Bất động sản

Bất động sản khó có thể “sốt” được nữa?

Trước diễn biến hàng loạt các dự án nhà đất tăng giá bán, có dự án bán giá chênh lên tới hàng trăm triệu đồng/căn hộ, nhiều ý kiến cho rằng BĐS khó có thế lập lại kịch bản “sốt đất” của những năm 2009…

Đó là đánh giá chung của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, chuyên gia đến tử Hiệp hội BĐS Việt Nam và chuyên gia kinh tế mà PV ghi lại qua buổi giao lưu “Thực trạng và triển vọng thị trường BĐS Việt Nam” do báo Kinh tế đô thị tổ chức ngày 28.5.

Trước câu hỏi “bất động sản có sốt lại không”, các ý kiến đều cho rằng chủ đầu tư, nhà đầu cơ và người mua nhà đã học được bài học đắt giá qua những lần sốt đất và hiện tại khi kinh tế phát triển chậm thì “rất khó xảy ra sốt đất”.
 
Nhiều ý kiến cho rằng thì trường bất động sản đang có diễn biến tích cực tuy nhiên để rất khó xảy ra kịch bản giá đất được đẩy lên quá cao...
 
Ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản: Hiện tại nhà đầu cơ cắt lỗ mới bán được…
 
Thị trường chắc không sốt như đợt trước. Qua các lần sốt vừa rồi, nhất là đợt sốt gần đây, giá được đẩy lên rất cao. Sau một thời gian dài vừa qua thị trường bất động sản gặp khó khăn, hàng tồn kho tăng cao, sản phẩm bất động sản không bán được.
 
Điều đó đã mang đến những kinh nghiệm đáng quý cho chủ đầu tư trong việc cung cấp và định hình phân khúc sản phẩm.
 
Bên cạnh đó, các nhà đầu cơ, người có nhu cầu thực về bất động sản cũng có những bài học và kiến thức về thị trường. Thực tế, nhu cầu thực về nhà ở của người dân hiện vẫn còn rất lớn.
 
Nhưng với những biến chuyển hiện nay, người mua nhà ở thực đã có thể mua được nhà bằng tiền gửi tiết kiệm. còn nhà đầu cơ muốn đầu tư cũng phải tính toán rất nhiều bởi hiện nhiều nhà đầu cơ phải bán cắt lỗ rất nhiều mới bù lại được khoản đầu tư trước.
 
Ông Trần Ngọc Quang - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Chủ đầu tư học được bài học đắt giá
 
Thị trường bất động sản sẽ không thể quay lại sốt được nữa. Bởi lẽ, các chủ đầu tư đã nhận được những bài học đắt giá. Tuy nhiên, hiện tượng một số chủ đầu tư tăng giá gần đây và xuất hiện những phân khúc là không bền vững.
 
Với tư cách đại diện cho Hiệp hội Bất động sản, tôi cho rằng các chủ đầu tư nên quan tâm, nhìn nhận lại những bài học đã qua, đừng tăng giá, vì nếu tăng giá sẽ làm chậm đến tiến trình phục hồi thị trường bất động sản. Điều đó là không mang lại lợi ích cho chính chủ đầu tư và thị trường bất động sản nói chung.
 
TS Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính QG: Bất động sản “sốt” lại thì rất khó!
 
Tôi đồng ý rằng, hiện, các giao dịch bất động sản đang tăng, tính thanh khoản cao hơn. Tuy nhiên, để thị trường bất động sản có thể “sốt” lại thì vấn rất khó.
 
Lý do là hiện, kinh tế đang phục hồi nhưng mức độ phục hồi rất chậm. Với đà phục hồi này thì khó có thể trở thành bong bóng bất động sản. Kinh tế Việt Nam đã dò đáy đi lên từ quý IV/2013, nhưng đi lên rất chậm.
 
Các chỉ số tăng trưởng đạt thấp. Các tổ chức quốc tế như ADB, WB… đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Thị trường bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng kinh tế. Kinh tế tăng trưởng chậm nên thị trường bất động sản cũng khó “sốt”.
 
Bên cạnh đó, hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% toàn hệ thống ngân hàng năm 2014 vẫn rất khó khăn. Trong đó, chưa kể đến các khoản được cơ cấu lại nợ, kể cả những khoản “lách” của ngân hàng để tăng trường tín dụng.
 
Triển vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khó trở lại nhanh vì nợ xấu khó xử lý nhanh, nhiều vấn đề về tái cơ cấu ngân hàng chưa được thực hiện đến tận gốc rễ…
 
Để phục hồi tăng trưởng tín dụng có thể khéo dài vài ba năm. Và thị trường bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, niềm tin trên thị trường trước đây suy giảm cũng không dễ phục hồi.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo