Doanh nhân

Bí quyết thành công của người Do Thái: ‘Tôi đâu còn lựa chọn nào khác’

Nhìn lại lịch sử, những quốc gia với xuất phát điểm thấp nhưng biết cách “lựa chọn” thái độ trước thời cuộc đều đã thành công.

 

Tôi cứ nghĩ mãi về điều gì khơi nguồn cho sự tỏa sáng của người Do Thái trong hầu hết khía cạnh cuộc sống, cho tới khi đọc lại Eran Katz:“Có lần, tôi gặp một người mù. Ông ấy có một trí nhớ phi thường. Ông ấy thuộc lòng số điện thoại, những cuộc hẹn của mình từ hàng tháng trước hoặc sẽ có trong hàng tháng sau đó, mà không hề cần sổ ghi chép hay sắp xếp các cuộc hẹn. Khi tôi hỏi ông ấy làm thế nào mà nhớ được, ông ấy có vẻ hơi ngạc nhiên và câu trả lời của ông ấy đến giờ vẫn văng vẳng trong tâm trí tôi: ‘Tôi đâu còn lựa chọn nào khác chứ?’ ”.

Và tôi tự hỏi, liệu có phải lý do của người Do Thái cũng bắt nguồn từ việc họ từng là một dân tộc “đâu còn sự lựa chọn nào khác”?

Từ 2000 năm lưu vong

Điều 1 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 tại Pháp ghi: “Mọi người đều được sinh ra tự do và bình đẳng”. Thế nhưng đó là câu chuyện của 1948.

2000 năm trước, có một dân tộc mà nhiều người từ khi sinh ra đã là một đứa trẻ mất nước, đi tới đâu cũng bị xua đuổi, tàn sát, người dân bị cấm sở hữu bất cứ tài sản nào… Họ chính là dân tộc Do Thái. Ngay từ những giai đoạn đầu tiên, người Do Thái đã phải sống lưu vong, bị cướp bóc tài sản do những quan niệm trái ngược về tôn giáo. Vào thời đại di chuyển khá hạn chế, người Do Thái trở thành những người tị nạn đầu tiên. Ngày xưa cũng như bây giờ, dân di cư luôn bị đối xử với sự nghi ngờ.

Tới Thế chiến II, khi Adolf Hitler với thuyết “người Đức là một dân tộc thượng đẳng”, vì sợ sự vượt trội của người Do Thái đã bắt họ phải sống trong các trại tập trung với ý đồ để họ chết dần chết mòn. Kết quả, không dưới sáu triệu người bao gồm cả phụ nữ, trẻ em đã bị sát hại dã man.

Nghèo khổ, lang bạt, bị đối xử khinh thường, cuộc sống đầy rẫy bất ổn… nhưng cũng nhờ đó, người Do Thái học được bài học về sự sáng tạo, về lòng quả cảm, trí tưởng tượng phong phú và nỗ lực khẳng định vị thế dân tộc mình. Cho tới nay, khi những cống hiến của người Do Thái dần được công nhận, người ta mới nhìn họ với một con mắt khác.

[Một giả thuyết thú vị], phải chăng quá trình chọn lọc tự nhiên quá dài và khắc nghiệt đã khiến chỉ những cá nhân xuất sắc nhất mới có thể tồn tại để tạo nên một dân tộc tinh hoa như vậy?

Kinh Talmud, tri thức và tiền

Đã có không ít nghiên cứu về công thức thành công của người Do Thái: Từ việc mang thai của người mẹ, việc đào tạo thanh niên trong quân đội, việc chính phủ cởi mở trước ý tưởng sáng tạo cho tới truyền thống của một dân tộc thông thái… Nhưng khởi điểm căn bản, không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của Kinh Talmud. Kinh Talmud là một văn bản trung tâm của giáo sĩ Do Thái giáo gồm 63 bài luận với độ dài hơn 6.200 trang thể hiện những ý kiến của hàng ngàn giáo sĩ Do Thái trong nhiều chủ đề như pháp luật, đạo đức, triết học, phong tục, lịch sử, thần học, truyền thuyết và nhiều chủ đề khác.

Kinh Talmud

Kinh Talmud viết: “Tài sản có thể bị mất, chỉ có tri thức và trí tuệ thì mãi mãi không mất đi đâu được”. Với phương châm đó, người Do Thái đặc biệt coi trọng giáo dục, dù khó khăn đến đâu cũng tìm cách cho con học hành. Nhìn toàn cục, đạo Do Thái coi trọng học vấn và phân tích. Họ không chấp nhận những giá trị bề ngoài, mà luôn đi sâu tìm hiểu “tại sao”, “như thế nào”. Với lịch sử, bộ óc thế kỷ Albert Einstein, nhà tâm lý học Sigmund Freud, cha đẻ Chủ nghĩa Cộng sản Karl Marx…hay thậm chí chúa Jesus, tất cả đã chứng minh đóng góp tri thức vĩ đại của người Do Thái với nhân loại.

Một điểm đặc biệt của Kinh Tadmud, khác với những tôn giáo khác như Phật giáo, Thiên chúa giáo là ở chỗ coi trọng giá trị của tiền bạc. Với người Do Thái: “Vàng ở xứ này rất quý”. Rõ ràng, không có tiền thì làm sao có thể tồn tại ở những quốc gia nơi người Do Thái sống nhờ ở đợ, chịu mọi chèn ép, khó khăn? Cũng chính trong hoàn cảnh đó, họ đã sáng tạo ra nhiều ý tưởng kinh doanh rất khôn ngoan.

Ví dụ cửa hiệu cầm đồ và cho vay lãi là sáng tạo độc đáo của người Do Thái cổ về sau gọi là hệ thống ngân hàng. Lịch sử cũng một lần nữa chứng minh tài năng của người Do Thái trong kinh doanh, với những cái tên như vua dầu mỏ John Rockefeller, trùm tài chính George Soros, huyền thoại thời trang Ralph Lauren…

Tới hồi kết nở hoa

Nhìn lại lịch sử, những quốc gia với xuất phát điểm thấp nhưng biết cách “lựa chọn” thái độ trước thời cuộc đều đã thành công. Hoa Kỳ, sau cuộc nội chiến vươn lên trở thành một cường quốc quyền lực. Nhật Bản, dù hứng chịu không ít bom nguyên tử, động đất, sóng thần vẫn là nơi mặt trời luôn mọc. Singapore, từ một mảnh đất bé xíu thuộc về Malaysia, ô nhiễm, pha tạp, trở thành một đất nước xanh và năng động bậc nhất không chỉ tại châu Á.

Và tất nhiên, không thể không nhắc tới Israel, quê hương của những người con Do Thái, nơi đã viết nên câu chuyện rằng bất kể quá khứ của một dân tộc ra sao, với sự sáng tạo, cầu tiến của mình, họ đều có thể viết nên tương lai mới.

Hoa đã nở trên những cao nguyên cằn khô tại “quốc gia khởi nghiệp”, nơi mà toàn bộ diện tích bao phủ bởi sỏi đá, chỉ gần 1% là nước. Israel- quốc gia nhỏ bé chỉ gồm hơn 7 triệu dân, mỗi ngày trôi qua là một ngày đối diện với hàng trăm thế lực thù địch xung quanh, vẫn vươn mình phát triển trên hầu hết các lĩnh vực, nông nghiệp, kinh tế, khoa học… Như một tất yếu, người dân Israel rất giàu, GDP đầu người năm 2013 vào khoảng 34.900 USD(*)- xếp thứ 40 thế giới.

Hitler (nếu còn sống) hẳn sẽ buồn vì sức sống của người Do Thái sau chừng ấy thử thách, quả không thể nào dập tắt!

(*) Theo The World Factbook

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo