Bất động sản

Đồng Nai: Bất lực hay buông lỏng trong quản lý về trật tự xây dựng?

DNVN - Thời gian gần đây, tình trạng xây dựng trái phép, sai thiết kế, không tuân thủ quy hoạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai diễn ra tràn lan, trong đó, có nhiều công trình quy mô lớn gây bức xúc trong dư luận, làm phát sinh nhiều hệ lụy. Do đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng chấn chỉnh việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng.

Nhiều dự án đô thị biển rơi vào tay nhà đầu tư không xứng tầm / Doanh nghiệp địa ốc xoay sở linh hoạt nhằm tạo sức bật cho thị trường bất động sản

Hàng loạt vi phạm về trật tự xây dựng

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, tốc độ xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nhanh, các dự án đô thị được quan tâm đầu tư phát triển. Ngoài ra, công tác quản lý trật tự xây dựng của các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình trật tự xây dựng cơ bản đi vào nề nếp, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân có nhiều tiến bộ góp phần tích cực vào sự phát triển kinh - tế xã hội của tỉnh.

Mặc dù vậy, công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. việc vi phạm các quy định của pháp luật trong quản lý trật tự xây dựng vẫn thường xuyên xảy ra cục bộ tại một số địa phương như tình trạng san ủi mặt bằng, phân lô còn diễn ra tự phát chưa tuân thủ các quy định của pháp luật. Xây dựng công trình không phù hợp quy hoạch xây dựng, xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, xây dựng sai giấy phép, vi phạm chỉ giới xây dựng... ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.

Đáng chú ý trong số đó phải kể đến loạt sai phạm trong thi công xây dựng tại dự án Khu dân cư Tân Thịnh (tên thương mại là Viva Park - thuộc xã Đồi 61, huyện Trảng Bom).

Theo đó, tháng 11/2018, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án Viva Park có diện tích 18,22 ha, quy mô dân số dự kiến 3.000 người, do Công ty CP Đầu tư LDG (Công ty LDG) làm chủ đầu tư. Dù chưa được cấp phép xây dựng nhưng Công ty LDG đã “âm thầm” tiến hành thi công san lấp mặt bằng, xây dựng các hạng mục hạ tầng…

Công ty LDG đã xây dựng hoàn thiện 60% hạng tầng và xây dựng phần thô hàng trăm căn nhà tại dự án Viva Park.

Công ty LDG đã xây dựng hoàn thiện 60% hạ tầng và xây dựng phần thô hàng trăm căn nhà tại dự án Viva Park.

Theo UBND huyện Trảng Bom, hiện dự án Viva Park có phần đất cao su chưa được thực hiện bồi thường, chưa được giao đất, chưa được cấp phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án Viva Park đã tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt khoảng 60% và xây dựng hoàn thiện phần thô 488 căn nhà (gồm 198 căn biệt thự và 290 căn nhà liền kề). Ngoài ra, Công ty LDG còn thi công 192 căn nhà liền kề đã hoàn thiện phần móng.

Trước những hành vi vi phạm nêu trên, ngày 4/9 vừa qua, Thanh tra Sở Xây dựng Đồng Nai đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư đã tổ chức thi công công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công và tổ chức thi công không có giấy phép xây dựng với số tiền là 75 triệu đồng.

Các biện pháp khắc phục hậu quả là ngưng thi công xây dựng công trình vi phạm. Trong 60 ngày, Công ty LDG phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Nếu quá thời hạn trên, chủ đầu tư bị buộc tháo gỡ công trình vi phạm theo quy định.

Điều đáng nói là, trong khi địa phương tiến hành xử phạt trước những sai phạm trong quá trình xây dựng của Công ty LDG chưa lâu, thì trên địa bàn tỉnh Đồng Nai lại xuất hiện thêm một công trình nhà ở liền kế xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích trên 3.000m2.

Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa vừa ký quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Phan Thanh Sắc - Chủ tịch UBND phường An Hòa để làm rõ trách nhiệm trước tình trạng xây dựng trái phép diễn ra trên địa bàn.

Theo UBND thành phố Biên Hòa, thời gian qua, phường An Hòa đã để xảy ra một số điểm và khu vực phân lô bán nền và xây dựng trái phép. Điển hình là dãy nhà liền kề được xây dựng kiên cố quy mô 1 trệt 1 lầu.

Dãy nhà liên kế này nằm ở thửa đất 393, tờ bản đồ số 28, có diện tích hơn 3.000 m2. Mặc dù chỉ có 150m2 đất thổ cư, còn lại là đất nông nghiệp nhưng vào năm 2018, chủ đất đã cho mở đường, lập khu dân cư và xây dựng 35 căn nhà.

Đến tháng 6/2019, khi dãy nhà liên kế xây dựng gần xong thì chính quyền mới phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên số nhà xây dựng trái phép trên vẫn tiếp tục thi công cho đến khi hoàn thiện và rao bán.

Do đó, UBND thành phố Biên Hòa đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, kiểm tra, xử lý theo quy định, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các đơn vị cá nhân có liên quan đến sự việc trên.

Trên đây chỉ là một số trường hợp điển hình xây dựng trái phép mà chính quyền tỉnh Đồng Nai phải chạy theo xử lý hậu quả theo kiểu “sự đã rồi”. Và dư luận lo lắng có thể, do những khó khăn chưa thể giải quyết mà chính quyền lại lựa chọn giải pháp “phạt cho tồn tại” như lâu nay đã làm, điều này không chỉ làm phát sinh nhiều hệ lụy cho phát triển kinh tế, xã hội mà còn tạo ra tiền lệ không tốt cho việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng.

Cần quyết liệt trong xử lý vi phạm xây dựng

Có thể thấy, vi phạm trên lĩnh vực đất đai đang là vấn đề “nóng” của tỉnh Đồng Nai. Mặc dù trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Song, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng còn lỏng lẻo, bất cập, công tác xử lý chưa thực sự căn cơ đã khiến các doanh nghiệp, cá nhân ngày càng “khôn khéo” tìm ra các kẽ hở của luật pháp để trục lợi.

 Hơn hai năm qua, LDG đã xây dựng hàng trăm căn khi chưa có giấy phép làm hạ tầng, chưa được giao đất...

Hơn hai năm qua, Công ty LDG đã xây dựng hàng trăm căn khi chưa có giấy phép làm hạ tầng, chưa được giao đất...

Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Thanh Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai cho biết, những quy định về quản lý bất động sản vẫn còn những bất cập nên có nhiều chủ đầu tư dự án khu dân cư đã lợi dụng kẽ hở rao bán đất nền, căn hộ khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý thông qua hình thức hợp đồng đặt cọc nhận chỗ nên rất khó xử lý. Chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan cần phải thường xuyên giám sát phát hiện sai phạm xử lý kịp thời và khuyến cáo người dân không nên mua.

Cũng theo ông Lâm, dự án muốn huy động vốn khi mới xây dựng được 20% công trình trở lên phải có sự cho phép của Sở Xây dựng và trong đó quy định rõ mức huy động là bao nhiêu phần trăm so với tổng vốn đầu tư. Các địa phương có dự án khu dân cư rao bán sớm có thể căn cứ vào điểm này để phối hợp với các sở, ngành xử lý những doanh nghiệp, cá nhân vi phạm.

Cũng liên quan đến vấn đề tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng. Dưới góc độ luật pháp, theo Luật sư Nguyễn Văn Quynh (thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM). Đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, mức độ vi phạm nghiêm trọng, nhất là các đầu nậu, xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch, tự ý phân lô bán nền để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến quy hoạch chung, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn cần xác minh. Đối với những vụ việc có tính chất nghiêm trọng cần cơ quan Công an phải vào cuộc điều tra, xử lý dứt điểm.

Văn Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm