Biên soạn sách giáo khoa: Bộ GDĐT không buông
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã khẳng định như vậy tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 27-9.
Phiên họp thảo luận về dự thảo tờ trình của Chính phủ về thực hiện đổi mới chương trình - SGK phổ thông.
Cuộc đua không cân sức
Dự thảo tờ trình nhấn mạnh chủ trương thực hiện chương trình nhiều SGK, trong đó chỉ có chương trình là mang tính pháp lý, SGK là một tài liệu quan trọng nhưng không có tính pháp lý. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức biên soạn một bộ SGK, đồng thời tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK khác.
Về điều này, ông Luận giải thích: “Việc bộ biên soạn một bộ SGK không ảnh hưởng tới việc các tổ chức, cá nhân khác muốn tham gia, vì về nguyên tắc bộ SGK đáp ứng tiêu chuẩn, được thẩm định đều được khuyến khích phát hành”.
Có ý kiến về việc này, bà Nguyễn Thị Doan - phó chủ tịch nước - đưa ra một giả thiết khiến nhiều người suy nghĩ: “Bộ GD-ĐT cũng tham gia viết sách, nếu như các trường học không chọn bộ SGK của bộ mà chọn của các tổ chức, cá nhân khác thì bao nhiêu tiền của Nhà nước đổ vào việc biên soạn bộ SGK này sẽ tính thế nào?”
Câu hỏi của bà Doan chạm đến vấn đề “không công bằng” trong cuộc cạnh tranh viết SGK, khi Bộ GD-ĐT có tiền Nhà nước để làm, còn các tổ chức, cá nhân phải tự lo kinh phí, kèm theo đó là nhiều yếu tố khác có thể khiến các tổ chức, cá nhân e ngại việc tham gia cuộc đua không cân sức ngay từ đầu này.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thẳng thắn cho rằng Bộ GD-ĐT không đứng ra biên soạn SGK mà chỉ thẩm định để chọn ra một bộ chuẩn để dạy học, các bộ khác là sách tham khảo. “Nhiều bộ thì giáo viên, học sinh phải mua nhiều, tham khảo nhiều, con nhà nghèo lấy đâu ra tiền để mua” - ông Phúc nói.
Ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, cũng lo ngại: “Không cẩn thận thì cặp sách của học sinh sẽ nặng lên nhiều, nặng lên do mang nhiều bộ SGK. Người dân sẽ hoang mang, không biết ngoài SGK của bộ thì còn thêm bao nhiêu bộ sách nữa”.
Đứng về phía quan điểm của Bộ GD-ĐT, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng bộ cũng có thể là một chủ thể viết SGK vì họ có nhiều kinh nghiệm trong việc này. Việc Bộ GD-ĐT tham gia sẽ đảm bảo tính chủ động của việc thực hiện chương trình - SGK mới.
“Việc chọn lựa các bộ SGK sẽ do hội đồng thẩm định độc lập nên không sợ mất khách quan. Kể cả các bộ SGK thuộc khoa học xã hội và nhân văn, có ý kiến cho rằng cần để Nhà nước biên soạn mới yên tâm, tôi thấy không cần thiết. Vì cuối cùng, chỉ bộ sách đạt yêu cầu mới được thẩm định” - ông Lưu bày tỏ quan điểm.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ban đầu Chính phủ đưa ra hai phương án, trong đó có phương án Bộ GD-ĐT không tham gia viết SGK mà chỉ biên soạn chương trình. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng nếu Bộ GD-ĐT không làm SGK thì tính chủ động không có. Tới thời điểm cần thực hiện mà không có bộ SGK nào đạt chuẩn thì làm sao? Vì thế đa số ý kiến đề xuất chỉ nên trình ra Quốc hội một phương án là Bộ GD-ĐT cùng tham gia biên soạn SGK.
Từ 34.000 tỉ đồng xuống còn gần 800 tỉ đồng, nhưng có thể phát sinh
Bà TÒNG THỊ PHÓNG (phó chủ tịch Quốc hội): Xã hội hóa việc biên soạn SGK Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí cần ban hành nghị quyết đổi mới chương trình - SGK phổ thông, nhất trí với các mục tiêu đổi mới SGK phổ thông thể hiện trong dự thảo tờ trình của Chính phủ, nhất trí cơ cấu giáo dục bao gồm hai giai đoạn giáo dục cơ bản (chín năm) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (ba năm), nhất trí định hướng dạy học tích hợp và phân hóa ở bậc học cao hơn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí xã hội hóa việc biên soạn SGK. Nhưng dự thảo phải xác định rõ hơn trách nhiệm, vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT trong việc thẩm định, cho phép sử dụng SGK. |
Theo dự thảo tờ trình, một khoản kinh phí dự kiến khoảng 462 tỉ đồng sẽ được chi để:
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình - SGK (bao gồm cả lực lượng biên soạn SGK của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn SGK);
- Xây dựng, thẩm định chương trình;
- Biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới;
- Thẩm định SGK;
- Nghiên cứu mô hình SGK điện tử để từng bước biên soạn, thực nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện;
- Biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình - SGK mới...
“Kinh phí này chưa bao gồm kinh phí đào tạo lại đội ngũ giáo viên cũng như hỗ trợ địa phương thực hiện chương trình - SGK mới” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Cũng theo ông Luận, cần thêm 316,8 tỉ đồng để biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, cung cấp kinh phí tập huấn cho địa phương ghi hình bài giảng phát trên mạng, hỗ trợ tập huấn giáo viên vùng khó khăn...
Như vậy, tổng cộng hai khoản kinh phí là 778,8 tỉ đồng, trong đó 504,4 tỉ đồng là ngân sách trung ương, 274,4 tỉ đồng từ ngân sách địa phương.
Nhưng ông Luận cũng cho biết “có thể sẽ còn có phát sinh thêm”.
Nhận xét về mức kinh phí vừa được đưa ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi có nên đưa vào nghị quyết gần 800 tỉ đồng không hay chỉ phân ra từng hạng mục để Chính phủ duyệt.
“Chốt gần 800 tỉ đồng, sau này khi thực hiện thành 1.500-2.000 tỉ đồng thì tính sao? Từ 34.000 tỉ đồng nói trước đây xuống còn 800 tỉ đồng, tôi sợ quá!” - ông Hùng nói.
Lộ trình đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông
* Từ năm 2015 đến tháng 6-2017: Chuẩn bị các điều kiện để xây dựng chương trình và SGK mới; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình mới; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK, đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác; tổ chức thẩm định, phê duyệt SGK; biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình - SGK; xây dựng chương trình phát thanh và truyền hình quốc gia về đổi mới giáo dục phổ thông...
* Từ tháng 7-2017 đến tháng 6-2018: Xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình - SGK mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt SGK; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình - SGK; thực hiện bán đấu giá bản quyền một bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn.
* Từ tháng 7-2018 đến tháng 12-2021: Triển khai áp dụng chương trình mới; tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình - SGK mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt SGK; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình - SGK; đánh giá, điều chỉnh, ban hành văn bản chương trình mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo