doanh văn phòng, mua đất thổ cư. Với số vốn 50 tỷ ở thành phố người ta có thể có lực nhưng ở nông thôn, vùng xa thì rất khó. Nếu đưa ra hai mức là 50 và 25 thì sẽ hợp lý hơn. Còn nếu chỉ để một mức thôi rất nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ không đủ điều kiện. 
 
Ông Khánh giải thích, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể họ chỉ mua một vài nhà thổ cư, cho thuê một vài văn phòng hoặc một vài căn hộ thì cũng là kinh doanh bất động sản mà chỉ cần 5-7 tỷ thôi. Nếu áp theo quy định phải có 50 tỷ thì mất hết cơ hội của người ta. 
 
Tất nhiên với điều kiện là nhà kinh doanh phải có tiền, phải có lực chứ không phải tay không bắt giặc hoặc đi vay nợ, vay ngân hàng đến khi lỗ vốn lại để lại hậu quả xấu cho xã hội. 
 
Theo nhiều doanh nghiệp, “Có nhiều cách để thay đổi những bất cập trên chứ không phải chỉ một cách tăng vốn. Các nhà quản lý có thể tăng cường khâu hậu kiểm. Ngay cả tăng vốn pháp định như người ta cũng có thể có nhiều cách để lách luật. Vì vậy, vấn đề là làm sao để kiểm soát được nguồn vốn đó là vốn thực có, làm thế nào để xác định được vốn của các doanh nghiệp, đây mới là vấn đề khó”.
 
Nếu quy định này được thông qua không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện sẽ tìm cách lách luật bằng cách khai man tài sản để được thành lập doanh nghiệp. Điều này không phản ánh được thực lực của doanh nghiệp mà có thể còn đem lại hậu quả nặng nề hơn.
 
Việc tăng vốn pháp định ở mức cao nhằm lựa chọn các doanh nghiệp có tiềm lực để thực hiện dự án, nhưng trong điều kiện Việt Nam 90% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều ý kiến cho rằng quy định này chưa tạo điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp.
 
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo