Bất động sản

Bất động sản du lịch: Nhà đầu tư “dở sống, dở chết” với đủ loại thủ tục

Để đầu tư phát triển một dự án resort 4-5 sao trung bình 10ha với khoảng trên dưới 300 phòng ở Việt Nam sẽ mất khoảng 167 tháng từ khi bắt đầu ý tưởng đầu tư đến khi đưa vào hoạt động.

Một dự án resort 4-5 sao trung bình 10ha với khoảng trên dưới 300 phòng ở Việt Nam sẽ mất khoảng 167 tháng để thực hiện, theo đại diện của VNVTA. Ảnh tư liệu

Con số gây giật mình cho nhiều người này đã được ông Thân Thanh Vũ, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản du lịch Việt Nam (VNTPA) đưa ra khi chia sẻ về khó khăn trong việc đầu tư vào các dự án bất động sản du lịch tại Việt Nam.

Kinh tế du lịch dựa vào các nền tảng bất động sản du lịch (BĐSDL) như các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, ẩm thực, văn hóa… 
 
Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng đầu tư phát triển BĐSDL là một lĩnh vực quá khó, mất nhiều thời gian và gặp nhiều rủi ro. Điều này lý giải vì sao các cơ sở BĐSDL ở Việt Nam vẫn chưa nhiều và mạnh như ở các nước trong khu vực Asean.
 
"Núi" thủ tục
 
Theo đó, ông Vũ đưa ra một ví dụ cụ thể về quá trình phát triển một dự án resort ở Việt Nam như sau:
 
Cụ thể, để đầu tư phát triển một dự án resort 4-5 sao trung bình 10ha với khoảng trên dưới 300 phòng sẽ mất khoảng 167 tháng từ khi bắt đầu ý tưởng đầu tư đến khi đưa vào hoạt động; mất 63 tháng từ khi có chủ trương đầu tư đến khi biết được giá đất; mất 73 tháng từ khi có chủ trương đầu tư đến khi có được quyền sử dụng đất.
 
Ngoài ra, liên quan đến ít nhất 12 cơ quan ban ngành ở địa phương với hàng trăm cán bộ liên quan, trong đó về chủ trương – Tỉnh ủy; phê duyệt, quyết định – UBND; xem xét, hướng dẫn, tham mưu, góp ý – Thành phố, thị xã, quận, huyện, phường, xã, các sở: Kế hoạch và đầu tư, Xây dựng… và các ban quản lý dự án.
 
Phải thực hiện 44 nhóm công việc lớn, trong đó có 22 nhóm công việc lớn liên quan trực tiếp đến sự quản lý và phê duyệt của chính quyền!
 
Chịu sự chi phối của ít nhất 7 bộ luật gồm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Lao động và Luật Dân sự cùng hàng ngàn Văn bản dưới luật.
 
Và ông Vũ cho biết dự án có thể bị “chết” bất kỳ thời điểm nào vì bất kỳ lý do chủ quan hay khách quan nào trong tiến trình nói trên.
 
“Tiến trình có thể nhanh hơn nếu có sẵn đất sạch, quy hoạch 1/2000, 1/500 và được sự hỗ trợ quyết liệt từ chính quyền, năng lực chủ đầu tư… tuy nhiên trong thực thế phần lớn dự án có thể kéo dài lâu hơn”, ông Vũ chia sẻ.
 
Nhiều rủi ro
 
Cùng với "núi" công việc phải thực hiện khi phát triển một dự án BĐSDL, ông Vũ cũng đưa ra các rủi ro khi đầu tư ở lĩnh vực này, gồm hai nhóm chính.
 
Thứ nhất là rủi ro về thị trường và tình hình kinh tế; đầu vào và không kiểm soát được; sản phẩm không còn phù hợp khi đưa vào hoạt động…
 
Nhóm thứ hai là rủi ro về chính sách gồm tỷ giá hối đoái; nguồn nhân lực; các hạn chế về visa, đi lại và cơ sở hạ tầng; quy  hoạch không phù hợp, chồng lấn, thiếu minh bạch; quy định pháp luật rối rắm, thường xuyên thay đổi; thủ tục nhiêu kê, kéo dài; áp dụng và giải thích pháp luật mỗi địa phương, ban ngành, cán bộ khác nhau; giá đất biến động khó lường; các hạn chế về tiếp cận tín dụng cùng lãi suất quá cao…
 
Qua đó, ông Vũ đề xuất những kiến nghị nhằm có được những giải pháp thiết thực cải thiện tình trạng hàng ngàn dự án BĐSDL ngưng trệ, bất động hoặc phá sản trên 63 tỉnh thành.
 
“Cơ quan chính quyền nên xem nhà đầu tư là đối tác, cùng hợp tác công – tư phát triển, thay cho cơ chế và thái độ xin – cho hiện nay”, ông Vũ cho biết.
 
Cần làm rõ và minh bạch các quy hoạch, quy định, chính sách, thủ tục… đối với chủ đầu tư và dự án; phân định rõ trách nhiệm của mỗi bên cho từng việc, thời gian thực hiện và ký thỏa ước từ đầu một cách minh bạch, thiện chí để khi chậm hay tắc chỗ nào có thể xác định trách nhiệm của ai để xử lý ngay.
 
Cần nghiên cứu giải pháp xác định giá đất và các vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng cho phù hợp thực tế kinh doanh.  
 
Điều chỉnh và nới rộng các quyền sở hữu BĐSDL nhằm thu hút đầu tư, tăng tính thanh khoản, đặc biệt là với căn hộ và biệt thực nghỉ dưỡng….
 
Theo thông tin từ ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam, hiện có khoảng 29% khách nước ngoài đến Việt Nam và có trở lại. Nhưng thực tế 24% trong đó là trở lại vì kinh doanh và chỉ 5% vì mục đích du lịch. 
 
"Tại Thái Lan, Lào, nhà đầu tư nước ngoài được phép mua lại bất động sản du lịch, Việt Nam có thể học hỏi điều này. Ngoài ra chúng ta cần minh bạch về luật, diễn giải luật cũng như công bố giá đất về bất động sản du lịch…”, ông Kenneth nhìn nhận.
 
Đồng quan điểm trên, bà Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng, phải cùng liên kết ở các địa phương, các đơn vị nhà đầu tư để phát triển BĐSDL. 
 
"Chúng ta có bờ biển dài, đẹp với nhiều địa danh nổi tiếng từ Vịnh Hạ Long, Sầm Sơn,  Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Phú Quốc… với nhiều chủ đầu tư “tầm cỡ” vậy phải làm sao liên kết để phát triển chứ".
Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo