Bộ Tài chính cấp 7,2 tỷ đồng bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn
Sáng nay, Cục trưởng Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Bốn xác nhận các thủ tục chi trả tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Thanh Chấn - người bị kết án oan suốt 10 năm - đã hoàn tất. Tuy nhiên trao đổi với VnExpress, ông Chấn và người thân cho hay gia đình họ chưa nhận được tiền hay thông báo về kế hoạch chi trả bồi thường.
Bất ngờ khi được thông báo về câu trả lời này, Cục trưởng Nguyễn Văn Bốn cho hay theo báo cáo thì Bộ Tài chính "đã cấp tiền bồi thường" cho tòa án. "Vì sao tiền chưa đến tay ông Chấn, Bộ Tư pháp sẽ xem còn vướng mắc ở khâu nào?", Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước nói trong cuộc họp báo sáng nay tại Bộ Tư pháp.
Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cũng xác nhận thông tin Bộ Tài chính "đã cấp tiền". Theo ông Dũng, năm 2015 có gần 100 vụ việc bồi thường được thụ lý, trong số này hơn 40 vụ đã được giải quyết. Tổng tiền nhà nước chi trả trong các quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là hơn 16 tỷ đồng.
Ngoài ra, TAND các cấp đã thụ lý 21 vụ kiện dân sự về bồi thường nhà nước do người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết của cơ quan có trách nhiệm. Trong số này, ngành tòa án đã giải quyết xong 14 vụ việc với số tiền bồi thường hơn 26 tỷ đồng.
Trả lời VnExpress, Cục trưởng Bốn cho hay số vụ việc giải quyết được năm nay so với năm ngoái thấp hơn dù đầu việc ngang nhau. Nguyên nhân chủ quan do nhận thức của một số bộ phận công chức lãnh đạo trung ương, địa phương mới ở "mức độ nhất định", "chưa quan tâm đúng mức". Đội ngũ công chức tham mưu giải quyết bồi thường không có người chuyên trách, chủ yếu kiêm nhiệm.
Nguyên nhân nữa là tính chất một số vụ việc bồi thường rất phức tạp liên quan nhiều đơn vị, số tiền đòi bồi thường rất lớn. Vì thế, việc giải quyết thương lượng, xác minh mất nhiều thời gian.
Bộ Tài chính cấp 7,2 tỷ đồng bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn
"Ông Chấn vướng lao lý từ tháng 8/2003 khi Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang cho rằng ông là thủ phạm giết cô hàng xóm Nguyễn Thị Hoan tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên. Qua các cấp xét xử, tòa án xác định ông phạm tội giết người, tuyên án tù chung thân. Trong 10 năm ngồi tù, ông liên tục kêu oan và có lúc tìm cách quyên sinh nhưng được các phạm nhân khác phát hiện kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông, cũng ròng rã "gõ cửa" nhiều cơ quan công quyền kêu oan cho ông Chấn. Tháng 7/2013, trong đơn gửi VKSND Tối cao, bà cho hay đã tự xác minh được thủ phạm là Lý Nguyễn Chung. Xem xét đơn, Cục điều tra VKSND Tối cao đã vào cuộc.
Ngày 4/11/2013, ông Chấn được tạm tha về nhà sau 10 năm bị bắt. Hai hôm sau, TAND Tối cao trong phiên tái thẩm đã hủy hai bản án kết tội ông Chấn giết người. Vụ án được điều tra lại. Sau đó, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, nhận đã giết chị Hoan để cướp 2 chiếc nhẫn cùng 59.000 đồng.
Trước việc ông Chấn tố cáo nhóm cán bộ điều tra ép cung, dùng nhục hình, VKSND Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Nhật Luật (nguyên thượng tá, phó công an huyện Việt Yên, Bắc Giang) và ông Đặng Thế Vinh (nguyên trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi Cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Ông Phạm Tuấn Chiêm (65 tuổi), cựu thẩm phán Toà phúc thẩm TAND Tối cao, chủ tọa phiên phúc thẩm bác đơn kêu oan của ông Chấn, cũng bị điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tháng 3 vừa qua, ông Chấn chính thức “sạch tội” khi hai bản án dân sự tuyên buộc ông phải có trách nhiệm bồi thường, cấp dưỡng cho con chị Hoan, được huỷ. Cuối tháng 5, sau 10 tháng thương lượng, TAND Tối cao đạt được thoả thuận bồi thường 7,2 tỷ đồng trong khoảng 9,3 tỷ đồng ông yêu cầu."
Bảo Hà-Việt Dũng/Vnexpress
End of content
Không có tin nào tiếp theo