Bi kịch của những "cậu ấm cô chiêu" ở Trung Quốc
Nỗ lực vượt qua cái bóng của thế hệ cũ
Martin Hang, 31 tuổi, hiện là biên tập viên tạp chí Fortune Generation và là thành viên nổi bật của Hội tiếp sức Trung Quốc (Relay China Elite Association). Đây là tổ chức phi chính phủ thành lập từ năm 2008 nhằm giúp đỡ thế hệ thứ 2 trong các gia đình giàu có, kết nối những người này lại với nhau. Để có chân trong hội này, mỗi người phải đóng ít nhất 200.000 NDT và phải chứng minh được gia đình họ hàng năm đều đóng thuế ít nhất 50 triệu NDT. Tổ chức này thường tổ chức các buổi thảo luận về cách giảm tối đa mức thuế phải đóng hay tối đa hóa lợi nhuận.
Hội này bắt đầu xuất bản tạp chí từ năm 2011, nhằm xây dựng hình ảnh tích cực hơn về fuerdai (thế hệ thứ hai trong những già đình giàu có ở Trung Quốc): họ không còn là các cậu ấm cô chiêu sống trong nhung lụa và ném tiền qua cửa sổ nữa mà sẽ là thế hệ doanh nhân thứ 2. Bìa của tạp chí cứ mỗi tháng lại đổi một lần nhưng luôn là hình ảnh của một anh chàng nhà giàu mặc vest khoanh tay trông rất oách hoặc dựa lên xe Audi (2 trang sau luôn là quảng cáo Audi).
Bởi những thanh niên này chỉ biết thể hiện sự giàu có mà không hề tạo ra của cải vật chất nên cần phải khuyến khích họ tiếp quản công ty của gia đình hoặc ít nhất là biết cách quản lý công ty. Các công ty như vậy rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc vì sẽ là sức sống của khu vực kinh tế tư nhân. Quan trọng hơn, đây đều là những công ty có tầm nhìn dài hạn. Trong khi đó theo số liệu của Đại học Shanghai Jiaotong vào năm 2012, đến 82% những người thừa kế không sẵn sàng tiếp nhận công ty của gia đình mình.
Hang nhận thức rất rõ về điều này. Cha Hang thành lập công ty quảng cáo từ năm 1993, và đây là một trong những công ty quảng cáo lớn nhất của tỉnh Giang Tây. Sau khi tốt nghiệp đại học, Hang không về làm cho công ty mà nghiên cứu quản lý tài chính ở Hà Lan và mua bản quyền của trò chơi Norron , một chơi trò chơi trực tuyến về thần Bắc Âu. Sau khi đạt được những thành công bước đầu, Hang tỏ ra tự mãn và không thích nói chuyện với mọi người. Cho đến khi trò chơi không tạo ra lợi nhuận như mong muốn, anh chàng mới quyết định đầu quân cho công ty của cha.
Tất cả fuerdai đều phải đối mặt cùng một vấn đề: Họ không thể nào vượt qua được cái bóng của thế hệ trước. Họ có làm gì thì cũng sẽ bị gọi là con ông này, cháu bà kia chứ không phải là chính mình. Khi tìm được nhà xuất bản cho cuốn sách của mình, Wang không biết người ta chấp nhận vì chất lượng hay vì bố anh quá nổi tiếng. Người ta vẫn nói con vua lại được làm vua nhưng có ai hỏi rằng làm vua vậy có sướng không? Sự giàu có nhiều khi không đi liền với hạnh phúc. Chỉ khi trải nghiệm bạn mới hiểu được.
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các fuerdai sau khi nghỉ hè ở Bali, trú đông trên dãy Alps, đọc những cuốn sách triết học tại Oxford và nhận bằng MBA từ Stanford đều miễn cưỡng để tiếp nhận công ty của gia đình. Sau khi tốt nghiệp Đại học Columbia, Even Jiang (28 tuổi) từng nghĩ đến việc làm công ty nhập khẩu kim cương của mẹ nhưng bất đồng về hướng đi của công ty. Cô quyết định làm việc tại Merrill Lynch, sau đó về Thượng Hải mở dịch vụ như American Express ở Manhattan. Liu Jiawen, 32 tuổi, sinh ra trong gia đình sở hữu một công ty thời trang khá thành công ở tỉnh Hồ Nam. Sau khi tốt nghiệp, cô quyết định tự kinh doanh và đã thất bại.
Những con người cô đơn
Fuerdai thường bị chấn thương tình cảm và do đó khá lạnh lùng, rất khó để làm bạn. Jason, người lái xe Uber được nhắc đến trong kỳ trước, được gửi đến trường nội trú từ khi học mẫu giáo mặc dù cha mẹ ở ngay gần trường. Thay vì chú ý gần gũi và làm bạn với con, các vị phụ huynh này chỉ chú trọng chu cấp những món đồ đắt tiền. Bởi họ không có tuổi thơ đầy đủ nên fuerdai muốn kéo dài tuổi trẻ. Thêm vào đó, vì Trung Quốc áp dụng chính sách 1 con nên những thanh niên này không có anh chị em. Suy cho cùng, họ chỉ muốn được chăm sóc, muốn được yêu thương.
Những cậu ấm cô chiêu ở Trung Quốc nổi tiếng với thói xa hoa (Ảnh minh họa)
Đối với Jason, tiệc tùng là cách để xua đi sự nhàm chán. Jason đi hộp đêm 5 ngày/tuần, không đi thì chẳng ngủ được. Anh chàng không thiếu người cặp kè nhưng đúng kiểu "lắm mối tối nằm không". Anh chàng từng có bạn gái trong 3 năm nhưng anh không hề yêu. Hầu hết các fuerdai không dễ dàng công khai chuyện đời tư và do đó cần có một hội để họ có thể tâm sự một cách chân thành, không giả dối.
Không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của thị trường chứng khoán
Đà lao dốc của TTCK Trung Quốc ảnh hưởng không nhỏ đến các fuerdai bởi gia đình họ đều có cổ phiếu của các công ty niêm yết. Hang cũng mua cổ phiếu nhưng may mắn đã kịp bán tống bán tháo khi thị trường sụt giảm. Tạp chí thu được nhiều tiền từ quảng cáo cho các công ty bất động sản và do đó cũng bị ảnh hưởng. Việc huy động tiền trở nên khó khăn hơn. Nhiều fuerdai đã chuyển tiền ra nước ngoài.
Khảo sát tiến hành năm 2013 cho thấy 64% người giàu của Trung Quốc đã di cư hoặc muốn di cư. Không phải thị trường chứng khoán chao đảo làm giới giàu có của Trung Quốc muốn rời khỏi đất nước mà là xã hội nước này buộc họ ra đi. Trung Quốc ghét người giàu. Phần lớn các fuerdai không giao lưu nhiều với tầng lớp lao động. Ngay từ bé, các fuerdai đã đi học các trường tốt nhất, càng ít gặp người nghèo.
Hội tiếp sức Trung Quốc đang có kế hoạch thực hiện chương trình từ thiện nhằm kết nối fuerdai với trẻ em vùng nông thôn. Sau vụ nổ nhà máy hóa chất tại Thiên Tân vào tháng 8, thành viên của hội quyên góp được 1,5 triệu NDT gửi đến Thiên Tân. Làm từ thiện không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội mà còn đảm bảo sự ổn định.
Đi tìm ý nghĩa cuộc sống
Mùa hè này, nhờ bạn bè ủng hộ, Hang quyết định gọi cho cha mình, nói "Con yêu cha". Ở đầu dây bên kia, ông bố ngưng một lúc rồi trả lời:"Con say hả?". Hang tìm đến một công ty có tên là Lifespring để tìm lại cảm xúc với người cha của mình. Công ty này cũng hỗ trợ cho anh chàng những thứ mà hộp đêm không làm được. Tuy nhiên việc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống khó gấp vạn lần so với việc xài thẻ tín dụng. Và với fuerdai nó còn khó hơn nhiều. Một số fuerdai quyết tâm ra khỏi con đường mà cha mẹ mình đã đi. Một số khác quyết định quay lại để cha mẹ vui lòng.
Không phải ai cũng tìm ra mục đích sống của mình. Jason, anh chàng lái xe Uber cho rằng làm trong công ty truyền hình không phải là công việc mơ ước. Khi còn bé, anh có nhiều ước mơ, muốn làm tay golf, làm tay đua xe hay bác sỹ, nhưng khi lớn lên rồi, biết nhiều rồi mới nhận ra đó chỉ là những giấc mơ. Anh chẳng có kế hoạch nào cả. Với Jason, hạnh phúc phụ thuộc vào thái độ. “Có đến triệu lý do để buồn, nhưng mỗi ngày tôi cố tìm ra một lý do để vui. Hôm nay tôi gặp chị, đó là một lý do, thế là tôi vui rồi”, anh nói với tôi như thế.
Cafef/Trí thức trẻ/Bloomberg
End of content
Không có tin nào tiếp theo