Phân tích

Bộ Tài chính: Ngân sách vẫn tăng dù giảm mạnh thuế TTĐB với ôtô

(DNVN) - Theo ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe phân khối nhỏ không làm giảm thu ngân sách, thậm chí thu được nhiều hơn nếu giảm thuế mà lượng xe bán ra tăng mạnh.

Tại buổi họp báo chuyên đề Bộ Tài chính hôm 20/10, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế đã trả lời báo chí xung quanh vấn đề thuế TTĐB đối với ô tô.

Ông Thi cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để khuyến khích phát triển dòng xe ô tô thân thiện môi trường; khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển thị trường, tăng mức đầu tư để có khả năng cạnh tranh khi hội nhập (2018 thuế nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ  trở xuống giảm về mức 0%) về mức thuế suất thuế TTĐB định hướng: “Điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ hơn quy định tại Luật thuế TTĐB hiện hành, có tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực".

Ảnh minh họa.

Theo đó, cơ quan Nhà nước dự kiến sẽ giảm mức thuế suất thuế TTĐB đối với dòng xe ưu tiên phát triển. Đồng thời, áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ có dung tích trên 3,0 lít tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn và các chủng loại xe đến 9 chỗ có giá trị tuyệt đối lớn.

Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Tài chính, từ ngày 1/7/2016, dòng xe trên 6.000 phân khối sẽ có thuế tiêu thụ đặc biệt lên 150%, tăng 90% so với hiện nay. Dòng xe có dung tích 3.000-4.000 phân khối cũng sẽ áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 90%, thay vì mức 60% như hiện nay… Còn đối với thuế nhập ô tô từ 9 chỗ trở xuống sẽ về 0% theo các cam kết của Việt Nam khi hội nhập.

Đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống, loại xe có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống từ ngày 1/7/2016 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành), từ ngày 1/1/2018 áp dụng thuế suất 30% và từ ngày 1/1/2019 áp dụng thuế suất 20% (giảm 25% so với hiện hành). Loại có dung tích xi lanh trên 1.000 cm3 đến 1.500 cm3, tới ngày 1/1/2019 áp dụng thuế suất 25%, giảm 20% so với hiện hành.

Đối với loại dung tích xi lanh trên 2.000 cm3 đến 2.500 cm3, giữ thuế suất 50% so với hiện hành. Riêng các loại dung tích xi lanh từ trên 2.500 cm3 trở lên áp mức thuế suất từ 60% đến 150% (tăng từ 10% đến 150% so với hiện hành).

Ông Thi cho biết, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tham khảo quy định của các nước trong ASEAN và đề xuất sửa đổi thuế suất thuế TTĐB như đã báo cáo.

 

Lãnh đạo Vụ Chính sách thuế cho biết: "Với đề xuất sửa đổi như trên, cùng với giảm thuế nhập khẩu, mức thuế suất giảm nhiều hơn sẽ góp phần giảm giá xe, thúc đẩy thị trường và giúp người dân có thu nhập khá, trung bình khá mua được xe ô tô, tăng dung lượng thị trường đối với các dòng xe nhỏ đạt mức yêu cầu để đầu tư, sản xuất tại Việt Nam".

"Vì vậy mặc dù sẽ có thể giảm thu NSNN nhất định trong những năm đầu đi vào thực hiện Luật nhưng việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế TTĐB đối với những dòng xe nhỏ hơn sẽ buộc một số nhà sản xuất phải lựa chọn đầu tư tiếp tục sản xuất, lắp ráp lâu dài tại Việt Nam, từ đó đem lại khả năng đầu tư, sản xuất trong nước từ công nghiệp phụ trợ đến sản xuất động cơ mà không dừng ở mức độ lắp ráp như hiện nay. Bên cạnh đó, tăng sản lượng xe sẽ tăng tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ liên quan như xăng, dầu, phụ kiện ô tô,... qua đó tăng thu NSN", vẫn lời lãnh đạo Vụ Chính sách thuế.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo