Buồn cười... tên doanh nghiệp!
Những cái tên lạ
Tại triển lãm quốc tế về nhượng quyền thương mại (franchise) và cơ hội kinh doanh (IFBO) diễn ra hồi tháng trước ở TPHCM, gian hàng của Subway thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan vì đây là thương hiệu bánh mì kẹp thịt nổi tiếng của Mỹ, lần đầu nhượng quyền kinh doanh tại Việt Nam sau hơn ba năm có mặt.
Điều gây tò mò đối với nhiều vị khách là trên danh thiếp của những thành viên Subway Việt Nam, tên tiếng Việt của công ty là Công ty TNHH Đường Ngầm, một cái tên chẳng “ăn nhập” gì với sản phẩm và ngành nghề kinh doanh của Subway. Cô nhân viên giao dịch tại gian hàng phải giải thích chuyện này là do đáp ứng yêu cầu thủ tục pháp lý trong đăng ký kinh doanh.
Thật ra, nếu Subway tự thành lập công ty ở Việt Nam thì có thể sử dụng tên này mà không cần phải dịch qua tiếng Việt. Tuy nhiên, theo cam kết với WTO, phải đến tháng 1-2015, Việt Nam mới chính thức mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nhà hàng riêng lẻ mà không cần gắn với việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo hoặc mua lại khách sạn.
Công ty TNHH Đường Ngầm là do doanh nghiệp trong nước thành lập, và theo quy định, tên doanh nghiệp phải được đặt bằng tiếng Việt, tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch ra từ tên tiếng Việt. Để có được thương hiệu nhà hàng thức ăn nhanh nổi tiếng Subway, công ty được nhượng quyền tại Việt Nam buộc phải đặt tên tiếng Việt là... Đường Ngầm!
Cũng do quy định trên, không riêng gì Subway mà nhiều thương hiệu nổi tiếng nước ngoài khác khi vào thị trường Việt Nam cũng phải đặt tên tiếng Việt sao cho cuối cùng giữ được thương hiệu, dù nhiều khi cái tên không ăn nhập gì với ngành nghề hay sản phẩm/dịch vụ, thậm chí là rất buồn cười.
Chẳng hạn chuỗi nhà hàng café nydc (New York dessert cafe) của Singapore, để có được các chữ cái đúng như thương hiệu nydc, nhà kinh doanh phải thành lập Công ty cổ phần Nhà hàng Nam Yến Đại Cát (ghép các chữ cái đầu tiên của mỗi từ lại thành nydc).
Hay để có được tên Sunrider VN, (Sunrider là một thương hiệu của các sản phẩm chăm sóc da, thực phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng) nhà kinh doanh ở Việt Nam đã thành lập Công ty TNHH Thương mại quốc tế Vina Người Lái Xe Mặt Trời. Hay như một nhà hàng kiểu Pháp tại trung tâm quận 1, TPHCM, để có được cái tên Au Parc, nhà đầu tư đã cho ra đời Công ty TNHH Ăn uống Pha Ánh Ráng Chiều...
Tùy theo cách hiểu để quyết định?
Dù quy định liên quan đến đặt tên doanh nghiệp khá chi tiết, nhưng cơ quan quản lý ở các địa phương vẫn có những cách hiểu khác nhau, dẫn đến trường hợp một cái tên có thể được chấp nhận ở chỗ này nhưng không được chấp nhận ở chỗ khác. Ngay cả ở cùng một địa phương nhưng cách hiểu của các cơ quan quản lý cũng khác nhau.
Giả dụ một nhà đầu tư đăng ký thành lập doanh nghiệp tại TPHCM, muốn đặt tên cho doanh nghiệp là OEON, Orange hay PZT chẳng hạn, thì sẽ khó mà được chấp thuận (nếu đây không phải là tên khai sinh của người đăng ký kinh doanh), vì theo sở kế hoạch và đầu tư, tiếng Việt không có những từ như vậy.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp này đầu tư trong các khu chế xuất và khu công nghiệp của thành phố thì những tên gọi kiểu như trên là hoàn toàn có thể. Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (HEPZA) cho rằng theo văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp năm 2005, tên bằng tiếng Việt là tên được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt có thêm các chữ cái f, j, z, w, chữ số và ký hiệu, đồng thời phải phát âm được. Vì vậy, những cái tên như các ví dụ nêu trên sẽ được hiểu là các chữ cái cho phép được ghép lại chứ không được hiểu là tiếng nước ngoài, và chúng đều phát âm được!
Cũng cần lưu ý thêm rằng, nhà đầu tư có quyền đề nghị tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp, nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền chấp thuận hoặc từ chối với lý do rõ ràng, và đó là quyết định cuối cùng.
Theo một số cán bộ phòng đăng ký kinh doanh tại các địa phương, cho đến nay, lượng tên doanh nghiệp đăng ký gần như đã “lấp đầy” nên doanh nghiệp mới thành lập rất khó tìm tên. Trong khi đó, các quy định về đặt tên doanh nghiệp lại thiếu rõ ràng, càng làm khó cho doanh nghiệp và cả cơ quan cấp phép.
Các vấn đề như thuần phong mỹ tục, trùng tên, đặt theo tên danh nhân... vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, đặc biệt, vấn đề thuần phong mỹ tục lại tùy thuộc vào nhận thức của mỗi người.
Hay như quy định doanh nghiệp không được đặt tên tiếng nước ngoài mà không có tên tiếng Việt, có ý kiến cho rằng quy định thì như vậy nhưng lại cho phép các chữ cái z, f, j, w thì nhiều người ngầm hiểu với nhau đó không phải tiếng Việt. Tuy thông tư có hướng dẫn nhưng cũng mơ hồ khiến cơ quan đăng ký kinh doanh rất khó trả lời đúng, sai với doanh nghiệp.
Còn theo Tổ công tác và thi thành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, những quy định trong Luật Doanh nghiệp về đặt tên doanh nghiệp là khá rõ ràng và cụ thể. Đã xảy ra nhiều vướng mắc là do cán bộ ở khâu đăng ký kinh doanh tại một số địa phương chưa hiểu đúng hoặc hiểu một cách cứng nhắc, máy móc, dẫn đến nhiều trường hợp doanh nghiệp không thể đăng ký được để hoạt động kinh doanh.
Theo ý kiến của một số luật sư, mục đích tối hậu của nhà đầu tư trong việc đặt tên doanh nghiệp là cốt sao cho dễ nhớ, dễ in sâu vào tâm trí người tiêu dùng. Việc bắt buộc phải đặt tên tiếng Việt là quy định quá hình thức, cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Trong môi trường làm ăn ngày nay, ít có doanh nghiệp nào tự giới hạn thị trường của mình. Và cho dù ở ngay thị trường trong nước thì doanh nghiệp cũng có nhiều đối tác, khách hàng nước ngoài.
Các luật sư tin rằng chuyện đặt tên doanh nghiệp chẳng phải dễ dàng khi đằng sau cái tên đó là cả sứ mạng kinh doanh của nhà đầu tư. Hãy để cho họ được quyền đặt tên và có trách nhiệm với cái tên mà họ nghĩ ra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo