Doanh nhân

Các công ty Mỹ tháo chạy khỏi Venezuela

Sự tháo chạy của các công ty Mỹ có thể sẽ khiến tình trạng thiếu thốn hàng hóa thiết yếu ở Venezuela trở nên tồi tệ hơn...

Hàng chục công ty Mỹ đã buộc phải bán tài sản, dừng hoặc giảm hoạt động ở Venezuela trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế, Fox News cho hay.

Chỉ trong vòng 3 tuần trở lại đây, hãng sản xuất đồ uống Coca-Cola tuyên bố dừng sản xuất ở Venezuela do thiếu đường làm nguyên liệu; hãng săm lốp Bridgestone quyết định bán toàn bộ tài sản ở Venezuela và “cuốn gói” khỏi nước này; trong khi công ty sản xuất hàng tiêu dùng Kimberly Clark nói đã giảm 90% hoạt động sản xuất tại Venezuela.

Theo một phân tích của tờ USA Today, ít nhất 35 công ty thuộc chỉ số Standards & Poor’s 500 của thị trường chứng khoán Phố Wall đã bày tỏ lo ngại về tình hình ở Venezuela trong vòng 2 tháng trở lại đây. Trong số này, nhiều công ty đã bàn chuyện rút hoạt động khỏi Venezuela.

Tổng thống Nicolas Maduro

Kể từ khi Tổng thống Nicolas Maduro (ảnh) lên cầm quyền ở Venezuela vào năm 2013, ít nhất 8 công ty đa quốc gia đã rút khỏi nước này, trong đó có 4 công ty Mỹ.

Sự tháo chạy của các công ty Mỹ có thể sẽ khiến tình trạng thiếu thốn hàng hóa thiết yếu ở Venezuela trở nên tồi tệ hơn.

Các công ty Mỹ rút khỏi Venezuela đều nói rằng họ gặp khó khăn do tình trạng siêulạm phát ở nước này. “Công ty không thể có được USD để nhập khẩu nguyên liệu suốt từ tháng 1. Khoảng 700 công nhân phải dừng việc. Chúng tôi không biết chúng tôi có thể tồn tại như thế này đến bao giờ”, ông Williams Bolivar, người đứng đầu tổ chức công đoàn của Kimberly-Clark ở Venezuela, cho biết.

Năm ngoái, Kimberly-Clark, công ty có trụ sở ở Texas, Mỹ, lỗ 460 triệu USD do vấn đề tỷ giá ở Venezuela. Khoản lỗ này khiến lợi nhuận toàn cầu của công ty giảm 4%, đồng thời ảnh hưởng xấu đến giá cổ phiếu công ty niêm yết ở thị trường Phố Wall.

Vì lý do này, Kimberly-Clark cùng nhiều hãng lớn khác như Procter & Gamble, Colgate, Ford, General Motors và Mondelez đã chọn cách loại Venezuela ra khỏi các thị trường toàn cầu nhằm tránh để kết quả kinh doanh chung bị ảnh hưởng.

Hãng sữa bột Mead Johnson cũng than phiền rằng Venezuela là thị trường khó khăn nhất của hãng và là nguyên nhân khiến tổng doanh thu của hãng giảm 6%.

Đa phần các công ty Mỹ này vẫn giữ nhà máy ở Venezuela để đợi tình hình tốt lên trong tương lai. Các công ty vẫn coi Venezuela là một thị trường hấp dẫn bởi đây là một quốc gia nhiều dầu lửa và người dân ưa chuộng các thương hiệu uy tín.

Tuy nhiên, cũng có nhiều công ty mất kiên nhẫn. Cũng giống như Bridgestone, công ty thực phẩm General Mills đã bán lại tài sản ở Venezuela cho các nhà đầu tư địa phương vào tháng 3 vừa qua.

Kể từ khi Tổng thống Nicolas Maduro lên cầm quyền ở Venezuela vào năm 2013, ít nhất 8 công ty đa quốc gia đã rút khỏi nước này, trong đó có 4 công ty Mỹ gồm General Mills, Bridgestone, EFO và Clorox. Cách đây ít hôm, hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latin là Latam tuyên bố dừng các chuyến bay tới Venezuela vì “kịch bản kinh tế vĩ mô khó khăn” ở Venezuela.

Với tình hình ở Venezuela được dự báo còn xấu đi trong thời gian tới, có thể sẽ có thêm các công ty nước ngoài tháo chạy khỏi nước này. Theo một số nguồn tin thân cận, nhiều công ty Mỹ đang thương thảo với đối tác địa phương về bán lại tài sản ở Venezuela.

Vấn đề lớn nhất đối với các công ty nước ngoài ở Venezuela là lượng USD lưu thông trong nền kinh tế nước này đã giảm liên tục kể từ năm 2013, khiến Chính phủ ở Caracas thắt chặt các biện pháp kiểm soát tiền tệ. Bởi vậy, doanh thu của các công ty đa quốc gia bị kẹt trong đồng nội tệ Bolivar và không thể được chuyển ra nước ngoài.

Theo công ty nghiên cứu Ecoanalitica, Chính phủ Venezuela hiện đang nợ các công ty Mỹ hơn 6 tỷ USD.

“Để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này, Chính phủ Venezuela cần ngồi lại và đàm phán với các công ty tư nhân để họ đẩy mạnh sản xuất”, ông Alejandro Grisanti, một chuyên gia của Ecoanalitica, phát biểu.

Tuy nhiên, Chính phủ của ông Maduro đang làm điều ngược lại. Tuần trước, Caracas cáo buộc 10 công ty tư nhân gây ra tình trạng thiếu thốn hàng hóa trong nước.

Cafebiz/VnEconomy

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo