Bất động sản

Bất động sản: Nguy cơ mất cả chì lẫn chài

Hầu hết khách hàng bị sa lầy trong các dự án chậm tiến độ đều phải bon chen thật lực để có suất , và số tiền chênh là không nhỏ. Để tháo chạy khỏi dự án, họ chấp nhận mất hàng tỷ đồng và luôn là người chịu thiệt.

Nguy cơ "mất cả chì lẫn chài"

Theo phân tích của nhiều chuyên gia bất động sản, khái niệm tiền chênh có lẽ chỉ tồn tại tại thị trường bất động sản Hà Nội. Khi thị trường tốt, bất chấp tiền chênh nhiều đến mấy, khách hàng, nhà đầu tư đều dễ dàng chấp nhận. Họ cho rằng, mua được là lãi. Chính vì thế, khoản tiền chênh này đã thành một quy luật trong hầu hết các giao dịch bất động sản. Nó có khi nhiều gấp nhiều lần so với giá gốc hợp đồng. Những khoản thu này đều không có giấy tờ, chỉ là giao dịch trao tay giữa người mua và người bán.

Khi thị trường gặp khó khăn, các vụ tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư, công ty thứ phát liên tục xảy ra. Trong đó, khách hàng bắt đầu "bới lông tìm vết" những sai phạm của chủ đầu tư để hủy bỏ hợp đồng, trì hoãn hay giãn tiến độ đóng tiền. Tuy chưa biết thắng thua nhưng phần thiệt thòi luôn thuộc về khách hàng, nhiều người phải "ngậm đắng nuốt cay" vì mất cả chì lẫn chài.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, một khách hàng mua nhà tại dự án của AZ Vân Canh, cho hay, để mua được căn hộ tại AZ Vân Canh, ông phải mất hơn 300 triệu đồng/căn tiền chênh lệch, mặc dù giá gốc chỉ có 14 triệu đồng/m2. Nay ông Tuấn muốn bán lỗ cũng không có ai mua, đòi lại tiền từ chủ đầu tư càng khó, trong khi dự án chưa biết đến thời điểm nào mới hoàn thành.

Để có được suất mua dự án Xuân Phương, người mua phải chi hàng trăm triệu, thậm thí nhiều tỷ đồng tiền chênh. Đây là khoản chênh ngoài khách hàng phải trả cho người bán. Do vậy, nếu cộng cả tiền chênh và giá mới mà chủ đầu tư đưa ra thì giá mỗi m2 đất tại dự án Xuân Phương được tính trên dưới 90 triệu đồng/m2.

Không chỉ khoản tiền chênh mà ngay cả tiền góp vốn nếu rút ra cũng khó có thể nhận được ngay. Ông Trần Bảo Chung góp vốn tại dự án chung cư của Gia Tuệ, sau khi có đơn rút vốn, anh Chung đã được Gia Tuệ chấp thuận thanh lý hợp đồng, và cam kết hoàn trả lại số tiền mà anh Chung đã góp trước 60 ngày kể từ ngày hai bên ký thanh lý (trước 4/7/2012). Tổng số tiền vốn mà anh Chung được nhận về là hơn 632 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn gần 2 tháng chủ đầu tư vẫn chưa trả lại tiền vốn góp cho anh Chung. Khi làm việc với Gia Tuệ, anh nhận được phương án là ký lại hợp đồng vay vốn của dự án khác để cấn trừ khoản tiền trên, nhưng anh không đồng ý.

Cùng cảnh ngộ, chị Trang, một khách hàng của Minh Việt lo lắng, với số tiền 3,5 tỷ đồng giao cho công ty, chị rất lo sợ nếu cầm trên tay bản thanh lý hợp đồng với thời điểm trả tiền chung chung thì coi như mất trắng. Còn nếu tiếp tục điều chỉnh hợp đồng với thời điểm bàn giao nhà, chị sẽ không đồng ý vì chủ đầu tư nhiều lần thất hứa, đến nay vẫn chưa có một động thái nào cho thấy dự án được tiếp tục triển khai.

Người mua luôn chịu thiệt

Khi các vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng nổ ra, thường thì phần thua thiệt thuộc về khách hàng. Đại đa số các trường hợp, khách hàng chỉ biết làm ẫm ĩ để gây áp lực với chủ đầu tư với hy vọng chủ đầu tư sợ mất thương hiệu mà xuống thang với khách hàng. Một số khác, khi thấy việc gây ầm ĩ không hiệu quả đã đưa vụ việc ra tòa, nhưng kết cục sự việc càng kéo dài thêm.

Sau một thời gian đấu tranh với chủ đầu tư để đàm phán giảm giá bán không thành, nhiều khách hàng buộc phải đồng ý nhận phần thiệt do không còn đường lùi. Nếu chấp nhận thanh lý hợp đồng coi như khoản tiền chênh ngoài hàng tỷ đồng sẽ mất trắng. Nhiều người chấp nhận "đắp chiếu" nằm chờ thị trường tốt lên với hy vọng sẽ gỡ lại phần nào.

 

Ảnh minh họa.

 

Theo Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.Hồ Chí Minh, không thể phủ nhận thực tế một số chủ đầu tư cố tình giãn tiến độ thi công, chây ì không chịu bàn giao nhà khiến khách hàng "khóc dở mếu dở". Rõ ràng, khách hàng là người chịu thiệt thòi khi tiền bị "om" mà không có nhà để ở. Việc họ đấu tranh, gây sức ép với chủ đầu tư đòi quyền lợi chính đáng là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, cũng cần thông cảm cho cả phía doanh nghiệp. Ngoài một số chủ đầu tư tìm cách giở quẻ, cũng có một số doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự. Giai đoạn này, ai cũng biết, thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng đóng băng, tính thanh khoản thấp xuống mức báo động, việc chủ đầu tư không đủ điều kiện hoàn thiện dự án cũng là điều dễ hiểu. Thiết nghĩ, để tháo gỡ mâu thuẫn này, cách tốt nhất là đối thoại, hỗ trợ, hợp tác tháo dỡ dần để dự án triển khai đúng chất lượng và bàn giao sớm nhất.

Theo luật sư Bùi Quang Hưng, chủ đầu tư là bên soạn thảo hợp đồng nên thường quy định các yếu tố bất lợi cho khách hàng, còn người mua gần như không có quyền thay đổi hay chỉnh sửa các điều khoản trong hợp đồng. Chính điều này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các vụ tranh chấp khi thị trường không còn sôi động hay tiếp tục sinh lời cho người nua.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Sàn bất động sản Info thuộc Tập đoàn Đại Dương, đưa ra lời khuyên, người mua nhà phải là nhà "tiêu dùng thông thái" không mua các dự án dưới dạng hợp đồng góp vốn, vay vốn mà chỉ mua các dự án khi đã đủ điều kiện bán theo quy định của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP (Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở) và có xác nhận giao dịch qua sàn bất động sản. Ngoài ra, trước khi quyết định mua nên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp giấy tờ, như: giấy chứng nhận đầu tư, bản vẽ quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, thẩm định và phê duyệt của UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện tùy theo, chấp thuận của sở quy hoạch kiến trúc về phương án kiến trúc, giấy phép xây dựng,...

Luật sư Đinh Vũ Hòa, Công ty luật Đại Việt, cho rằng, trong những trường hợp như trên người mua nhà có quyền khởi kiện ra tòa để giải quyết. Bên cạnh đó, người mua nhà phải rất thận trọng trong việc ký hợp đồng góp vốn hoặc giao dịch đất đai liên quan đến việc ứng tiền trước cho chủ đầu tư trong dự án. Bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận nên trước khi ký, người mua nhà phải đặt ra các yêu cầu về bồi thường thiệt hại và phạt hợp đồng rõ ràng cụ thể trong từng trường hợp của hợp đồng để sau này có tranh chấp xảy ra, quyền lợi của họ được pháp luật bảo vệ.

 

Việt Huế (Theo VEF)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo