Bộ trưởng Tài chính lý giải chuyện nợ công tăng nhanh
Theo báo cáo của Chính phủ, cuối năm 2015, tỷ lệ nợ công so với GDP tương đương 62,2%, nợ của Chính phủ ở mức 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1%GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 14,9% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Đáng chú ý, riêng quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ đến cuối năm này đã tăng 6,5 lần so với 14 năm trước, trong đó tỷ lệ nợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tăng 20,3 lần, Ngân hàng Thế giới (WB) tăng 11,5 lần…
Trước những con số nợ mà Chính phủ trình lên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề, vì sao nợ công thực tế tăng khi Luật quản lý nợ công có hiệu lực từ năm 2009. “Nợ công tăng nhanh là do luật sơ hở hay thực thi luật chưa nghiêm? Chính phủ có khẳng định, bằng luật này quy trình giám sát ODA sẽ hoàn toàn yên tâm?”, bà Nga đặt câu hỏi.
Giải trình, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận “nợ công tăng nhanh trước hết do công tác điều hành”. Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 5 năm vừa qua, kinh tế của chúng ta tăng trưởng chỉ đạt 5,9% trong khi mục tiêu ban đầu đặt ở mức cao 7%. Tuy vậy, chúng ta vẫn đảm bảo các chỉ tiêu khác đã đề ra như an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ... khiến bội chi ở mức cao trong thời gian dài. Theo Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) cũ, chúng ta còn phát hành TPCP thêm 330.000 tỷ đồng, nên tổng số vay giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 1,4 triệu tỷ đồng, khiến nợ công tăng nhanh.
Bên cạnh đó, giá trị GDP mấy năm gần đây đều thấp hơn nhiều so với dự báo, trong khi điều hành cân đối ngân sách đều theo dự toán đặt ra. Ví dụ, năm 2016, chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng là 6,7%, thực tế chỉ đạt 6,21%. Giá trị GDP làm mẫu số để tính các chỉ số nợ công, bội chi là 5,1 triệu tỷ đồng, thực tế chỉ đạt 4,5 triệu tỷ đồng. Do đó, các chỉ số đi theo như tỷ lệ nợ công, bội chi tăng vọt do tử số đạt kế hoạch nhưng mẫu số thấp hơn.
“Nợ công tăng nhanh là thực tế khách quan, khi chúng ta quyết chi theo nhu cầu trong khi tăng trưởng kinh tế thì chỉ có vậy. Đã bàn về nợ công, phải nhìn tổng thể về nền kinh tế, về khả năng của nền kinh tế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Một bất cập nữa trong điều hành được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề cập là trong giai đoạn 2011 - 2013, chúng ta huy động vốn nhiều kỳ hạn quá ngắn, từ 1 - 3 năm, trong khi lãi suất quá cao, có khoản 11% - 13%/năm. Do đó, nghĩa vụ trả nợ dồn vào các năm 2015 - 2017. Tuy nhiên vừa qua, tình trạng này đã được cơ cấu lại, đặc biệt là TPCP trong nước. 91% TPCP phát hành có thời gian từ 5 năm trở lên, bình quân là 8,6 - 8,7 năm, đưa danh mục TPCP cuối năm 2016 lên 5,8 năm, lãi suất còn trên dưới 6%. Đây là thành công lớn để giảm áp lực trả nợ, giảm chi phí vay.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhìn nhận trong điều hành, sự phối hợp của các cấp, chưa được ăn ý. Ví dụ như giải ngân ODA theo dự toán thường thấp, nhưng thực tế thực hiện lại cao khiến công tác cân đối rất vất vả. “Rõ ràng là quá bất cập, vay cứ vay, chia cứ chia, trả nợ cứ trả, làm sao quản lý được. Dự toán chỉ 17.000 - 20.000 tỷ đồng, còn giải ngân đến 50.000 tỷ đồng thì làm sao bội chi không cao?”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo