Góc nhìn

Bùng nổ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp: Nguy cơ từ làm chủ chuyển sang làm thuê

Dựa vào tình hình thực tiễn của nền kinh tế cũng như tiến trình hội nhập kinh tế thế giới không ít nhận định cho rằng, năm 2015 sẽ bùng nổ về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp với những thương vụ tầm cỡ. Tuy nhiên, nguy cơ DN Việt bị áp đảo và lép vế trên sân nhà…

 Các tập đoàn bán lẻ liên tục đổ bộ vào Việt Nam. Ảnh: S. XANH

 
Bùng nổ mua bán, sáp nhập 
 
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế khẳng định, sắp tới đây sáp nhập là một quá trình chủ đạo trong tái cấu trúc nền kinh tế và năm 2015 chính là năm chiến lược của hoạt động này. Khởi điểm của hoạt động mua bán, sáp nhập chính là hàng loạt thương vụ được công bố chuyển nhượng trong năm 2014. Cụ thể, các ngành bán lẻ, tiêu dùng, năng lượng tiếp tục thu hút các nhà đầu tư. Theo thống kê, ngành bán lẻ đang chiếm 36%, tiêu dùng 21%, năng lượng 18%. Trong đó, thị trường Việt Nam lọt vào top 10 thị trường thu hút sự chú ý của các đại gia kinh doanh có tên tuổi từ Thái Lan, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật. Với ngành bán lẻ, năm 2014 thị trường đã chứng kiến thương vụ đình đám, gây bất ngờ nhất là Berli Jucker Pulic Co. Ldt mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam với toàn bộ 19 trung tâm phân phối cùng danh mục bất động sản liên quan với số tiền lên đến 875 triệu USD; Mondelè International đầu tư 370 triệu USD vào tập đoàn Kim Đô, tương đương 80% cổ phần; Massan mua 49% cổ phần của Cholimex.
 
Nhìn lại thị trường mua bán, sáp nhập cuối năm 2014, ông Phạm Văn Thinh, Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng: "Bước sang năm 2015 hoạt động này tiếp tục được đẩy lên cao. Trong đó thị trường tài chính, bất động sản, bán lẻ, tiêu dùng vẫn là những thị trường chủ đạo. Tuy nhiên do các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường Việt Nam với những thương vụ lớn đậm chất thị trường nên lĩnh vực bất động sản và bán lẻ vẫn là miếng bánh béo bở nhất”. Đối với thị trường bất động sản thì từ những thay đổi về chính sách có hiệu lực năm 2015 sẽ phần nào nới lỏng quy chế sở hữu nhà đối với người nước ngoài; công ty nước ngoài có quyền cho thuê lại hoặc mua toàn nhà đã xây dựng để sử dụng… Những đổi mới về chính sách đối với thị trường này đang mở ra cơ hội mua bán và sáp nhập mới cho nhà đầu tư nước ngoài. Dự báo, 2015 thị trường bán lẻ sẽ chứng kiến sự tham gia của nhiều đại gia kinh doanh các nước. Theo đó, Central Group (Thái Lan) sẽ tiến hành mua 49% cổ phần của Nguyễn Kim. Song song đó Central Group còn mở rộng thương hiệu bán lẻ Robins tại TP. Hà Nội và TP. HCM. Về lĩnh vực bán lẻ, Aeon (Nhật Bản) tiếp tục mở rộng ra Hà Nội trong năm 2015 sau thương vụ đầu tư vào chuỗi siêu thị Citimart. Kế hoạch đến năm 2020 Seon sẽ có khoảng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam.
 
Lép vế trên sân nhà
 
Năm 2015, Việt Nam thật sự hội nhập kinh tế thế giới với các hiệp định thương mại như: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại liên minh thuế quan… Tất cả hiệp định sẽ mang đến cho cộng đồng DN cơ hội kinh doanh thương mại lớn hơn bao giờ hết, đồng thời là cú hích cho xuất khẩu Việt Nam. Song bên cạnh cơ hội mới, thời cơ mới thì hàng loạt thách thức được đặt ra. 
 
Nhận định về quy mô, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam bày tỏ quan ngại: "Việt Nam có đến 96% là DN nhỏ và cực nhỏ, 4% DN tạm gọi là lớn. Rõ ràng có một sự mất cân bằng trong phát triển và hội nhập”. Không ít DN nêu quan điểm, DN dân doanh của Việt Nam vô cùng nhỏ cho nên khó tránh khỏi những khó khăn trong hội nhập. Tình trạng DN Thái Lan chiếm lĩnh chuỗi bán lẻ đã và đang cảnh báo cho DN Việt nói chung và sản phẩm Việt nói riêng. Vấn đề đặt ra, liệu hàng Việt có chỗ đứng trong chuỗi bán lẻ của các tập đoàn đa quốc gia hay không? Hàng Việt Nam không thể bán trong thị trường nội địa thì đừng nghĩ đến chuyện vươn xa vào thị trường các nước. "Hội nhập là nhu cầu phát triển tất yếu của các nền kinh tế. Thu hút vốn FDI phần nào đó đẩy mạnh nội lực kinh tế trong nước song nếu không tỉnh táo thì nền kinh tế Việt Nam rơi vào trong các đại gia nước ngoài”- đại diện một DN quan ngại.
 
Bàn về vấn đề hội nhập kinh tế tất cả DN nêu quan điểm: "Hội nhập hoàn toàn đúng nhưng cần những thông điệp định hướng rõ ràng. Đây chính là bài toán lớn mà cộng đồng DN đang cần lời giải”. Lấy ví dụ đối với ngành thép, Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, ngành thép trong nước chỉ có vài ba thương hiệu như Pomina, Hòa Phát, Hoa Sen. Tuy nhiên, nếu so sánh về vốn, quy mô, doanh thu của ba DN này cộng lại thì chẳng ăn nhập gì so với Formosa (Đài Loan) cũng như Posco (Hàn Quốc) đang đầu tư ở Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD… "Khoảng trống cơ hội còn lại cho những DN dẫn đầu trong mặt hàng thép ở Việt Nam không còn, vì vậy DN phải bán cổ phần cũng là điều dễ hiểu, giống như Nguyễn Kim phải bán cổ phần cho tỷ phú Thái Lan”- ông Vũ lo lắng. Ông Lê Phước Vũ cảnh báo, các DN FDI đang liên kết với nhau để điều hành ngành thép Việt Nam. Nếu Việt Nam không có thép Hòa Phát, thép Hoa Sen thì người dân Việt Nam phải mua thép với giá đắt đỏ.
 
Như vậy, trước hội nhập kinh tế cùng với sự thâm nhập của các DN FDI vào thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập, dự án đầu tư vô hình chung thu hẹp "đất sống” đối với DN trong nước, nếu không có đối sách thích hợp và mạnh mẽ.
 
Theo Đại đoàn kết
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo