Bộ Tài chính lên tiếng việc 'bác' đề nghị lùi thời hạn tăng phí các trạm BOT
Theo Bộ Tài chính, vừa qua, đề xuất của Bộ Giao thông vận tải lùi thời hạn tăng phí đối với một số trạm thu phí BOT không được Bộ Tài chính chấp thuận đã gây nên nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận.
Giải thích rõ hơn về việc này, Bộ Tài chính cho biết, ngày 30/12/2015, Bộ này đã nhận được công văn của Bộ Giao thông vận tải đề nghị lùi thời hạn điều chỉnh mức thu phí hoàn vốn của 23 Dự án BOT (có lộ trình tăng phí kể từ ngày 01/01/2016) đến ngày 01/6/2016 (lùi thời gian thực hiện 5 tháng).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính thấy rằng đề nghị của Bộ Giao thông vận tải chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cam kết với Nhà đầu tư trong Hợp đồng BOT Nhà nước đã ký và không thể ban hành Thông tư lùi thời hạn ngay được từ ngày 01/01/2016 vì phải thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Mặt khác, hiện cả nước có 53 trạm thu phí, nhưng Bộ Giao thông vận tải chỉ đề nghị lùi thời gian điều chỉnh tăng mức thu phí 5 tháng của 23 trạm, trong khi đó vẫn tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thu phí hoàn vốn 7 Dự án sắp hoàn thành, với mức thu bằng 3,5 lần mức thu cơ bản.
Do đó, Bộ Tài chính đã có công văn số 19683/BTC-CST ngày 31/12/2015 đề nghị Bộ Giao thông vận tải đánh giá tổng thể tình hình thu phí các dự án: Mức thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn, tác động đến hoạt động kinh doanh vận tải, khả năng đóng góp của người dân,...
Đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách cần phân tích tác động trước mắt và lâu dài, đảm bảo tính phù hợp của chính sách; đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Ngoài ra, việc đề xuất thời điểm áp dụng cần tính đến thời gian cho việc thực hiện điều chỉnh văn bản, theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cũng như thời gian để các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục (công khai mức thu phí; thời gian áp dụng; in, phát hành vé thu phí,...) trước khi triển khai áp dụng chính sách mới.
Bộ Tài chính cũng khẳng định những nội dung đề nghị Bộ Giao thông vận tải nêu trên nhằm đánh giá toàn diện chính sách để đảm bảo công bằng giữa các Nhà đầu tư, tôn trọng cam kết với Nhà đầu tư, ổn định tâm lý của Nhà đầu tư và môi trường đầu tư ở Việt Nam, tuân thủ đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó, bên lề hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ GTVT chiều ngày 4/1, trả lời PV xung quanh việc Bộ Tài chính từ chối đề xuất lùi thời hạn tăng phí các trạm BOT có lộ trình tăng từ 1/1/2016, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, Bộ Tài chính cũng có cái lý của mình khi đưa ra quyết định trên.
"Tất cả phương án thu phí qua trạm BOT đã được làm với nhà đầu tư từ khi ký kết hợp đồng xây dựng dự án, nếu lùi thời hạn tăng sẽ phá vỡ phương án tài chính của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình thu hồi nợ của các ngân hàng. Cũng vì vậy, trong công văn kiến nghị, Bộ GTVT đề xuất, căn cứ vào từng dự án cụ thể mà các nhà đầu tư đàm phán với ngân hàng để có lộ trình tăng giảm phù hợp", lãnh đạo ngành GTVT cho hay.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, về việc kiến nghị lùi thời hạn thu phí, sau khi cân đối, Bộ GTVT thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế mấy năm qua khá ổn định, đặc biệt là giá xăng dầu giảm nên chi phí vận tải cũng giảm. Tăng giá vé qua các trạm BOT trong bối cảnh vừa có một chút kết quả về kinh tế sẽ tạo sức ép ảo cho người dân dù thực chất việc tăng này là hợp lý.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng khẳng định các trạm nằm trong lộ trình tăng phí vẫn tăng bình thường. Việc tăng là cần thiết và hợp lý nhưng tăng như thế nào để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay thì phải cân nhắc 3 điều kiện: việc hoàn vốn của nhà đầu tư, sức chịu đựng của người dân và tốc độ phát triển của nền kinh tế.
Để giảm áp lực cho các doanh nghiệp vận tải, hiện Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục tính toán việc mua lại một số trạm thu phí như Bắc Thăng Long - Nội Bài, quốc lộ 5. Các nước trên thế giới cũng đều có cách làm tương tự, nghĩa là kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng giao thông, thu phí trạm BOT hoàn vốn, khi Nhà nước có đủ tài chính sẽ mua lại các trạm này. Tuy nhiên, thời điểm nào mua thì còn phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo