Cá tầm Việt Nam lao đao vì cá Tàu
Trang trại cá tầm ở hồ chứa Vĩnh Sơn C thuộc H.Kbang (Gia Lai) hoạt động từ giữa năm 2013, trong khuôn khổ dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi cá tầm thương phẩm”. Với hỗ trợ 2 tỉ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ của Gia Lai, Phòng Kinh tế - Hạ tầng H.Kbang đã chủ trì mô hình nuôi cá tầm thương phẩm này. Thêm 10 người nữa đã góp vốn với định mức 200 triệu đồng/người. Tổng số tiền đầu tư dự kiến trên dưới 5 tỉ đồng.
Hiện trọng lượng trung bình của đàn cá khoảng 5 - 6 kg/con, nhiều con nặng tới gần 10 kg. Theo tính toán, cá tầm thương phẩm sẽ được bán khi đạt trọng lượng 2 - 2,5 kg/con. Nhưng hiện đàn cá tầm này vẫn chưa có người mua. Anh Lê, người trông coi trang trại, cho biết: “20 lồng cá tầm với 9.000 con mỗi ngày ngốn khoảng 1,5 tạ thức ăn. Mỗi ki lô gam thức ăn giá 44.000 đồng, tính ra số tiền nuôi đàn cá là 6,5 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, thỉnh thoảng còn cho cá ăn thêm trùn quế”.
Khoảng 50 tấn cá tầm ngốn mỗi tháng 200 triệu tiền thức ăn đang là nỗi lo của những người bỏ vốn đầu tư vào mô hình này. Theo ông Võ Tấn Hưng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng H.Kbang, giá cá hiện nay là 250.000 đồng/kg nhưng không có người mua. Nếu tiếp tục nuôi cá để lấy trứng (giá trứng cá tầm có giá khoảng 25 triệu đồng/kg) thì đó lại là cả một vấn đề. Bởi, chế độ nuôi và kỹ thuật nuôi cá lấy trứng rất khắt khe.
Cá tầm nặng gần 10 kg vẫn chưa thể bán được. Ảnh: Trần Hiếu
Trong khi đó, H.Kon Plông (Kon Tum) với khu du lịch sinh thái Măng Đen có khí hậu thuận lợi, ví như Đà Lạt thứ hai của Tây nguyên, được đánh giá có điều kiện phù hợp cho nghề nuôi cá tầm, cá hồi phát triển. Thực tế, hàng ngàn con cá tầm được nuôi ở đây đã phát triển rất tốt.
Tỉnh Kon Tum xác định phấn đấu đến năm 2015, sản lượng cá tầm, cá hồi đạt khoảng 500 tấn, đến năm 2020 đạt khoảng 1.000 tấn và Kon Plông được chọn để quy hoạch phát triển hai loại cá cho giá trị cao này. Từ năm 2010, Công ty CP thủy sản Măng Đen với sự hỗ trợ của chuyên gia thủy sản của Ukraine đã tiến hành ấp trứng cá tầm, tỷ lệ nở đạt trên 80% đem lại niềm vui cho địa phương khi chủ động được con giống. Sau đó Công ty CP Hoàng Ngư cũng đầu tư nhiều tỉ đồng để nuôi cá tầm. 4 hợp tác xã nuôi cá tầm tại các xã Pờ Ê, xã Hiếu, Đăk Long, Măng Cành cũng thành lập.
Từ năm 2010, giá 1 kg cá tầm lên tới 500.000 - 600.000 đồng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, với sự xuất hiện của cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc, giá cá tầm lao dốc còn 250.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lãi không là bao, đầu ra sản phẩm gặp khó khăn nên mô hình nuôi cá tầm ở Kon Plông trở nên bấp bênh. 4 hợp tác xã nuôi gần 4.000 con cá tầm cuối cùng cũng chỉ có thể bán lẻ và sau đó không thể nuôi tiếp. Các công ty nuôi cá tầm phải hoạt động cầm chừng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo