Góc nhìn

Bức xúc luật rừng trong… rừng luật Việt Nam

Theo GS Nguyễn Đăng Dung, việc có những văn bản “trên trời” là nhiều khi người ta làm luật chỉ để chiều ý cấp trên, chứ không vì đa số dân chúng.
Đến tôi còn bức xúc nữa là!
 
- Khi đọc được những thông tin về các loại văn bản mà khi ban hành bị cho là xa rời thực tế, thậm chí vô cảm như quy định giấy phép vận chuyển trứng chỉ có hiệu lực trong một ngày ở Lào Cai, hay dự thảo quy định nơi bán bia không được vượt quá 30 độ C của Bộ Công Thương... ông thấy thế nào?
 
Việc có những văn bản xa rời thực tế đang là vấn đề nóng bỏng, gây nhức nhối hiện nay, dù đã có những hội thảo, hội nghị tổng kết, đánh giá tình hình này nhưng nó vẫn không hề thuyên giảm.
 
Với quy định kiểu giấy phép vận chuyển trứng chỉ có hiệu lực trong một ngày, tôi biết Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Thú y lên Lào Cai để kiểm tra thông tin. Quy định như thế không chỉ khiến những chủ trang trại mà đến tôi còn bức xúc nữa là.
 
- Nhưng hình như, khi đưa ra những văn bản quy định như thế, người ta cũng xuất phát từ mục đích tốt là bảo vệ sức khoẻ nhân dân?
 
Tôi cũng có nhận thấy điều đó.
 
- Theo ông, vì sao người ta có mục đích, động cơ tốt song lại không thể chuyển hóa vào trong những văn bản mang tính thuyết phục?
Là bởi họ không cân bằng được giữa trạng thái nôn nóng, vội vàng, muốn cho ra hiệu quả tức thì với việc phải cân nhắc thấu đáo trước khi ra quyết định. Văn bản quy phạm pháp luật phải được tính toán cẩn trọng. Tiếc là ở ta chưa làm được.
 
GS Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật học, Đại học Quốc gia Hà Nội.
 
Đừng có đổ hết cho năng lực
 
- Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta có những văn bản bị cho là “trên trời” như thế. Thử “bắt bệnh” cho nó, theo ông là do đâu?
 
Dễ dàng nhận thấy rằng việc ban hành văn bản ở ta không bắt nguồn từ thực tiễn. Cái xưa nay chúng ta vẫn nói là đưa pháp luật vào cuộc sống chỉ đúng một phần. Bây giờ phải là đưa cuộc sống vào pháp luật, nhưng ta vẫn giữ tư duy cũ thành thử các văn bản pháp luật xưa nay không có hiệu lực thực thi hoặc kém hiệu lực.
 
- Thú thực, đôi khi đọc những văn bản đó, tôi tự hỏi: Không hiểu người ta nghĩ cái gì mà quy định như thế?
 
Sẽ có nhiều người đặt câu hỏi đó. Nó có vấn đề về trình độ, năng lực. Nhưng nó cũng có lý do mang tính hệ thống mà chúng ta không nên chỉ chăm chăm trách bản thân người ra quyết định. 
 
Ông đang biện hộ cho những người ra văn bản “trên trời” dù chính ông cũng thấy bức xúc với những văn bản đấy?
 
Không phải, mà đó là thực tế. Ở ta hiện nay, bản thân người quản lý ra quyết định còn phải hướng về phía trên, giữa người dân và cấp trên thì họ chiều cấp trên hơn vì họ ăn lương từ cấp trên, ngồi ở vị trí đó là do cấp trên chứ không phải từ lá phiếu của người dân. Thậm chí, nếu làm đúng ý chí của dân thì họ mất chức, mất lương vì nhiều khi ý chí của trên nhưng cũng là ý chí của con người, chiều được người nọ thì lại mất lòng người kia. Do vậy, đừng có đổ hết cho năng lực!
 
- Nghĩa là, những người ra văn bản “trên trời” cũng cần được thông cảm?
 
(Cười) Đó là sự thật mà. Họ cũng có cái khó khi đưa ra quyết định chứ. Dĩ nhiên, cũng tùy từng văn bản nhưng đúng là đang tồn tại thực tế như vậy.
 
Không thể lu loa “đã lấy ý kiến”, nếu…
 
- Ông đánh giá thế nào về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở ta hiện nay?
 
Tôi rất đồng ý với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng như Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khi đánh giá rằng, ở ta có cả một rừng luật nhưng hành xử lại áp dụng luật rừng. Đó là câu ví von rất hay và cũng cực chuẩn. 
 
Hiện nay, vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi như có nên gọi là văn bản quy phạm pháp luật hay bỏ chữ quy phạm đi. Chúng ta phân biệt như thế hóa ra chúng ta chỉ chú trọng khâu văn bản chứa đựng quy phạm còn những văn bản là nghị quyết, quyết định, chỉ thị của một người đứng đầu hành pháp lại không ban hành đúng quy trình, trong khi đáng ra quy trình chuẩn phải áp dụng cho mọi văn bản.
 
- Vậy thế nào mới là quy trình chuẩn trong ban hành văn bản?
 
Nó tùy từng mức độ và từng loại văn bản. Nhưng tựu trung lại, trước hết cần căn cứ xem cơ quan ra văn bản đó là gì. Nếu là Quốc hội thì phải có biểu quyết đa số, muốn vậy phải tranh luận. Nhưng trước đó, để đưa ra một dự thảo luật thì cần những người làm công tác chuyên môn soạn thảo, không được duy cảm, duy lý. 
 
Còn với cơ quan hành pháp, việc ban hành ra các quyết định là quyền của anh nhưng phải đúng luật. Muốn vậy, trước hết phải đúng thẩm quyền, thứ hai là đúng quy trình mà một trong những quy trình là khi ban hành quyết định liên quan đến quyền lợi của một nhóm xã hội nào đó thì phải hỏi ý kiến của họ như thế nào. Người Pháp có câu “Quyền của tôi phải được bảo vệ”, người Anh và Mỹ có câu “Phải lắng nghe phía bên kia”. Những cái như thế tiếc là chúng ta không có.
 
- Sao ông lại bảo không có, vì người ta vẫn lấy ý kiến góp ý cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật rồi đấy chứ?
 
Đúng là người ta có lấy ý kiến góp ý cho các dự thảo, thông thường là trên các website. Vậy nhưng, nên nhớ, thứ nhất không phải ai cũng có điều kiện sử dụng internet. Thứ hai, ngay với bản thân tôi có khi còn phải lăn lộn, vướng bận nhiều thứ trong cuộc sống cũng chẳng biết đến cái việc lấy ý kiến ấy. Thứ nữa, khi những văn bản ấy chưa động chạm đến quyền lợi của người ta thì họ chẳng quan tâm đâu.
 
- Thế thì còn trách gì được những người ra văn bản nữa, vì họ sẽ bảo “chúng tôi đã lấy ý kiến rồi đấy, quý vị không góp ý thì khi ban hành quyết định, quý vị đừng kêu ca”!
 
Không thể mang cái lý do đó ra để nại được. Anh không thể tung một cái dự thảo dài ngoằng ra để bắt người dân phải đọc rồi cho ý kiến. Không phải cứ tung dự thảo lên mạng rồi lu loa “chúng tôi đã lấy ý kiến rồi đấy” là xong đâu.
 
- Vậy theo ông, làm gì để đưa ra được những văn bản khiến người dân tâm phục khẩu phục?
 
Muốn vậy, với những dự thảo luật dài tới hàng trăm trang, người soạn thảo nên làm bản tóm lược những ý chính để người ta tiện theo dõi, góp ý. Còn với những dự thảo văn bản hành chính có tác động trực tiếp tới quyền lợi của người dân thì cần phải trực tiếp hỏi ý kiến của họ thông qua những buổi tiếp xúc. Biết là như thế sẽ làm khó nhà quản lý, nhưng đó là việc buộc phải làm để tránh những văn bản “trên trời”.
 
- Tôi e sẽ là chưa đủ nếu chính bản thân những người làm công tác điều hành, quản lý cũng phải bớt vô cảm?
 
Dĩ nhiên rồi. Bản thân họ cũng cần phải học để hiểu về quyền hạn, trách nhiệm của mình, nâng cao năng lực, trình độ thì mới đưa ra văn bản có tính khả thi. Ngoài ra, họ cũng cần nhận thức được rằng mình phải công tâm, vì dân. Muốn vậy thì việc tuyển chọn, bầu cử phải hoàn toàn từ lá phiếu của nhân dân.
 
- Trân trọng cảm ơn ông!
 

 

“Luật phải là công lý, là bình đẳng, bác ái. Gần đây, người ta có khái niệm kiểu chúng tôi đã làm đúng quy trình (dù có gây oan sai hay chết người). Không có nhà nước pháp quyền nào làm đúng pháp luật mà chết người cả. Nếu không thì không thể cho là làm đúng được, họ chỉ bao biện thôi”. 
GS Nguyễn Đăng Dung
Theo Kiến thức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo