Góc nhìn

Các nhà nghiên cứu ‘công kích’ nhau vì siêu dự án Long Thành

Sau khi ông Trần Đình Bá gửi đề xuất đến Quốc hội, Chính phủ và một số Bộ trưởng về việc sử dụng sân bay Biên Hòa (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) nhằm đối chứng với đề xuất thực hiện siêu dự án sân bay quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) để các đại biểu có sự so sánh trước khi “nhấn nút” thì giới nghiên cứu lại một phen xôn xao trước thông tin nói rằng ông Bá đã “nổ” to hơn... sấm sét.


Sân bay Tân Sơn Nhất đang được cho là đang “nghẽn” nên có đề xuất thực hiện siêu sân bay Long Thành để thay thế

Ông Trần Đình Bá được biết đến với nhiều tuyên bố gây sốc (chẳng hạn đặt cược với Bộ GTVT 5 triệu USD về hiệu quả của “đường bay vàng”...) và nhiều đề xuất táo bạo về các kế hoạch phát triển hàng không, đường sắt.

Gần đây, khi dư luận cả nước đang hướng về đề xuất thực hiện siêu dự án sân bay Long Thành, ông Bá tiếp tục có ý tưởng đề xuất cải tạo sân bay Biên Hòa “thành sân bay hỗn hợp quốc tế, quân sự có công suất 40 triệu khách/năm và hai triệu tấn hàng/năm”. Theo ông, cần biến sân bay quân sự Biên Hòa thành sân bay hỗn hợp quốc tế trung chuyển và  quân sự “hiện đại nhất thế giới” hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Đây cũng là sân bay hậu cần lắp ráp, sửa chữa bảo dưỡng máy bay… với nguồn lợi mang về mỗi năm 1,2- 2,5 tỉ USD/năm mà không phải đi vay vốn nước ngoài.

Để thuyết minh cho con số nêu trên, ông Bá nêu: sân bay Biên Hòa có “tổng diện tích, kho tàng, đường sá trên 49 km2 (tức hơn 4.900 ha -NV). Biên Hòa là sân bay quân sự hiện đại và rộng nhất thế giới có giá trị tài sản không dưới 21 tỉ USD đang lãng phí suốt từ năm 1975 đến nay, trong khi hàng năm Việt Nam vay nước ngoài để trả nợ nước ngoài 1.8 tỉ USD/năm”.


 Vị trí sân bay Biên Hòa, nơi đang được đề xuất sử dụng hỗn hợp cho mục đích dân sự và quân sự

“Vậy mà lại đi vay 8 tỉ USD để làm sân bay Long Thành là một nghịch  lý chưa từng có trong lịch sử đầu tư thế giới” - ông Bá nhận định.

Ông Bá đưa ra con số chỉ cần vốn đầu tư ban đầu 520  triệu USD từ ngân sách (mà không phải vay nước ngoài) để cải tạo Biên Hòa trong vòng 12-18 tháng, không bồi thường, giải phóng mặt bằng và không phải di dời dân.

Kế đó sẽ kêu gọi hợp tác góp vốn khai thác sân bay với chức năng hậu cần kỹ thuật và dịch vụ thương mại du lịch theo như mô hình sân bay quốc tế Changgi (Singgapore).

Như vậy, sân bay quốc tế Biên Hòa sẽ chi viện cho Tân Sơn Nhất trong việc hạ cánh khẩn cấp do thời tiết và chống khủng bố, đồng thời giảm tải cho Tân Sơn Nhất giờ cao điểm. “Khai thông nút giao thông cửa ngõ Đông Bắc của TP.HCM bằng phương án này mỗi năm sẽ giảm từ 12-18 triệu lượt người không đi vào trung tâm TP.HCM, tương đương giá trị với ba tuyến tàu điện ngầm trị giá hàng tỉ USD” - ông Bá khẳng định.

Trong đề xuất về ý tưởng của mình, ông Bá cũng thông tin mình là Tiến sĩ, là Hội viên Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, là tác giả chiến lược Hàng không Việt Nam. Ông cũng cho hay ông đã có thời gian nghiên cứu thực tế tại Đại học Bách khoa, Đại học Hàng không Riga và sân bay quốc tế Riga (Liên Xô) -  nơi đào tạo và thực tế cho hàng trăm Tiến sĩ và chuyên gia hàng không cho Việt Nam.

Ngay sau khi đề xuất của ông Bá được công khai thì trên trang web của Hội tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM (Hascon) do ông Nguyễn Bách Phúc làm Chủ tịch có thông tin “choảng” lại rằng, ông Bá “nổ” to hơn... sấm sét.

 Ảnh chụp website của Hascon với ý kiến “Tiến sĩ” Bá đã “nổ”. Ảnh: MP

Ngoài việc đăng tải trên trang web của mình, Hascon còn gửi email đến nhiều cá nhân, đơn vị khác với chủ đề: “chuyện bịa đặt của “Tiến sĩ” Trần Đình Bá”.

Khi đăng tải trên trang thông tin điện tử của mình, Hascon “dẫn nguồn” rằng đây là bài viết của một “hội viên tích cực gửi cho website và blog của hội”.

Hascon không nêu rõ hội viên này là ai nhưng bài viết nêu: “Sân bay Biên Hòa chỉ 6,5 km2, chứ không phải 49 km2 như "Tiến sĩ" (tự phong) Trần Đình Bá đã “nổ”!”

Hội viên “ẩn danh” này bày tỏ sự ngạc nhiên về dẫn chứng của ông Bá nói rằng đang có sự lãng phí, không sử dụng sân bay Biên Hòa giá 22 tỉ USD.

Vị này cho rằng, sân bay Biên Hòa chỉ gồm sân bay chiếm 3km2 và khu quân sự 3,5km2 (gồm cả vùng chôn xử lý chất độc da cam). Do vậy, “Tiến sĩ” Bá đã bịa, sai tới hơn 7,5 lần. Còn đường băng của sân bay Biên Hòa chỉ rộng 50m nhưng “Tiến sĩ” Bá lại “nổ”  là 1km, sai tới 20 lần. “Tiến sĩ” Bá đã bịa ra một cái đường băng thật là ngớ ngẩn, chiều dài chỉ gấp ba lần chiều rộng!

“Người ta nói “sai một li, đi một dặm”, với những sai số lớn như thế ngay từ điểm xuất phát, chắc “dự án” của “Tiến sĩ” Bá sẽ đi lệch không chỉ một dặm mà có khi tới hàng triệu dặm” - bài viết nhận xét.

Từ đó người này kết luận: “Quả đúng là “Tiến sĩ” Bá đã “nổ” to hơn sấm sét!”.

Nhận được thông tin này, ông Bá không bình luận trở lại mà chỉ dẫn nguồn từ một trang web để tái khẳng định sân bay Biên Hòa có diện tích 49km2

 

Theo PLTPHCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo