Bỏ hoang đất vàng, dự án tháp BIDV Diamond bị "tuýt còi"
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội vừa công bố kết luận thanh tra hàng loạt dự án vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện đang tiếp tục trình UBND thành phố chỉ đạo lập hồ sơ thu hồi đất đối với dự án xây dựng tháp BIDV Diamond của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại phường Dịch Vọng và phường Mỹ Đình 2.
Tháp BIDV Diamond nằm trên khu đất tại đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội với diện tích 3.344m2, tổng diện tích sàn 40.128m2 (không kể tầng hầm và tầng kỹ thuật), gồm 30 tầng nổi và 4 tầng hầm.
Theo thiết kế, tầng B4 - B1 là khu vực để xe máy và xe ô tô và tầng kỹ thuật; từ tầng 1 - 4 sử dụng làm văn phòng của BIDV, một phần sử dụng làm văn phòng cho thuê, cửa hàng; tầng 6 sử dụng làm phòng họp, trung tâm hội họp cho thuê; tầng 7 - 29 làm văn phòng cho thuê; tầng 30 là nhà ăn, quầy bar và vườn trên mái.
Dự án được thực hiện nhằm tạo diện tích văn phòng làm việc cho BIDV và phục vụ mục đích kinh doanh cho thuê... Chủ đầu tư dự án là Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam. Đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty Doul international LTD, architects & consultants và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị việt nam (VCC).
Trước đó, vào cuối năm 2002, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định thu hồi khu đất và giao cho BIDV Thăng Long thuê để triển khai dự án. Công trình được phê duyệt ban đầu cao 13 tầng, hệ số sử dụng đất 12 lần, mật độ xây dựng 40%. Sau các thủ tục, BIDV Thăng Long chính thức tiếp nhận bàn giao đất tại thực địa vào tháng 11/2003. Sau đó BIDV Thăng Long vẫn không có động thái triển khai dự án dù đã nhiền lần nhận được văn bản nhắc nhở của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội.
Gần 4 năm sau, tháng 8/2007, BIDV lại có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch và Kiến trúc điều chỉnh mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất tại khu vực này. Cụ thể: “Tăng chiều cao của công trình từ 13 tầng lên 30 tầng, diện tích sàn xây dựng khoảng 50.000m2, hệ số sử dụng đất khoảng 15 lần, mật độ xây dựng khoảng 50 - 55%”.
Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng vẫn không được BIDV Thăng Long tiến hành. Tiếp đó vào năm 2011, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có Kết luận Thanh tra yêu cầu BIDV Thăng Long tập trung hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư xây dựng để nhanh chóng đưa đất vào sử dụng trước ngày 30/5/2011. Nếu quá thời hạn trên mà BIDV Thăng Long chưa đưa đất vào sử dụng thì đề nghị UBND thành phố Hà Nội ra quyết định thu hồi đất để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của thành phố quản lý.
Ngày 2/6/2011, UBND thành phố Hà Nội có quyết định điều chỉnh người sử dụng đất thay đổi từ Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam sang Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; thời hạn sử dụng đất từ 30 năm sang giao đất thu tiền sử dụng đất với thời hạn 50 năm kể từ ngày 16/2/2011.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại khu đất "vàng" này vẫn tiếp tục bị BIDV cho nằm "đắp chiếu" gây nhiều lãng phí về quỹ đất cho thành phố. Đây là lý do khiến Sở Tài nguyên và Môi trường trình đề nghị UBND thành phố thu hồi dự án.
Ngoài dự án BIDV Diamond, vào thời điểm năm 2007 BIDV cũng gây xôn xao dư luận khi công bố kế hoạch triển khai Dự án BIDV Hồ Chí Minh Tower tọa lạc tại giao lộ Nguyễn Huệ và Tôn Thất Thiệp, Quận 1. Tổng thể dự án là một tòa nhà 40 tầng cao và 4 tầng hầm với chiều cao 152m.
Đây là một trong số các dự án hiếm hoi tại trung tâm TPHCM với mặt bằng sạch và tọa lạc tại vị trí "vàng" mà nhiều nhà đầu tư thèm khát. Điều đáng nói là, giống như dự án BIDV Diamond, khu đất vàng tháp BIDV tại trung tâm Sài Gòn hiện cũng trong tình trạng bị bỏ hoang quá lâu, không chỉ gây lãng phí về quỹ đất mà còn mang lại nhiều tiếc nuối cho giới đầu tư.
End of content
Không có tin nào tiếp theo