Bầu Đức nhập đường từ Lào thuế suất 0%, hiệp hội mía đường "ghen tị"
Bộ Tài chính lý giải theo quy định của Hiệp định Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào ngày 27/6/2015, phía Việt Nam sẽ dành cho phía Lào ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho các loại hàng hóa có xuất xứ từ Lào.
Chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Lào. Theo đó, mặt hàng đường mía không thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu và không thuộc đối tượng bị hạn chế hạn ngạch khi nhập khẩu về Việt Nam. Vì vậy, trước mắt Bộ Tài chính giao Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum kiểm tra cụ thể số hàng đường mía do Công ty Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu từ Lào về Việt Nam.
Trước đó, ngày 21/6, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có công văn số 41/2016/CV-HHMĐ đề nghị Bộ Tài chính áp dụng và duy trì mức bảo hộ cao nhất cho ngành đường theo các cam kết theo lộ trình đã ký.
Đường do Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào.
Lý do là do trong xu hướng hội nhập sâu rộng như hiện nay, ngành mía đường là một trong các ngành nông nghiệp bị tổn thương cao nhất với mặt hàng đường là mặt hàng nhạy cảm mà trong tất cả các Hiệp định thương mại tự do đã đề cập.
Về các ưu đãi trong Hiệp định thương mại biên giới Việt – Lào công bố ngày 27/6/2015, VSSA cho rằng qua thông cáo báo chí của Bộ Công Thương, để tạo điều kiện khuyến khích giữa 2 nước, dành ưu đãi thuế NK 0%, thuế VAT 0%, miễn trừ các hàng rào kỹ thuật với một số mặt hàng do các nhà đầu tư Việt Nam sản xuất tại Lào khi NK vào Việt Nam.
Theo VSSA đây là sự ưu đãi quá mức so với sản xuất trong nước đối với mặt hàng đường, góp phần gây nên khó khăn cho sản xuất trong nước trong khi điều kiện sản xuất trong nước không được lợi thế như sản xuất tại Lào.
Đó là chưa kể nếu không có sự kiểm soát nguồn gốc xuất xứ chặt chẽ thì mức độ tác động càng lớn hơn. Do đó Hiệp hội Mía Đường Việt Nam đề nghị Bộ Tài Chính quan tâm xem xét vấn đề này.
Hiện tại, về cơ bản, Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2015-2016. Theo VSSA, tổng sản lượng đường trong cả niên vụ vào khoảng gần 1,2 triệu tấn.
Cafebiz/Trí Thức Trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo