Bộ trưởng Xây dựng: gói 30.000 tỷ tránh lợi dụng để trục lợi và gây thất thoát
“Muốn giải ngân gói 30.000 tỷ thứ nhất là phải tăng cung nhà ở xã hội, vì nếu không có nhiều nhà ở xã hội, dưới 70m2 và giá dưới 15tr/m2, thì không thể giải ngân được nhiều. Và chắc chắn không thể giải ngân được cho những đối tượng không được cho phép theo quy định của gói tín dụng này. Quan điểm là gói tín dụng này phải sử dụng đúng đối tượng, tránh lợi dụng để trục lợi và gây thất thoát”.
Đây là phát biểu của Bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại Hội thảo về Nhà ở Xã hội ở Việt Nam bài học từ kinh nghiệm quốc tế” do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 12/3 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Để cải thiện được vấn đề nhà ở hiện nay là một điều rất khó trong khi giá nhà ở hiện nay mặc dù có những sự hỗ trợ nhưng còn rất cao so với thu nhập của người lao động bằng chính sức lao động của mình. Cho nên, để cải thiện nhà ở cho họ rất cần sự vào cuộc và hỗ trợ của nhà nước và xã hội, của quốc tế”.
Để cụ thể hóa chiến lược nhà ở, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã tập trung để thực hiện hóa bằng những hành động rất cụ thể, trong đó có nghị định 188 đã tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng để huy động các nguồn lực phát triển nhà ở xã hội và quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân, chủ thể tham gia phát triển nhà ở xã hôi, cũng như những người được hưởng chính sách tiếp cận với nhà ở xã hội.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu quan tâm đến các vấn đề tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS hiện nay, Bộ trưởng Dũng giải thích: “Do thị trường BĐS còn đang khó khăn, Bộ Xây dựng cũng đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, nhưng quan trọng nhất là giải pháp phải gắn tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS với chiến lược nhà ở quốc gia, để sản phẩm BĐS tạo ra phải đến với người dân. Như vậy, BĐS tạo ra phải phù hợp với nhiều đối tượng, cả người giàu và người nghèo, để mọi người tiếp cận được với nhà ở và cải thiện nhà ở.
Cùng với đó, Chính phủ đã có chính sách hết sức ưu đãi đó là dành gói tín dụng để hỗ trợ cho người dân vay với lãi suất thấp nhưng mà đó là những người khó khăn về nhà ở, thu nhập trung bình và thấp không có điều kiện tiếp cận với nhà ở theo cơ chế thị trường.
“Gói này không phải là để cứu BĐS, mà gói này ở ngân hàng, và ngân hàng có trách nhiệm giải quyết. Bộ Xây dựng cùng với ngân hàng đang tích cực đề ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, để giải ngân nhanh.
Trong đó, thứ nhất là phải tăng cung nhà ở xã hội, vì nếu không có nhiều nhà ở xã hội, dưới 70m2 và giá dưới 15tr/m2, thì không thể giải ngân được nhiều. Và chắc chắn không thể giải ngân được cho những đối tượng không được cho phép theo quy định của gói tín dụng này. Quan điểm là gói tín dụng này phải sử dụng đúng đối tượng, tránh lợi dụng để trục lợi và gây thất thoát”, lãnh đạo Bộ Xây dựng giải thích thêm.
Vấn đề thứ 2 là là tiếp tục rà soát những thủ tục không cần thiết, làm cản trở, hạn chế tiếp cận của người dân với gói tín dụng này. Đặc biệt, Bộ đã cùng Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT, NHNN để ký 1 Thông tư liên tịch là thế chấp nhà ở, tài sản người dân mua để được vay gói tín dụng này. Như vậy, nó sẽ mở ra hướng tốt. Cùng với đó, tiếp tục rà soát tiếp và làm hết sức mình để gói tín dụng này đến với người dân và đúng đối tượng để người dân được cải thiện nhà ở.
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo