Phân tích

Biển Đông là “mặt tiền” của quốc gia

“Biển Đông đối với nước ta quan trọng như cá nhân có nhà mặt tiền ở vị trí đường Đồng Khởi tại TPHCM hay đường Tràng Tiền - Hà Nội” - đó là ví von thú vị của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch.

 

Việt Nam có 38 luồng đường biển, 49 cảng biển và 166 bến cảng, hơn 702 cơ sở đóng sửa tàu thuyền… là một trong những điều kiện để Việt Nam tiến lên từ biển và làm giàu từ biển. Biển Đông được xem là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển với hơn 11.000 loài và là một trong 20 vùng biển có nguồn lợi hải sản cao nhất toàn cầu. Hiện Việt Nam có 5/7 khu vực du lịch biển trọng điểm, 3/13 di sản thế giới và 6/8 khu dự trữ sinh quyển, 3/4 khu du lịch tổng hợp và 10/17 khu du lịch chuyên đề. Khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển được thiết lập, với 15 khu kinh tế được thành lập, tổng diện tích 662 nghìn ha; có 104 KCN, với diện tích tự nhiên 29 nghìn ha…. 

 

Với tiềm năng lớn nêu trên, đại biểu Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM - cho biết:  “Đây là một lợi thế của phát triển kinh tế Việt Nam mà tôi đánh giá nó như “nhà có cái mặt tiền”. Theo phân tích của đại biểu Trần Du Lịch, biển Đông đối với nước ta quan trọng như cá nhân có nhà mặt tiền ở vị trí đường Đồng Khởi (TP HCM) hay đường Tràng Tiền (Hà Nội).

 

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương của TP.HCM cho rằng: “500 năm về trước, Trạng Trình đã từ căn dặn hậu thế: “Biển Đông ngàn dặm dang tay giữ”. Ông Đương đề xuất: “…để dang tay giữ ngàn dặm biển Đông thì thời gian tới cần bớt đầu tư công trên bộ để dành nguồn lực tăng cường đầu tư cho phát triển kinh tế biển. Nên thành lập Bộ Kinh tế biển trên cơ sở tách một phần chức năng của Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn để có một bộ chuyên tâm tham mưu cho Chính phủ quản lý nhà nước về phát triển kinh tế biển đảo” - TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho biết: “Tôi là người đề xuất việc thành lập, Bộ Kinh tế biển tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014. Biển không chỉ đóng vai trò là ngành kinh tế chủ đạo, với khoảng 28 địa phương ven biển và giáp biển, mà biển còn đóng vai trò then chốt về chính trị, an ninh quốc phòng. Nhưng hiện nay về mặt quản lý nhà nước đang bị phân tán, manh mún” .

 

Còn theo TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - thì việc thành lập bộ kinh tế biển là vô cùng cần thiết, giúp tạo ra được sự đột phá trong phát triển kinh tế đất nước. Hiện cấu trúc các ngành nghề kinh tế trên biển chưa định hình rõ, phải lập đề án hết sức chi tiết để thành lập bộ này và đưa các thế mạnh kinh tế của VN vào đây. Chẳng hạn, dầu khí là một ngành kinh tế lớn, hoạt động chủ yếu trên biển - hiện trực thuộc Bộ Công Thương, tới đây sẽ phải đưa về Bộ Kinh tế biển để đảm nhiệm chức năng quản lý ngành. Bộ NNPTNT quản lý thủy hải sản. Thế mạnh đánh bắt thủy hải sản với những đội tàu lớn, đánh bắt xa bờ, chuyển về Bộ Kinh tế biển để thúc đẩy đầu tư, phát triển. Có thể thấy là khi thành lập bộ này rồi thì những thế mạnh của Việt Nam từ biển sẽ có được chiến lược đầu tư bài bản và đúng hướng, tăng được giá trị gia tăng từ biển, đồng thời đạt mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn lãnh thổ.

 

Giải đáp về điều mà dư luận băn khoăn thời điểm nào thành lập Bộ Kinh tế biển? Liệu khi thành lập bộ này có “phình biên chế”?, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch phân tích rằng: “Nhiệm kỳ mới (sau 2016) tổ chức lại các cơ quan bộ và ngang bộ thì nên tính toán lại để làm sao có được Bộ Kinh tế biển. “Bớt bộ nào cũng được, nhưng phải có bộ này. Đây cũng là thế mạnh của ta. Do đó, ta phải có một bộ máy quản lý mạnh” - đại biểu Trần Du Lịch lý giải.

Theo báo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo