Bất động sản

Bầu Kiên còn có bao nhiều tài sản

Ngoài bất động sản, ông Nguyễn Đức Kiên có thể đang nắm giữ cả trăm triệu cổ phiếu ngân hàng, giá trị hàng ngàn tỉ đồng.

Ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Ngân hàng (NH) TMCP Á Châu - ACB) bị VKSND Tối cao truy tố với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Trốn thuế. Tổng số tiền thiệt hại được xác định là 1.696 tỉ đồng, chưa kể hơn 433 tỉ đồng lỗ do kinh doanh vàng.

2 biệt thự tại TP HCM của bầu Kiên
 
Ngày 17-2, khi chúng tôi đến biệt thự số 5 Hồ Biểu Chánh, nhìn thấy phía trước để biển báo trụ sở Công ty Cổ phần Tin học Á Châu và Chi nhánh Công ty Cổ phần PTSX và XNK Thiên Nam. Tuy nhiên, theo một số người dân sống xung quanh, phần lớn nhân viên 2 công ty này đã được chuyển sang trụ sở khác làm việc.
 
Biệt thự ở số 22, Hoàng Dư Khương, phường 12, quận 10, TP HCM của bầu Kiên
 
Biệt thự tại số 22 Hoàng Dư Khương được vợ chồng một thanh niên tên Tuấn (khoảng 30 tuổi, quê Nghệ An) trông coi. Một phần biệt thự này được sử dụng làm bãi giữ xe cho nhân viên một thẩm mỹ viện gần đó. Một người dân sống gần khu vực cho biết khi bầu Kiên vừa bị bắt, người trông nhà đã lấy biệt thự cho một số người thuê, được một thời gian thì bị cơ quan chức năng thông báo lệnh cấm sang nhượng và cho thuê. Ngoài ra, trong nhà xe ở đây còn có một xe hơi của bầu Kiên bị dán niêm phong và phủ một lớp bụi dày. 
 
Hàng ngàn tỉ đồng cổ phiếu
 
Theo bản cáo trạng lần 2 của VKSND Tối cao, cơ quan công an đã kê biên 3 bất động sản do ông Kiên và vợ đứng tên sở hữu, gồm: nhà và đất tại số 5 Hồ Biểu Chánh (phường 12, quận Phú Nhuận,
 
TP HCM); nhà và đất ở số 22 Hoàng Dư Khương (phường 12, quận 10, TP HCM); hơn 2.400 m2 đất tại 78/6 Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM).
 
Cơ quan công an cũng có văn bản đề nghị ACB phong tỏa, quản lý toàn bộ số cổ phiếu do ông Kiên và người thân đang sở hữu tại ACB. Ngoài ra, ông Kiên còn thành lập, đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên của 6 công ty. Thông qua việc chỉ đạo, điều hành hoạt động đối với các công ty nêu trên và lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành NH.
 
Ông Kiên là cổ đông của ACB từ năm 1993 và giữ chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB từ năm 1994- 2008. Tại NH này, gia đình ông Kiên và nhóm cổ đông do ông Kiên làm đại diện sở hữu hơn 93,7 triệu cổ phiếu, chiếm 9,03% vốn điều lệ ACB, trong đó ông Kiên sở hữu hơn 31,5 triệu cổ phiếu.
 
Nhiều người cho rằng, với mệnh giá 10.000 đồng, ông Kiên và nhóm cổ đông mà ông đại diện phải có ít nhất 937 tỉ đồng mới mua được 937 triệu cổ phiếu ACB. Còn nếu tính theo mức giá của ngày 17-2 là 16.100 đồng/cổ phiếu ACB, số cổ phiếu ông Kiên đang nắm giữ giá trị hơn 1.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng ông Kiên có thể còn nắm giữ cổ phiếu tại nhiều NH khác.
 
Một số cán bộ của NH Đại Á (NH này hiện đã sáp nhập với HDBank) cho biết cách đây vài năm, ACB và nhóm doanh nghiệp (DN), cán bộ chủ chốt ACB nắm giữ khoảng 40% vốn điều lệ NH Đại Á, trong đó gia đình ông Kiên nắm giữ 15%. Khi đó, NH Đại Á có vốn điều lệ trên 3.000 tỉ đồng, tính ra tài sản của ông Kiên tại NH này vào khoảng 450 tỉ đồng.
 
Nhiều người cho rằng gia đình ông Kiên còn nắm giữ số cổ phiếu khá lớn của một vài NH.
 
Tranh thủ kẽ hở cho vay
 
Một quan chức là thanh tra của ngành NH cho biết bản chất của việc NH mua trái phiếu do DN phát hành là NH đã cho DN vay tiền. Tuy nhiên, do nhiều năm trước, cơ quan quản lý không tính số tiền NH mua trái phiếu DN vào tăng trưởng tín dụng, vì thế, một số ông chủ DN đồng thời là ông chủ NH đã tranh thủ kẽ hở này thành lập nhiều công ty “con”, các công ty “con” lại thành lập thêm công ty “con” khác rồi tiến hành phát hành trái phiếu DN bán cho các NH. Sau đó, các ông chủ DN dùng số tiền từ việc bán trái phiếu mua cổ phiếu NH tăng thêm tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu để kiểm soát hoạt động NH.
 
Thị trường tài chính không lạ lẫm với việc DN, cá nhân sở hữu cổ phiếu của nhiều NH. Bởi pháp luật cho phép cá nhân nắm giữ không quá 5% cổ phiếu một NH, cá nhân và người liên quan nắm giữ không quá 20%, tổ chức nắm giữ không quá 11% vốn điều lệ NH. Thế nhưng, điều đáng nói là cá nhân, DN có thể núp bóng người khác để nắm giữ 10%-30% vốn điều lệ, rồi chi phối luôn hoạt động của NH. Hệ quả là các tổ chức, cá nhân này lại thế chấp cổ phiếu NH để vay tiền của NH rồi mua cổ phần nhiều NH khác.
 
Giới phân tích cho rằng sở hữu cổ phiếu NH gắn liền với nhóm lợi ích là hình thức khá phổ biến, tạo ra dòng tiền ảo. Ví dụ, một nhóm nhà đầu tư có 1.000 tỉ đồng mua cổ phiếu của NH A, rồi lấy cổ phiếu đó thế chấp cho NH B để vay thêm 1.000 tỉ đồng. Sau đó, nhóm người này sẽ quay lại NH A để mua thêm cổ phiếu hoặc mua cổ phần của NH C, rồi lại lấy cổ phần của NH C làm tài sản thế chấp vay NH D thêm 1.000 tỉ đồng để mua cổ phần của NH E… Cứ thế, từ 1.000 tỉ đồng họ đã có số vốn 5.000-7.000 tỉ đồng tại nhiều NH.
 
Theo Người lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo