Doanh nhân

Cách giữ ấm chân trong ngày lạnh để có sức khỏe tốt

Bàn chân có nhiều mạch chịu trách nhiệm điều hòa âm dương cho cơ thể. Chăm sóc và giữ ấm đôi bàn chân chính là cách hữu hiệu để bảo vệ sức khoẻ trong mùa đông.

Thời tiết lạnh của mùa đông khiến các mạch máu dưới da co lại, máu lưu thông chậm. Một trong những bộ phận của cơ thể nhạy cảm với lạnh là bàn chân, do chân ở dưới cùng của hệ tuần hoàn, nằm xa tim, máu chảy ngược lên khiến dinh dưỡng cho chân khó khăn hơn so với các bộ phận khác. Theo Tây y, ở mỗi bàn chân có khoảng 7.200 đầu dây thần kinh. Chân vừa là điểm tận cùng của hệ thống thần kinh vừa là điểm thấp nhất của các đường ống (thần kinh,mạch máu…) trong cơ thể nên máu thường bị dồn đọng và ứ tắc tại đây.

Cách chăm sóc chân trong mùa đông

Giữ đôi chân ấm áp trong mùa đông sẽ giúp máu lưu thông tốt (ảnh minh họa)

Đông y cho rằng, tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể con người đều có những vùng đại diện ở bàn chân. Chân có mối liên quan mật thiết tới lục phủ ngũ tạng, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Cụ thể, bàn chân trái tương ứng với nửa người bên trái, gồm: mắt trái, thận trái, lách, tim, hậu môn...Bàn chân phải tương ứng với nửa người bên phải, gồm: mắt phải, thận phải, gan, mật, ruột thừa….

Gan bàn chân có liên hệ tới lưng đau, mỏi, ù tai, nghễnh ngãng. Lòng bàn chân có liên quan đến thận. Ngón chân cái có liên quan đến gan, tì. Ngón chân thứ tư có liên quan đến gan. Mu ngón chân thứ hai có liên quan đến dạ dày. Mu ngón chân út có liên quan đến bàng quang. Bàn chân còn có nhiều đường kinh ba âm ba dương, các mạch xung và mạch kiểu chịu trách nhiệm điều hòa âm dương cho toàn cơ thể.

Lương y Nguyễn Hùng cho biết, bàn chân rất dễ bị nhiễm lạnh trong mùa đông. Thường gặp nhất là chân lạnh dẫn đến phát cước, sưng tấy, đau rát, đi lại khó khăn. Khi chân bị lạnh còn ảnh hưởng đến chức năng đường hô hấp, các cơ quan nội tạng dẫn đến cảm cúm, đau bụng, thấp khớp cùng nhiều bệnh khác. “Chính vì thế, giữ ấm cho bàn chân khi trời giá rét là việc rất quan trọng. Chân ấm áp sẽ giúp thúc đẩy máu cục bộ lưu thông, cải thiện việc trao đổi chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng và chống các bệnh tật của toàn thân”, lương y Hùng nói.

Cách hữu hiệu giữ chân luôn ấm áp

Để giữ chân luôn ấm áp, bạn nên dùng bít tất ngắn có chất liệu len, bông, đi cùng giày đế dày và có tấm lót. Giữ chân sạch sẽ khô thoáng bằng cách không đi tất ẩm, thường xuyên thay tất, giữ vệ sinh cho đôi chân. 

Khi vừa từ ngoài đường trở về, không nên hơ chân gần bếp lửa, lò sưởi dù là sưởi điện, không dùng túi chườm nóng, chăn sưởi. Vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến các mạch máu ở chân co giãn liên tục, dễ gây cước. Thay vào đó, bạn nên xoa chân vào nhau cho chân ấm nóng trước khi sử dụng các biện pháp sưởi ấm chân khác.

Vào mùa đông, bạn không nên ngồi một chỗ mà nên thường xuyên vận động, đi lại hoặc tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày để cải thiện lưu thông máu cho bàn chân. Trong khi ngồi làm việc hoặc xem ti vi, bạn có thể gập, duỗi các ngón chân lặp đi lặp lại. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế tiếp xúc với nước lạnh, các chất tẩy rửa khi thời tiết giá rét.

Nếu bàn chân lạnh cóng, bạn có thể xoa bóp gan bàn chân, nắn sâu theo chiều chảy của tĩnh mạch, từ cuối các ngón chân đến gót chân. Bạn nên nhấn mạnh vào hõm của lòng bàn chân và bóp lên mắt cá, tiếp lên cẳng chân.

Ngâm chân là biện pháp hữu hiệu giúp duy trì sự ấm áp của đôi chân trong những ngày trời lạnh. Nhiệt độ nước ngâm chân tốt nhất khoảng 40 độ, để lượng nước ngập mắt cá chân. Mỗi lần ngâm chân, bạn nên ngâm khoảng 20 – 30 phút, có thể thay hoặc thêm nước để duy trì độ ấm.

Bạn có thể cho thêm chút muối hoặc pha thêm chút tinh dầu bạc hà, hoắc hương hoặc nấu nước lá chanh, lá bạch đàn để ngâm. Sau khi ngâm, da chân hơi đỏ là tốt nhất. Ngâm xong, bạn lau thật khô bàn chân, mát xa nhẹ nhàng cho các ngón và cả bàn chân trong khoảng 2 đến 3 phút. Để có hiệu quả tốt nhất, bạn nên đi ngủ sau khi ngâm chân khoảng 30 phút.

Em đẹp/Congluan

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo