Biệt thự triệu đô: Bỏ hoang đến bao giờ?
Biệt thự triệu đô bỏ hoang nhiều năm nay dù cơ quan chức năng Hà Nội luôn yêu cầu xử lý dứt điểm. Dường như đang có sự bất lực trước hiện tượng này.
Biết nhưng không làm được
Ông Mai Xuân Vinh, Cục trưởng Cục quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội) cho biết: “Trước đây Hà Nội đề xuất đánh thuế và thu phí người sở hữu từ 2 biệt thự bỏ hoang trở lên để tránh đầu cơ, tăng ngân sách cho nhà nước. Tuy nhiên, việc xử lý rất khó vì văn bản luật chưa có. Hơn nữa, sở hữu biệt thự bỏ hoang liên quan đến Luật Dân sự. Cá nhân có quyền sử dụng hay không sử dụng biệt thự đó”.
Theo ông Vinh, dù có Luật Thuế sử dụng thuế đất phi nông nghiệp, nhưng mức thuế thấp (0,03%) không làm chủ nhân của biệt thự bỏ hoang “sợ”.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, do không bị đánh thuế nhà nên dân đầu cơ mặc sức “găm biệt thự bỏ hoang” và chờ giá lên mới bán. “Cơ quan quản lý nhà nước đều biết mà không có biện pháp ngăn chặn”, ông Võ nói.
Tuy nhiên, theo Luật sư Công Thắng (VP Luật sư Công Thắng và cộng sự) phân tích: Theo Luật Hình sự, đầu cơ là một tội, khi hành vi thương mại trở thành hành vi thu gom, găm giữ hàng hóa, gây ra tình trạng khan hiếm giả tạo để trục lợi. Cho nên chống đầu cơ phải dựa vào Luật Hình sự, không phải chỉ dựa vào Luật Thuế.
Bỏ hoang đến bao giờ?
Góp phần bỏ hoang các khu biệt thự phải kể đến dự án khu biệt thự Lideco (huyện Hoài Đức, Hà Nội), do Cty Cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư. Được đưa vào sử dụng từ năm 2011, đến nay khu biệt thự vẫn trong cảnh hoang vu.
Tại các khu đô thị như: Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội), Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội), Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội), Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội)..., biệt thự xây thô có giá từ 10-15 tỷ đồng, không bóng dáng người ở, nằm phơi mưa phơi nắng nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó TGĐ Tổng Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, tỷ lệ người về ở thực tại các biệt thự trong khu đô thị chỉ chiếm 10 - 20% số người sở hữu. Còn lại cho thuê dưới nhiều hình thức và bỏ hoang. “Dân đầu cơ nhảy vào mua biệt thự thời sốt đất. Nay, thị trường BĐS xuống dốc, họ mắc kẹt vì có bán sẽ bị lỗ nặng”, ông Minh nói.
Còn ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường), nói; “Hiện, chúng ta có nhiều biện pháp siết hạn chế chủ đầu tư xây dựng thô rồi bỏ hoang, nhưng những gì tồn tại trước đó vẫn chưa có cách giải quyết. Cơ quan quản lý nhà nước nên sớm hoàn thiện luật thuế để triệt tiêu biệt thự bỏ hoang”.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo