Góc nhìn

Bất động sản du lịch: Đáng sợ nhất là thâu tóm có sự tiếp tay!

“Thâu tóm nhiều khi nó phát triển tốt hơn là xé lẻ nhỏ nhặt vì không có đồng vốn để làm nên tôi ủng hộ với sự minh bạch, tích cực”.

Một dự án khu du lịch tại Khánh Hòa. Ảnh tư liệu

Đây là nhận định của ông Trần Đạt Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long về làn sóng thâu tóm bất động sản du lịch và những bất cập trong ngành du lịch Việt Nam hiện nay.

Ông cho rằng việc thâu tóm đó là thường tình của người làm kinh doanh bởi cá lớn thường hay nuốt cá bé. Nhưng chưa chắc cá lớn nuốt cá bé mà cá lớn tồn tại, coi chừng anh tham anh thâu tóm một ngày nào đó anh chết.
 
Chúng ta nên đưa giải pháp hành chính vào để can thiệp nhưng tránh trường hợp tiếp tay. Đáng sợ nhất là thâu tóm do sự tiếp tay, ở nhóm quyền lợi nhóm, ôm tín dụng vào rồi đi thâu tóm, điều này là điều cấm kỵ vì luật chơi là phải công bằng.
 
Tín dụng phải thu xếp rõ ràng chứ không nên thông qua một kênh riêng liên quan một quyền lợi nhóm thâu tóm thì méo mó ngay. Nên tôi nghĩ chính phủ nên làm trọng tài những cái đó, tránh tình trạng mình gọi là thâu tóm có những giải pháp không được minh bạch. Thâu tóm nhiều khi nó phát triển tốt hơn là xé lẻ nhỏ nhặt vì không có đồng vốn để làm nên tôi ủng hộ với sự minh bạch, tích cực.
 
Đánh giá của ông về tình hình biển Đông tác động tới khách quốc tế đến Việt Nam?
 
Dĩ nhiên khi người ta bỏ tiền ra người ta đi du lịch là người ta cần an toàn trước tiên và nếu chúng ta không thỏa mãn về yếu tố an toàn thì có thể du khách sẽ chuyển qua một lựa chọn khác. Như vậy tự chúng ta làm mất khách của chúng ta, đây là điều rất nguy hiểm. Bởi ngoài giá cả và các vấn đề khác tính an toàn là trên hết đối với du khách.
 
Nếu không giải quyết sớm vấn đề biển Đông mà để tồn tại lâu dài thì coi chừng lại làm ảnh hưởng đến tâm lý chung du khách tới Việt Nam. Đặc biệt những người trong cộng đồng nói tiếng Hoa cũng bị ngại, họ ngại đến đây sợ bị bài xích, kích động... Không chỉ từ Trung Quốc có thể là cộng đồng từ Singapore..
 
Do đó cần ổn định tình hình này bởi không khéo chúng ta làm mất đi công sức đã quảng báo tạo được hình ảnh du lịch Việt Nam đến toàn thế giới, những gì đã đầu tư trong quá khứ.
 
Dường như ở ngành du lịch đang có sự chạy theo thành tích?
 
Mình đưa ra con số lượt khách tôi cho là thành tích thôi vì doanh thu mình kém. Nhà hoạch định chính sách vĩ mô thì ngó con số đó là doanh thu. Một tỉnh doanh thu du lịch chỉ có 500 tỷ thôi sau đó đầu tư cho hạ tầng du lịch có bé tẹo vì anh chỉ làm doanh thu có bấy nhiêu thôi.
 
Chúng ta phải tính lại cho kỹ nếu xác định khách ít nhưng thu nhiều thì thích hơn là khách nhiều mà thu ít, khách ít mà thu nhiều có nghĩa là khách đó biết xài tiền, chịu chi tiền mà khách chịu chi tiền thì mình mới dám đầu tư.
 
Tôi cho rằng số liệu thống kê rất ảo. Nhưng cuối cùng đã ảo rồi cũng chưa thấm thía gì cả. Năm 2013 lượt khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 6,8 triệu lượt. Trong khi đó các nước lân cận như Thái Lan hiện nay là 16 triệu lượt, Singapore là hơn 13 triệu lượt hay Malaysia dự kiến cho 2014 là 26 triệu lượt mà dân số của họ 28 triệu dân như vậy 1 người phục vụ 1 người.
 
Việt Nam mình hiện 6,8 triệu mà 90 triệu dân thì thấy chúng ta thua. Vậy chúng ta cần phải làm cách nào đó để đột phá.
 
Nhận định của ông về tiềm năng bất động sản du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là tại Phú Quốc?
 
Thực ra bất động sản du lịch là gì? Là nó đã nằm trong mảng của du lịch ngoại trừ bất động sản không làm là tour tuyến, chẳng hạn khách sạn đó là BĐS du lịch, xây ra để phục vụ du lịch.
 
Thành ra tiềm năng BĐS du lịch ở ĐBSCL, đặc biệt là tại Phú Quốc đó không phải là tiềm năng của BĐS du lịch mà là tiềm  năng du lịch. Đầu tư cơ sở cho Phú Quốc là để phục vụ du lịch.
 
Như khu Vincom sẽ mở cửa vào tháng 11 tới họ có 750 phòng nhưng những phòng ốc đó để phục vụ cho du lịch chứ không phải là bất động sản. Trừ khi họ xây dựng 1.000 căn biệt thự và họ bán 1.000 căn biệt thự đó kèm theo điều kiện họ mua.
 
VD những ngày không ở khách sạn, resort đó (vì họ có quyền mua đầu tư) họ sẽ cho thuê và làm dịch vụ cho thuê. Ngược lại, nếu anh ở đó anh được quyền xài dịch vụ của khách sạn và được giảm giá nhất định, đó là ưu ái để mời người ta vào mua BĐS đó.
 
Như vậy có thể thấy mối tương quan giữa bất động sản du lịch và du lịch. Vậy theo ông sự liên kết giữa hai lĩnh vực này đã tốt chưa?
 
Rõ ràng là chưa được và hiện nay mỗi bên có những xúc tiến khác nhau. Du lịch thì thuộc Bộ Văn hóa thể thao du lịch, còn bất động sản du lịch thì thuộc Bộ Xây dựng. Hai ông này không bao giờ ngồi với nhau.
 
Chúng ta phải hiểu tất cả mọi việc để phục vụ du lịch bao gồm bất động sản, ngành hải quan, hàng không… Nên cần phân tích cho kỹ du lịch là gì để có định hướng đầu tư và phải đa dạng hóa nó chứ đừng tôi chỉ biết làm khách sạn và không có nhà hàng không có sản phẩm khác thì không phục vụ được du khách.
 
Nhiều du khách đến Việt Nam một đi không trở lại. Vậy như thế nào để họ trở lại đây? Hiện giờ chúng ta quan điểm là chúng ta bán cái ta có nhưng làm du lịch là bán cái người ta cần mua. Vì nếu ở nhà có phòng ngủ giống như khách sạn 5 sao thì họ đi du lịch, đến 5 sao làm gì, ở nhà nấu ăn ngon thì đến nhà hàng làm gì?... 
 
Như vậy phải đặt rõ tinh thần phục vụ du lịch là phải phục vụ, phục vụ tới bến, tận răng để cho họ hài lòng, họ mới tiêu tiền.
 
Một năm đi làm chắt bót để đi du lịch mà đi thất bại, thất vọng, không mua được sự hài lòng tại quốc gia đó rồi thì đi làm gì nữa. Do đó tôi cho rằng cần phải có sự phục vụ tốt ở mọi khía cạnh thì mới có thể thu hút được.
 
Xin cảm ơn ông!
Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo