Bất động sản

TS Võ Trí Thành: Việt Nam có thể nghiên cứu chương trình giải cứu bất động sản của Trung Quốc

DNVN - Theo TS Võ Trí Thành, Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo từ Trung Quốc chương trình giải cứu thị trường bất động sản 16 điểm. Trong đó có 3 điểm cơ bản là nới điều kiện cho vay, nới tín dụng cho người đi mua nhà và tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu quay lại vận hành, hoạt động tốt.

"Sếp" Savills Việt Nam: FDI là nguồn vốn đáng tin cậy cho doanh nghiệp bất động sản / Quảng Nam: Đặt mục tiêu phát triển thị trấn Đông Phú trở thành đô thị loại 4

Tại phiên thảo luận với chủ đề “Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp” trong khuôn khổ Diễn đàn “Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp “vượt sóng””mới đây, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản, đang phải đối mặt với chồng chất khó khăn.
Trong đó, một trong những khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản là tình trạng các doanh nghiệp (DN) bất động sản, các chủ đầu tư đang trong tình trạng thiếu vốn, đói vốn, khó tiếp cận với các kênh huy động vốn như tín dụng, trái phiếu DN, thu tiền sớm của khách hàng. Tình trạng này liên quan đến việc kiểm soát tín dụng, trái phiếu.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Thanh khoản yếu dẫn đến sụt giảm doanh thu rất mạnh, trong khi chi phí tiếp khách vì tài chính trách nhiệm, lãi suất thật áp lực rất lớn cho DN bất động sản. Không ít DN thiếu vốn nên buộc phải dừng các dự án đang triển khai thậm chí là sa thải bớt lực lượng lao động, giảm giá thành, chấp nhận lỗ.
"Các giao dịch ở thị trường bất động sản rất thấp, rất yếu, các DN gần như không có thanh khoản, không doanh thu, các hoạt động phải tạm dừng, giảm doanh số giao dịch qua đó các DN bất động sản có nguy cơ khủng hoảng rất cao", Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định.
Từ thực trạng này, ông Nguyễn Văn Đính kiến nghị trong thời gian chờ sửa đổi các luật, Chính phủ cần có những động thái cụ thể hơn, qua có có những chính sách quyết liệt giải quyết vướng mắc của các dự án bất động sản hiện nay. Trong đó, cần thiết phải có những sự tháo gỡ với những cơ chế đặc thù cho các dự án đang “nằm chờ” phê duyệt.
Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách tín dụng đặc biệt cho thị trường bất động sản, nhất là các dự án cấp thiết cho xã hội, các dự án để khuyến khích các nguồn hàng phù hợp với nhu cầu chung của đại chúng như nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp.
Ở góc độ chuyên gia, tại tọa đàm "Gỡ nghẽn dòng tiền" do Báo đầu tư tổ chức ngày 18/11, TS Võ Trí Thành -Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh lấy ví dụ từ trường hợp Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc đã có chương trình giải cứu thị trường bất động sản 16 điểm, trong đó có 3 điểm cơ bản.
TS Võ Trí Thành -Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.

Thứ nhất là nới ít nhiều điều kiện cho vay với bất động sản. Thứ hai, nới ít nhiều tín dụng cho những người đi mua nhà. Thứ ba, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu ít nhiều quay lại vận hành, hoạt động tốt.
"Theo tôi, chương trình giải cứu thị trường bất động sản 16 điểm của Trung Quốc khá cụ thể, Việt Nam cũng có thể nghiên cứu, tham khảo để áp dụng. Hiện Chính phủ đang bàn những giải pháp để gỡ khó từ tổng thể dòng tiền gắn với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, an tòan hệ thống tài chính - ngân hàng và phục hồi - gỡ khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp",
Trong khi đó, theo ông Trần Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Smart Invest, khi tiếp cận các kênh huy động vốn đều khó khăn như hiện nay thì những vấn đề nội tại DN phải tự tạo ra dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh càng khó khăn hơn.
Đặc biệt với ngành bất động sản, là ngành rất rộng, bao gồm bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp, bất động sản du lịch... Cần xem xét nghiên cứu dạng bất động sản nào nên hạn chế và dạng bất động sản nào nên thúc đẩy.

Ông Trần Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Smart Invest.
Chính vì điều chưa phân được nhánh ngành nào nên thúc đẩy hay hạn chế đã gây ra hạn chế chung cho ngành bất động sản tiếp cận tín dụng. Khi cả ngành và các nhóm ngành đều khó khăn trong tiếp cận vốn, các khối ngành liên quan cũng bị ảnh hưởng.
"Rõ ràng chúng ta không nên bó cứng áp dụng zoom tín dụng đối với những nhà phát triển bất động sản, những dự án bất động sản tốt. Nếu bó cứng sẽ khiến giá bất động sản không giảm so với giai đoạn vừa qua mà còn tăng lên. Thêm vào đó việc tiếp cận được bất động sản đối với những người có nhu cầu chính yếu lại càng khó hơn bởi vì lượng cung trên thị trường bị ít đi", Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Smart Invest nêu.
Cũng tại phiên thảo luận “Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp” trong khuôn khổ Diễn đàn “Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp “vượt sóng””, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng.
Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tăng cường đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư… giúp cải thiện cung - cầu ngoại tệ cũng như giảm áp lực đối với tỷ giá.
Xem xét có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các NHTM tích cực giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Xem xét có cơ chế hỗ trợ các NHTM thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm