Bộ trưởng Xây dựng: Cần chấm dứt tình trạng các dự án hoạt động theo mùa
“Bên cạnh các kết quả đạt được trong quá trình đầu tư xây dựng, lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, yếu kém, như tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Chất lượng một số công trình xây dựng chưa cao, chưa an toàn. Cùng với đó, tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn xảy ra".
Đó là thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại Hội thảo về các dự thảo Nghị định Hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng 2014 diễn ra ngày 3/10 tại Hà Nội.
Quản lý chặt nguồn vốn Nhà nước
Luật Xây dựng năm 2014 đã được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 7 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Hiện, 6 nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã được Bộ Xây dựng soạn thảo, gồm các Nghị định về: Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Quy hoạch xây dựng, Quản lý chất lượng công trình xây dựng, Quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Hợp đồng xây dựng, Xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, một trong những thay đổi quan trọng của Luật Xây dựng năm 2014 là quản lý chặt chẽ hơn việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản. Theo đó, mô hình quản lý dự án đầu tư xây dựng được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hóa; áp dụng các mô hình chuyên nghiệp theo chuyên ngành hoặc theo khu vực để quản lý các dự án có sử dụng vốn Nhà nước; chấm dứt tình trạng các ban quản lý dự án hoạt động theo mùa.
“Những năm qua, bên cạnh các kết quả đạt được trong quá trình đầu tư xây dựng, lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, yếu kém, như tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Chất lượng một số công trình xây dựng chưa cao, chưa an toàn. Cùng với đó, tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn xảy ra. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng cũng diễn ra nhiều mà chưa có giải pháp để xử lý triệt để, đặc biệt tại các đô thị lớn. Tất cả những hạn chế nêu trên đều làm giảm hiệu quả đầu tư xây dựng, gây bức xúc trong xã hội.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tư tưởng thị trường hóa, đánh đồng các nguồn vốn khác nhau nhưng phương thức quản lý giống nhau. Từ đó, tình trạng vốn ngoài Nhà nước thì trách nhiệm vô hạn của các nhà đầu tư; còn vốn Nhà nước thì thực hiện theo chế độ ủy quyền chủ đầu tư làm nhiệm vụ quản lý. Vì thế, việc quản lý đầu tư cần phải có sự quản lý chéo một cách chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Quản lý chồng chéo, bất cập
Theo Bộ trưởng, sự bất cập, thiếu đồng bộ, chồng chéo giữa các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng gây khó khăn cho quản lý. Không những thế, chất lượng công tác quy hoạch còn hạn chế, dẫn đến đầu tư thiếu đồng bộ, không chỉ tạo áp lực về giao thông, môi trường, chất lượng cuộc sống người dân mà còn giảm hiệu quả đầu tư và khai thác công trình sau đầu tư.
“Cứ có quy hoạch là cấp đất, đầu tư mà không cân đối khả năng nguồn lực thực hiện. Biểu hiện dễ thấy nhất là bất động sản đã phát triển thiếu kế hoạch nên có tình trạng đóng băng, nhiều dự án dở dang, hoặc làm xong không có người mua”, Bộ trưởng dẫn chứng.
Bộ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế về năng lực, tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý của các chủ thể liên quan đến đầu tư xây dựng. Biểu hiện ở tất cả các Sở xây dựng, giao thông... cần phải cơ cấu lại để nâng cao chất lượng quản lý đầu tư. Đặc biệt là có tình trạng các ban quản lý đã được phân nhỏ quản lý từng công trình, dẫn đến ban quản lý này vừa nhỏ, nhân lực yếu, nhưng sau khi xong công trình lại giải tán, gây khó khăn trong quản lý khi vận hành, bảo trì...
Với những hạn chế trên, Bộ trưởng khẳng định, các dự thảo Nghị định này được tiến hành trên cơ sở đổi mới về nhận thức, tư duy trong quản lý lĩnh vực đầu tư xây dựng; bảo đảm công khai, minh bạch và đơn giản về quy trình, thủ tục thực hiện; làm rõ và tăng cường vai trò và trách nhiệm quản lý của Nhà nước. Vì vậy, mục tiêu đổi mới quản lý, hiệu quả đầu tư xây dựng là cấp thiết.
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo