Bộ Xây Dựng: Sẽ đưa mô hình tiết kiệm nhà ở vào Luật nhà ở
“Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn mô hình tiết kiệm nhà ở hứa hẹn sẽ tạo ra một kênh huy động vốn chuyên biệt, góp phần quan trọng trong việc giải bài toán nguồn vốn đầu tư cho phát triển nhà ở đang khá bức thiết ở Việt Nam hiện nay”.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Trần Nam về mô hình tiết kiệm nhà ở tại Hội thảo Mô hình tiết kiệm nhà ở CHLB Đức và kinh nghiệm cho Việt Nam do Bộ Xây dựng và Ngân hàng tiết kiệm nhà ở Bausparkasse Schwäbisch Hall, CHLB Đức phối hợp tổ chức sáng 6/12, tại Hà Nội.
Tại hội thảo Bộ Xây Dựng cho biết hiện còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội, với tổng diện tích lên tới 150 triệu m2, tương đương nguồn vốn đầu tư khoảng từ 300.000 - 400.000 tỷ đồng.
Để đáp ứng được nhu cầu nhà ở khổng lồ trên Bộ Xây Dựng cho rằng, mô hình tiết kiệm nhà ở sẽ là một phương pháp hiệu quả mà Việt Nam cần phải học tập và áp dụng trong tương lai. “Việc áp dụng mô hình của Ngân hàng tiết kiệm nhà ở Bausparkasse Schwäbisch Hall sẽ tạo ra sự khuyến khích tới mỗi người dân trong việc có trách nhiệm hơn không chỉ với mục tiêu xóa đói giảm nghèo mà còn hiện thực hóa giấc mơ sở hữu ngôi nhà như mong muốn”, Thứ trưởng Nam cho biết.
Về nguyên lý hoạt động của mô hình tiết kiệm nhà ở, các chuyên gia Ngân hàng tiết kiệm nhà ở Bausparkasse Schwäbisch Hall phân tích: mô hình tiết kiệm nhà về bản chất là một hình thức huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân. Người dân cùng tham gia hỗ trợ giúp nhau xây dựng nhà ở thông qua việc gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Nguồn tiền này sẽ cho những người có nhu cầu mua hoặc sửa chữa nhà ở vay với lãi suất thấp. Và từ nguồn vốn vay lãi suất thấp này sẽ cho người có nhu cầu về nhà ở từ chính một phần nguồn tiền tiết kiệm của mình.
Ở góc độ thị trường, các chuyên gia bất động sản nhận định, mô hình tiết kiệm nhà ở có thể giúp Chính phủ giải quyết được vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp đồng thời góp phần kiểm soát hoạt động đầu cơ trên thị trường nhà ở dựa vào nguồn vốn tín dụng.
Đây được đánh giá là một mô hình có hiệu quả và phù hợp với tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng của Việt Nam hiện nay. Vì vậy, đại diện Bộ Xây dựng cho biết sẽ đưa mô hình này thành một điều khoản trong Luật nhà ở vào năm 2014.
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo