Góc nhìn

Bỏ tiền tỷ cho cán bộ sang nước ngoài học điện hạt nhân kiểu cưỡi ngựa xem hoa

"Cán bộ được cử đi học 2 tuần bên nước này, 3 tuần sang nước kia. Bộ GD&ĐT còn gửi mấy chục giáo sư của 5 trường ĐH sang nước ngoài đi học về để đào tạo nhân lực trong nước, với 6 tuần qua đọc mục lục không còn chưa hết, chưa hiểu chứ nói gì đến học? Mỗi chuyến đi như thế này mất 27 tỉ đồng mà không hiệu quả trong khi đó vẫn nói là Việt Nam không có tiền!"

Lãnh đạo Tập đoàn Sông Đà làm việc với Công ty NIAEP (tại TP. Nyznhinovgorod, Liên bang Nga)

TS Lê Văn Hồng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam đồng tình với lo ngại của GS.TS Trần Đại Phúc trong việc cử cán bộ sang nước ngoài học về năng lượng nguyên tử nhưng theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa".

Không hiệu quả nên không tham gia tiếp
 
GS.TS Trần Đại Phúc, chuyên gia tư vấn Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tại Ninh Thuận đã bày tỏ sự thất vọng, xót xa khi thấy tiền vẫn mất mà việc đào tạo nhân lực cho ĐHN lại chưa thể yên tâm.
 
TS Phúc cho biết: ông từng khuyên Việt Nam phải tuyển cả ngàn cán bộ cả ở EVN, bộ KH&CN và các Viện đào tạo triệt để dài hạn trong nước 2 năm liên tục, sau đó tùy theo cán bộ nào muốn học chuyên ngành sâu rồi mới cử sang Nga, Mỹ hay Nhật học tay nghề chuyên của họ 2-3 năm nữa nhưng không ai làm.
 
Giống như Trung Quốc khi mua công nghệ điện hạt nhân của Pháp họ qua đó ăn ở dầm dề tại nhà máy điện hạt nhân thì mới mong học cách làm của họ.
 
"Còn cách học của mình thì cứ cử cán bộ đi học 2 tuần bên nước này, 3 tuần sang nước kia. Bộ GD&ĐT còn gửi mấy chục giáo sư của 5 trường đại học sang nước ngoài đi học về để đào tạo nhân lực trong nước, với 6 tuần qua đọc mục lục không còn chưa hết, chưa hiểu chứ nói gì đến học? Mỗi chuyến đi như thế này mất 27 tỉ đồng mà không hiệu quả trong khi đó vẫn nói là Việt Nam không có tiền!", GS Phúc tiếc nuối.
 
Với cách đào tạo kiểu đó, GS Phúc e ngại hạ tầng cơ sở của Việt Nam rất khó đáp ứng yêu cầu cao của nhà máy ĐHN. "Nếu có thì trong nước chỉ có thể đảm nhiệm đổ bê tông cho hàng rào, hay sàn nhà trong khu vực nhà máy chứ còn lò phản ứng thì chắc chắn là không thể", GS Phúc khẳng định.
 
Cùng quan điểm và chia sẻ về những lo ngại này của GS Phúc, TS Lê Văn Hồng nói về việc Bộ GD&ĐT Việt Nam từng tổ chức các đoàn cán bộ sang Hungary nâng cao kiến thức năng lượng nguyên tử.
 
Theo đó mỗi đợt có mấy chục cán bộ đi theo đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” của Chính phủ. Với thời gian khoảng 6 tuần, các cán bộ, giảng viên Việt Nam sẽ được học lý thuyết chuyên sâu tại Viện Kỹ thuật nguyên tử thuộc Trường ĐH Bách khoa Budapest, tập huấn thực hành tại nhà máy điện nguyên tử Paks.
 
Trong số các đoàn đi này, Viện từng cử cán bộ tham gia khi được mời nhưng  Đoàn đi có nhiều người phản ánh không hiệu quả, chương trình nhiều mà người đi thì hầu như chưa biết gì về điện hạt nhân, thời gian nghe thì chắc chắn bập bõm.
 
"Khi đó Viện cũng cử đi vài người tham gia nhưng về phản ánh thấy chương trình không ổn. Sau đó Bộ GD&ĐT có thông báo sang nhưng thấy mất thì giờ, không hiệu quả nên không tham gia nữa", TS Hồng cho biết.
 
Cho rằng không biết số tiền chi cho việc đào tạo của mỗi chuyến đi là bao nhiêu, nhưng TS Hồng biết rõ cán bộ đi được học những gì. Đó chính là những kiến thức cơ bản lý thuyết về năng lượng nguyên tử.
 
"Chúng tôi cũng đã nhiều lần nói kiến thức cơ bản nên dạy ở nhà trước một cách kỹ càng, nghe bằng tiếng Việt rất rõ. Đối tượng đi 6 tuần, lại còn nghe bằng tiếng nước ngoài bập bõm, chắc chắn không tiếp thu được nhiều", ông Hồng nói thẳng.
 
Trách nhiệm người 'cầm cân nảy mực'
 
TS Hồng cho biết, việc tổ chức cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài về phần kinh phí được Thủ tướng duyệt theo Đề án: "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”.
 
Đề án được duyệt từ năm 2010 trong đó nguồn kinh phí này được Bộ GD&ĐT đứng ra làm đầu mối. Ngoài việc đào tạo ngắn hạn còn đào tạo cho sinh viên lâu dài. Theo đó kinh phí được phê duyệt là 3.000 tỉ đồng.
 
"Tình hình vừa qua bên Bộ Khoa học và Công nghệ cũng bức xúc nhưng cũng chỉ là đơn vị được đưa ra ý kiến thôi. Hiện Bộ GD&ĐT chủ trì, Bộ KH&CN đã có ý kiến góp ý nên đào tạo trong nước những kiến thức cơ bản. Cán bộ sang nước ngoài phải nắm được cơ bản rồi và chỉ học ở họ cái họ có mà mình không có nhưng không biết việc điều chỉnh thực hiện đến đâu", TS Hồng cho biết.
 
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, việc đưa nhân lực ra nước ngoài bồi dưỡng, học tập sẽ bao gồm cả kỹ sư, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật, nhưng trước mắt sẽ ưu tiên những cán bộ hiện đang giảng dạy tại các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực điện hạt nhân tại các cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực lĩnh vực này.
 
Bộ trưởng cũng hy vọng sẽ cử tăng thêm cả về số lượng và cơ cấu ngành nghề, các bậc học những cán bộ, giảng viên sang Hungary học tập, bồi dưỡng. Đồng thời đề nghị phía Hungary chủ động có những đề xuất, góp ý giúp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, lĩnh vực còn rất mới mẻ đối với Việt Nam.
 
Hiện Việt Nam có 7 cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực hạt nhân, trong đó có 3 cơ sở đã hợp tác với Mỹ, Nga và Nhật Bản. Bộ GD-ĐT mong muốn 4 cơ sở còn lại sẽ nhận được sự hợp tác từ Hungary.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo