Loạt đề xuất để không "lỡ hẹn" dự án 1 triệu nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề xuất mỗi người chỉ được bán 3 - 5 căn nhà trong một năm / Giá căn hộ tiếp tục xu hướng tăng, nhiều người trẻ chọn thuê nhà
Nhân tố quyết định thành công của các khu công nghiệp
Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 338 về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2021 - 2030.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Việc lo nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân KCN được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo ông Chu Đức Tâm - Ủy viên Liên chi Hội tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty SM Tech VINA Engineering, nhà ở cho công nhân KCN là một trong những trụ cột quan trọng cho sự phát triển bền vững của mỗi công ty, của KCN và của cả đất nước.
"Nhà ở cho công nhân KCN không chỉ đáp ứng nhu cầu nhà ở mà còn tạo chuỗi đầu tư hạ tầng KCN - khu đô thị, môi trường đầu tư tiện ích, hoàn chỉnh cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Khi có nơi ở ổn định, nơi ở đủ tiêu chuẩn và an toàn, người công nhân có cuộc sống bảo đảm sẽ làm việc tốt hơn, chất lượng hơn, năng suất hơn, gắn bó với doanh nghiệp hơn. Nơi ở thuận tiện với nơi làm cũng rút ngắn thời gian đi đường, giảm bớt ách tắc giao thông. Theo đó năng suất lao động cũng tăng lên", ông Tâm nhìn nhận.
Việc triển khai nhà ở cho công nhân KCN còn chậm trong khi nhu cầu lớn.
Trong Luật Nhà ở đã dành 1 chương quy định về nhà ở xã hội. Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho xây nhà cho công nhân KCN.
Chương trình 120 nghìn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội với lãi suất thấp cũng đã được triển khai. Tại Nghị định 35 về quản lý KCN, khu kinh tế (KKT) cũng yêu cầu một trong những điều kiện đầu tư hạ KCN là phải quy hoạch khu nhà công nhân…
Tại Nghị quyết số 01 ngày 5/1/2024, Thủ tướng yêu cầu trong năm 2024 nỗ lực phấn đấu trên địa bàn cả nước hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ nhà ở xã hội.
"Những quy định, chính sách trên chính là cơ hội và cũng là nhân tố quyết định cho việt phát triển thành công của các KCN, KKT", ông Tâm cho biết.
Tuy nhiên theo ông Tâm, việc triển khai nhà ở cho công nhân KCN cũng còn chậm, trong khi nhu cầu rất lớn. Nếu không quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, sớm sửa đổi cơ chế chính sách cho phù hợp thì e rằng mục tiêu có 1 triệu nhà ở xã hội không đạt mục tiêu.
Việt Nam hiện có 4,5 triệu lao động làm việc trực tiếp trong các KCN, KKT. Trong đó, 2 triệu lao động đang cần có nhà ở. Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, công nhân ngoài các KCN, số lượng có nhu cầu còn lớn hơn. Khảo sát của Tổng liên đoàn cho thấy, hơn 60% số công nhân lao động thuê nhà trọ tại các khu nhà thiếu tiện ích, không bảo đảm môi trường sống, thiếu an toàn.
Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, đến cuối năm 2023 cả nước có 416 KCN được thành lập, trong đó có 293 KCN đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trong số đó rất ít các KCN được phát triển đồng bộ gắn liền tổ hợp bao gồm các nhà máy, văn phòng công ty, khu vực nhà ở cho công nhân, khu vực thương mại phục vụ người làm việc trong KCN, khu công viên hồ điều hòa, khu vui chơi giải trí cho người lao động, cho công nhân.
Hình thành quỹ nhà ở xã hội, phát triển nhà cho thuê
Theo ông Tâm, chủ trương về xây dựng 1 triệu căn nhà ở cho người thu nhập thấp, cho công nhân KCN rất phù hợp cho các KCN.
Nhiều nhà đầu tư KCN đeo đuổi ý tưởng quy hoạch tổ hợp KCN với hệ sinh thái KCN và KCN được phát triển đồng bộ gắn liền tổ hợp bao gồm các nhà máy, văn phòng công ty, khu vực nhà ở cho công nhân, khu vực thương mại phục vụ người làm việc trong KCN, khu công viên hồ điều hòa, khu vui chơi giải trí cho người lao động, cho công nhân.
Tuy vậy, các nhà đầu tư KCN rất khó thực hiện vì cơ chế, chính sách, quy định và cả thủ tục còn nhiều bất cập. Chỉ khi nhà nước tập trung thực sự, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc thì mới giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và đề án 1 triệu căn nhà đó mới thành công.
"Chúng tôi nhất trí với các quan điểm phát triển nhà ở cho công nhân mà Thủ tướng đã nhấn mạnh tại hội nghị hôm 16/3 vừa qua. Chúng tôi mong các địa phương nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, các địa phương phải thực sự quan tâm và dành quỹ đất xây nhà ở cho công nhân KCN. Trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương cần có chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Nhà ở xã hội – nhà ở cho công nhân KCN phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác, và cần được xây dựng gần KCN chứ không vì nhà giá thấp mà đặt ở những khu đất xa, hẻo lánh không thuận tiện cho người công nhân đi lại hàng ngày", đại diện SM Tech VINA Engineering chia sẻ.
Từ thực tế nhu cầu và thu nhập của người lao động, ông Tâm cho rằng, cần gia tăng loại hình nhà cho thuê với những điều kiện ưu đãi khác biệt hơn so với các chương trình hiện nay. Phương thức cho thuê là chủ yếu sẽ phù hợp với các KCN. Đồng thời cho phép các doanh nghiệp là chủ thể trong tổ chức cho người lao động của mình được thuê nhà. Việc ưu đãi và tăng tỷ trọng nhà cho thuê sẽ là yếu tố đẩy nhanh đề án ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Đồng thời Nhà nước cần nghiên cứu để sớm hình thành quỹ nhà ở xã hội. Cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng, sửa đổi pháp luật về thuế… để đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi).
Ngoài ra, cần hạ lãi suất cho vay với nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng để phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn. Thủ tục cho vay cũng cần thuận lợi hơn.
Để công nhân KCN không còn phải ở trong những căn nhà trọ không bảo đảm, để chương trình 1 triệu nhà ở xã hội không "lỡ hẹn", thì các vướng mắc, bất cập cần được sớm tháo gỡ. Và như Thủ tướng đã nói: “Điều quan trọng nhất là khi tổ chức thực hiện phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong vận dụng cơ chế, chính sách, luật pháp".
End of content
Không có tin nào tiếp theo