Góc nhìn

Bỏ con dấu là cởi trói cho doanh nghiệp

Nhiều nước phát triển đã loại bỏ con dấu vì dễ làm giả và không an toàn.

 “Hiện nay chỉ còn bảy quốc gia quy định việc đóng dấu của doanh nghiệp (DN) mang tính bắt buộc nhằm xác định chữ ký và tư cách pháp lý của DN đó. Nhưng có đến 171 quốc gia khác con dấu chỉ thể hiện ý nghĩa là dấu hiệu, biểu trưng cho một DN. Vì vậy bỏ con dấu là cởi bỏ xiềng xích cho DN”. Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, nhấn mạnh tại Hội thảo “Con dấu doanh nghiệp và những thay đổi cần thiết” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức vào ngày 9-10.

Bệnh nghiện con dấu
 
Luật sư Cao Bá Khoát, Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và cộng sự, kể không ít lần công ty ông đã gặp nhiều rắc rối liên quan con dấu. Có trường hợp con dấu bị lấy đi, công ty không làm ăn gì được. “Con dấu như ngọc tỉ của vua, ai chưa nắm được con dấu coi như chưa nắm được quyền, nghị quyết không đóng dấu, họp đại hội cổ đông không có con dấu thì không thi hành được. Ngay như vụ án Huyền Như, làm giả đến tám con dấu để làm chứng từ giả…” - luật sư Khoát dẫn chứng.
 
Việc để DN tự thiết kế con dấu cũng giống như việc tự in hóa đơn VAT là một bước cải cách trong xu thế phát triển. Ảnh: HTD
 
Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng luật sư NH Quang và cộng sự, cho biết có những vụ tranh chấp con dấu kéo dài ba năm khiến DN khốn khổ. “Con dấu đã hạn chế nhiều khả năng kinh doanh của DN trong những giao dịch không nằm ở trụ sở chính. Vì vậy nhiều thương vụ làm ăn phải đến trụ sở để giao dịch. Điều này gây tốn kém chi phí không ít cho DN vì phải di chuyển con dấu từ chỗ nọ đến chỗ kia” - ông Quang đưa ra ví dụ.
 
Giữ con dấu là lối tư duy cũ
 
 Ông Jean Michel, chuyên gia khu vực tài chính, nhóm quản trị công ty của Ngân hàng Thế giới (WB), cũng cho biết nhiều nước phát triển đã loại bỏ con dấu. Lý do là con dấu không còn an toàn và dễ làm giả. “Con dấu đã được thay thế bằng chữ ký điện tử. Hiện nay một số luật giao dịch thương mại điện tử, Luật Chữ ký điện tử thừa nhận việc scan chữ ký, đưa vào hợp đồng. Công nghệ sinh trắc học cũng đảm bảo an toàn hơn, dùng máy scan để scan chữ ký vào” - ông Jean nêu thực tế ở các nước.
 
“Con dấu chỉ là một dấu hiệu nhận dạng DN. Để DN tự quyết định con dấu là một bước tiến quan trọng trong dự luật Luật DN lần này thể hiện sự thay đổi trong tư duy để bỏ bệnh nghiện con dấu” - luật sư Khoát nhấn mạnh. Đồng tình, luật sư Quang cho rằng con dấu không có vai trò trong thời đại giao dịch điện tử ngày nay. “Duy trì con dấu là duy trì một lề lối tư duy cũ. DN nên được quyền tự quyết định sử dụng con dấu. Vì vậy chuyển việc khắc dấu DN sang cơ quan đăng ký kinh doanh, còn Bộ Công an chỉ duy trì, quản lý con dấu của cơ quan nhà nước” - luật sư Quang đưa ra ý kiến.
 
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết hiện có 20 đạo luật, văn bản quy định dùng con dấu, đây là một sức cản lớn trong cải cách.
 
Bỏ con dấu là một bước cải cách lớn
 
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho hay Thủ tướng đã yêu cầu chuyển con dấu DN từ bắt buộc sang hướng DN được tự khắc dấu nếu thấy cần thiết và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. “Đó là một cải cách lớn không phải trong nghiệp vụ mà là thay đổi về tư duy. Chính vì vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thể hiện ý tưởng cải cách này trong dự thảo Luật DN sửa đổi mới đây” - ông Cung nói.
 
“Việc DN tự thiết kế con dấu cũng giống việc tự in hóa đơn VAT. Ban đầu, cũng có nhiều ý kiến lo ngại việc tự in hóa đơn, sau đấy mọi chuyện trở nên bình thường. DN tự in hóa đơn ngày càng nhiều. Quá trình thay đổi con dấu cũng sẽ như vậy” - ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nói thêm.
 
Ông Jean Michel khuyến nghị Việt Nam cần rà soát những quy định, luật nào đòi con dấu để sửa đổi theo hướng để DN tự chọn. Đồng thời, Việt Nam cần một hệ thống chữ ký điện tử hiện đại. “Con dấu từng là hoạt động không thể tách rời trong hoạt động của công ty trước đây nhưng ngày nay có rất nhiều công cụ để thay thế, nếu Việt Nam không thay đổi thì sẽ mất nhiều cơ hội kinh doanh. Vì vậy cần có khung pháp lý đón đầu. DN không nên tốn thời gian vào việc không còn mấy ý nghĩa này nữa. Những nước cha đẻ của con dấu cũng đã bỏ rồi” - ông Jean nhắn nhủ.
 

Một khảo sát nhanh mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về việc có nên bỏ con dấu hay không thì có đến 52% số DN đồng ý bỏ con dấu, 30% đề nghị cho DN khắc dấu và tự đăng ký với cơ quan nhà nước, còn lại đề nghị giữ nguyên. 

Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo