Bị vòi vĩnh, doanh nghiệp khốn đốn
Cải cách thể chế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cần có điều luật cấm công chức hạch sách, vòi vĩnh doanh nghiệp
“Cải cách thể chế không chỉ có lợi cho doanh nghiệp (DN) mà còn có lợi cho chính các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận như vậy tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh: DN chung tay trong cải cách thể chế” do Phòng Thương mại- Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức ngày19-3.
Kể lại sự khốn đốn của nhiều DN, TS - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh dẫn chứng trường hợp của một chủ khách sạn tại Hà Nội: “Chị chủ khách sạn đã cho tôi xem thư chúc mừng năm mới của một cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương gửi tới kèm theo danh sách đề nghị nữ doanh nhân mừng tuổi 35 cán bộ của cơ quan này. Đến mùa hè, chị lại nhận tiếp đề nghị tài trợ cho cán bộ cơ quan này đi nghỉ mát...”.
Ông Doanh cho biết thêm một chuyện mà ông tận mắt chứng kiến. Khi đến công tác tại một tỉnh, ông gặp một chủ tịch huyện mời đi ăn tối. Tiệc gần tàn thì vài DN được triệu đến, họ ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Sau cùng, ông chủ tịch huyện nói điều cần nói là... nhờ họ thanh toán. “Tôi kiến nghị trong cải cách thể chế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cần có điều luật cấm công chức hạch sách, vòi vĩnh DN, làm họ cõng thêm chi phí” - ông Doanh thẳng thẳn.
TS - chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng đưa ra những câu chuyện vòi vĩnh, làm khó DN. “Không chỉ DN tư nhân mà DN nhà nước cũng bị làm phiền suốt. Một vị tổng giám đốc DN lớn của nhà nước tố khổ với tôi có ngày ông nhận được hàng chục cuộc điện thoại vòi vĩnh” - TS Hồ kể.
Các chuyên gia cho rằng cải cách thể chế là vấn đề lớn của quốc gia trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Nói cải cách thì dễ nhưng làm thì khó nếu không dám nhìn thẳng sự thật và phải trung thực với mình để tự điều chỉnh. TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Nếu không làm được như thế, nỗ lực cải cách thể chế của chúng ta sẽ đụng đến các giới hạn và không tiến tới được”.
Trong khi đó, theo báo cáo cập nhập về môi trường kinh doanh công bố tháng 10-2014 của Ngân hàng Thế giới (WB), xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Đồng tình với một phần kết quả nghiên cứu của WB, TS Lưu Bích Hồ cho rằng tính chính xác chỉ tương đối. “Nhiều chi phí bôi trơn, thủ tục lòng vòng đã không được đưa vào nên kết quả không chính xác. Tôi đề nghị VCCI cử cán bố tham gia mỗi cuộc điều tra của WB vì nhiều vấn đề chỉ ta mới biết, còn họ không thể nắm được” - ông đề xuất.
Dẫn báo cáo của WB, ông Olin Mcgil, chuyên gia USAID, cho rằng chỉ số thuế của Việt Nam đứng thứ 173 thế giới như công bố là còn “ưu ái” vì thực tế có thể thấp hơn rất nhiều. “Tôi phải dùng từ “đau lòng” khi thấy DN mất hàng ngàn giờ để đóng thuế và họ bị gây phiền phức” - ông Olin Mcgil bày tỏ.
Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia về hải quan, cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay trong lĩnh vực này là 34% hàng hóa XNK phải qua kiểm tra của bộ chuyên ngành. Thậm chí, có nhóm hàng chịu sự quản lý của 2-3 bộ, 2-3 cơ quan của 1 bộ nên thủ tục không có cách nào làm nhanh. “Nghị quyết 19 của Chính phủ có câu rất tâm đắc là “cải cách toàn diện quản lý chuyên ngành theo thông lệ quốc tế và chủ yếu là hậu kiểm”. Đây sẽ là lối thoát cho DN” - ông Bình hy vọng.
Đại diện một DN được mời tham gia ý kiến cho rằng cần phải sửa đổi Luật Canh tranh vì nhiều nội dung không phù hợp, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa DN nhà nước và DNTN. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận xét: “Không chỉ Luật Cạnh tranh cần khẩn cấp sửa đổi mà còn nhiều luật khác. Tôi đề nghị phải có một cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập chứ không phải thuộc Bộ Công Thương như hiện nay vì bộ này đang chủ quản nhiều DN nhà nước quy mô lớn, có nguy cơ độc quyền cao thì sẽ khó công tâm”.
Theo ông Lộc, để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, mỗi tháng 1 lần, VCCI sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và 3 tháng 1 lần trước Chính phủ về tình hình kinh doanh, môi trường kinh doanh của DN. “Chúng tôi mong muốn cứ 6 tháng phải rà soát sửa luật gây cản trở đến sản xuất kinh doanh. Không thể để tồn tại những điều phi lý trong văn bản pháp luật mà cả 5 năm mới sửa 1 lần, không chỉ DN mà chính cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải “xài” một cách miễn cưỡng. Nhà nước không thể ôm đồm quá nhiều việc mà cần sự tham gia các hiệp hội DN. Tôi rất tâm đắc câu nói của chuyên gia quốc tế “đơn giản, sự thanh thoát là sức mạnh” - ông Lộc nhìn nhận.
Sửa luật, mở đường cải cách thể chế
Trước những ý kiến băn khoăn về các luật hiện nay còn nhiều vướng mắc, cản trở hoạt động của DN, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết: “Chúng tôi nhận thức rằng cần thay đổi tư duy làm luật hiện nay. Các luật vẫn nặng về “dễ cho nhà quản lý, nặng để DN chịu”, chưa thật sự sẻ chia cùng DN, vì vậy nhiều luật sẽ điều chỉnh theo hướng ngược lại”. Theo ông Bảo, việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các luật là nền tảng quan trọng cho cải cách thể chế.
Theo Người lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo