Bệnh “ngại” của teen
“Vi rút ngại” tấn công
Cô bé Nguyễn Ngọc Lan Hương (16 tuổi) trú tại Cầu Giấy, Hà Nội là một học sinh ngoan hiền, hòa đồng, vui vẻ với bạn bè và mọi người xung quanh.
Tiếp xúc với Lan Hương, không ai nghĩ cô bạn bị căn bệnh “ngại” chi phối. Phát biểu rất sôi nổi trong lớp nhưng mỗi khi trước người lạ, Lan Hương không dám mở lời nhờ vả ai về những khó khăn mình gặp phải.
Kết thúc năm học 2013- 2014, Hương đoạt danh hiệu học sinh giỏi nên được bố mẹ thưởng cho một chuyến vào Nha Trang thăm ông bà ngoại. Lần đầu tiên đi máy bay mà bên cạnh không có người thân, Lan Hương lúng túng không rõ nút ngả ghế và nút bấm gọi tiếp viên ở đâu.
Tuy vậy, cô bạn nhất quyết không hỏi ai và đành chịu mỏi lưng suốt giờ bay, trong khi các tiếp viên hàng không liên tục đi qua đi lại phục vụ hành khách. Lan Hương chia sẻ: “Em cứ định hỏi bác ngồi bên cạnh nhưng lại thấy ngại vì sợ bị mọi người cười”.
Ảnh minh họa
Suốt 9 năm học từ cấp một đến hết cấp hai, Hà Phương Linh (16 tuổi) trú tại Gia Lâm, Hà Nội là học sinh giỏi, cô bé chăm chỉ học hành, phát biểu xây dựng bài.
Nhưng từ khi vào trường trung học phổ thông, với môi trường mới, Linh lại thay đổi một cách thiếu tích cực, nhiều bài toán giải ra kết quả sớm nhất lớp nhưng cô bạn không bao giờ tự động xung phong lên bảng chữa bài, ít phát biểu xây dựng bài... Từ một học sinh xông xáo, năng động, Linh trở nên trầm tính trong môi trường mới. Lí do mà Linh đưa ra chỉ vì ngại.
Ở trường lớp, nhiều khi thầy cô giáo giảng khó hiểu, dù không hài lòng nhưng các teen chỉ dám xì xào phàn nàn sau giờ học chứ không ai đứng lên yêu cầu thầy giảng lại.
Các bạn học trò biết rất rõ cần đóng góp xây dựng bài, nhưng cứ muốn giơ tay phát biểu thì “vi rút ngại” tấn công và cứ thế, teen ngồi im suốt cả buổi học mặc dù nhiều người có đầy ý tưởng sáng tạo và phương pháp học tập hay.
Nguy hại vì… ngại
Ngay trong chuyện tình yêu, nhiều teen mặc dù đã hết tình cảm với đối phương nhưng không thể nói lời chia tay vì sợ mang tiếng là kẻ phụ tình, bội bạc người khác. Sau một năm rưỡi yêu cậu bạn học cùng lớp cấp 3, Nguyễn Minh Thu cảm thấy chán và có ý muốn chia tay người yêu.
Nhưng Thu ngại nếu mình là người chia tay trước sẽ bị trách móc. Cô bạn chỉ mong người yêu nói chia tay để khỏi mang tiếng nhưng dùng dằng mãi, đã mất thời gian, không tập trung cho học tập khiến thành tích học tập trong năm nay “tụt dốc không phanh”.
Nhóm bạn cùng lớp của Đặng Hữu Minh (17 tuổi) trú tại Hoàng Mai, Hà Nội rất yêu thích tiếng Anh nên rủ nhau đi học thêm.
Chọn tới, chọn lui nơi học được đánh giá là chất lượng cao, đội ngũ giáo viên bản ngữ kèm cặp tận tụy. Học ở đây, học viên được giao tiếp trực tiếp bằng tiếng Anh với người Anh. Tất cả các bạn trong nhóm đều hào hứng đi học còn Minh thì đắn đo cân nhắc.
Đại bộ phận teen được hỏi đều rất ngại khi phải đến bệnh viên hay trung tâm y tế khám chữa bệnh, nhất là những bệnh phụ khoa tế nhị và teen thường tặc lưỡi cho qua. Chỉ vì lí do sợ phải “bỏ đồ” khi khám bệnh mà nhiều teen âm thầm chịu đựng dù phát hiện nhiều triệu chứng bất bình thường.
Nguyễn Thị Thủy (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội): Mình cũng đã từng mắc “bệnh ngại”, nghĩ lại thấy như vậy thật ngốc ngếch. Không thể hiện mình, không nói ra những điều mình muốn…thì cũng không ai có thể biết, càng không ai có thể hiểu để chia sẻ với chúng ta. Muốn nhận được sự đồng cảm, yêu thương giúp đỡ của mọi người và nhanh tiến bộ, trưởng thành các bạn nên mở lòng và hãy dùng cảm thể hiện mình. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo