Góc nhìn

Các Tổng công ty kêu trời vì nằm dưới nách… các Bộ

DN phải “bẩm” từ ông chuyên viên, chuyên viên "bẩm" lên trưởng phòng, tới Vụ trưởng, tới Thứ trưởng phụ trách rồi mới tới Bộ trưởng.

Điều lệ của ỗi tập đoàn kinh tế Nhà nước có thể trở thành một đạo luật riêng về tập đoàn đó (ảnh minh họa)

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) đã nêu bất cập này khi nói về tình trạng Bộ chủ quản các Tổng công ty.

Luật tổ chức Chính phủ sửa đổi đặt mục tiêu không quy định bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DN có vốn Nhà nước được đại biểu Quốc hội đánh giá cao.

Nói về những bất cập hiện nay, Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng: Đảng, Nhà nước cũng nêu rõ quan điểm, Chính phủ, Bộ, ngành quản lý nhà nước không còn chủ quản các tổng công ty, các tập đoàn. Bây giờ không nói chủ quản, nhưng thực chất vẫn là chủ quản. Nếu như vậy, chúng ta không thể nào thực hiện chức năng quản lý nhà nước tốt được.

“Tôi gặp các Tổng công ty, họ cũng kêu trời vì nằm dưới nách các Bộ, và mọi thứ phải "thưa bẩm". "Bẩm" ai? "Bẩm" không phải mỗi Bộ trưởng mà "bẩm" từ ông chuyên viên, ông chuyên viên "bẩm" lên ông trưởng phòng, tới Vụ trưởng, tới Thứ trưởng phụ trách mới tới Bộ trưởng... Ở các địa phương, bầm từ ông chuyên viên tới Phó Giám đốc Sở, chứ có "bẩm" ngay ông Giám đốc Sở được đâu!” – đại biểu Trần Du Lịch nói.

Ông Trần Du Lịch bày tỏ quan điểm ủng hộ việc thành lập một cơ quan chuyên ngành quản lý và cho rằng: Khi bỏ bộ chủ quản, thì thành lập ngay cơ quan trực thuộc Bộ và chuyển hết về đó. Cơ quan đó không phải làm thay kinh doanh mà làm đầu mối quản lý số cán bộ đại diện hiện nay ở các nơi. Và chúng ta theo Luật, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ theo quyền mà làm, Hội đồng quản trị được làm gì cũng phải làm rõ, đại diện Hội đồng quản trị được Chính phủ bổ nhiệm hay cơ quan đó bổ nhiệm. Người điều hành, Tổng Giám đốc phải để Hội đồng quản trị thuê. “Trong Dự thảo Luật hiện vẫn nhập nhằng chỗ này. Bây giờ, một ông vẫn bổ nhiệm vừa Tổng Giám đốc vừa Hội đồng quản trị, cả hai ông do Chính phủ bổ nhiệm hết thì không rõ ai làm thuê, ông nào làm chủ” – ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Theo quan điểm của ông Trần Du Lịch, các Bộ, nói nôm na theo cơ chế thị trường, phải là người trọng tài, đề ra chính sách, kiểm tra đúng như quan điểm ta là mọi thành phần kinh tế đều hoạt động theo pháp luật.

Cơ quan quản lý nhà nước phải là “trọng tài”. Còn nếu không là trọng tài, lại có một loạt các doanh nghiệp dưới tay và đây là tình trạng bất hợp lý mà đã kéo dài mười mấy năm. "Chúng ta đã có Nghị quyết Trung ương về vấn đề này vậy tại sao không làm? Tôi cho rằng vì nó liên quan đến quyền lợi của các bộ, ngành, các địa phương".

"Quan điểm của tôi, chính quyền địa phương chỉ làm các loại dịch vụ công ích phục vụ người dân. Còn bây giờ chính phủ muốn làm kinh doanh thì tổ chức một số tập đoàn lớn, các tập đoàn đó điều lệ có thể trở thành đạo luật và hàng năm phải báo cáo trước Quốc hội"- Ông Trần Du Lịch nói.

Theo Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM), trong tương lai, một số DNNN lớn, tập đoàn phải có đạo luật riêng, hàng năm phải báo cáo hoạt động trước Quốc hội, họp Quốc hội chính là hội nghị đại cổ đông, chứ không thể giao hết cho Chính phủ.

Một số tập đoàn lớn như dầu khí điện lực, khoáng sản thành tập đoàn kinh tế Nhà nước, thì phải xem lại quản lý. “Như dự án Luật, Chính phủ lại ủy quyền cho Bộ. Bộ không chủ quản lại thành chủ quản, mọi thứ không thay đổi gì hết, vẫn như cũ” – ông Trần Du Lịch nói.

Theo cách đại biểu Trần Du Lịch đưa ra thì có thể luật hóa các điều lệ của các tập đoàn kinh tế lớn. Ví dụ, điều lệ của Tập đoàn dầu khí hoàn toàn có thể thành đạo luật được và hàng năm báo cáo trước Quốc hội toàn bộ hoạt động của nó. Quốc hội sẽ quyết, năm tới lợi nhuận được tái đầu tư bao nhêu, bao nhiêu phải nộp ngân sách, thậm chí, anh có nhu cầu đầu tư chính đáng, tôi cũng bổ sung cho anh. “Chứ không phải như hiện nay, ông nào cũng thu hết. Tiến tới chúng ta có thể có 5-7 tập đoàn kinh tế nhà nước như một số nước và mỗi tập đoàn khác nhau lại có đạo luật khác nhau” – Đại biểu Trần Du Lịch nói.

Về cơ chế giám sát, Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị, Ban kiểm soát phải kiểm soát cả hội đồng quản trị. Ở các nước, do Bộ trưởng Bộ tài chính bổ nhiệm, dù là đơn vị nào. Nếu ta có một cơ quan thuộc chính phủ thì cơ quan này sẽ đảm nhiệm việc đó. Chọn ai? Chọn những ông kiểm toán viên độc lập và cơ quan đó trả lương chứ không ngồi ăn lương của doanh nghiệp đó. Để lấp được lỗ hổng này thì Luật sắp tới phải làm được điều đó. Đây là cơ hội để sửa, nếu không sửa nữa thì không biết cơ hội lúc nào. Còn các tổng công ty nếu Nhà nước cần nắm giữ thì nắm tối đa 65% là đủ rồi.Ví dụ tại Thái Lan, Tập đoàn đầu khí Nhà nước khi lên sàn chứng khoán, nhà nước luôn luôn nắm giữ 65%. Ví dụ, nếu tăng vốn thì nhà nước phải tăng tiền để giữ tỷ lệ đó. Còn cổ phần hóa, công ty đó tăng vốn lên, nhà nước không tăng tiền thì làm sao giữ? Cái nào không cần nắm giữ thì buông cho tư nhân làm và không cần nắm giữ nữa, không cần dính 20-30% để làm gì. Nhà nước cũng phải đi kiếm cổ tức.

Lại tiếp nguy cơ quá tải trong quản lý?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, việc tính toán, tìm ra mô hình một cơ quan, tổ chức phù hợp để thay thế toàn bộ các bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại DN Nhà nước là hết sức quan trọng. Sau những nỗ lực sắp xếp, đổi mới, số lượng DN Nhà nước đã tinh giản mạnh, nhưng vẫn còn hơn 1.000 DN, trong đó có nhiều DN lớn, quan trọng. Chính phủ đã có kế hoạch xây dựng mô hình cơ quan quản lý sau khi Luật được thông qua.

Nếu thành lập một bộ mới, hoặc tổng cục chuyên để thực hiện chức năng chủ sở hữu này theo Phó Thủ tướng cũng không dễ dàng gì và không tạo ra những khác biệt về cơ chế, thậm chí có thể quá tải vì số lượng, quy mô DN Nhà nước còn lớn.

Theo đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, cần một lộ trình với điều cốt yếu là phải tiếp tục giảm số lượng DN Nhà nước xuống nữa, đến khi đạt mức phù hợp thì giao cho một cơ quan không có chức năng quản lý Nhà nước mà có chức năng kinh doanh, như Temasek của Singapore.

Cùng chung băn khoăn này, Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng, cần chỉ ra cơ quan chịu trách nhiệm để có tổ chức tập hợp,quản lý được vốn Nhà nước tuy còn ít nhưng đều nằm ở những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Theo đại biểu, cơ quan này nên tách ra khỏi các bộ, chính quyền địa phương để đảm bảo tính độc lập./.
 

VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo