Cách giúp nhà đầu tư giảm rủi ro khi rót tiền vào dự án startup
Vậy làm cách nào những nhà đầu tư mạo hiểm có thể nhìn ra một công ty startup thành công để đầu tư trong số hàng ngàn ý tưởng táo bạo, những kế hoạch tỉ mỉ họ nhận được hằng ngày?
Là nhà sáng lập và điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm 1000 Angles, bà Tanya Price mới đây đã chia sẻ một số kinh nghiệm để giúp nhà đầu tư có thể chọn lựa một dự án startup tối ưu nhất dựa trên việc hạn chế tối đa rủi ro mà dự án đó có thể mang lại.
Đầu tư vào những dự án startup chính là một quyết định đầu tư siêu mạo hiểm. (Ảnh minh họa)
Đầu tư vào lĩnh vực bạn thực sự hiểu
Tương tự như nguyên tắc đầu tư giá trị của tỷ phú Warren Buffett và nguyên tắc đầu tư trong quyển Nguyên tắc số 1 của triệu phú Phill Town, Tanya cho rằng, cách tốt nhất để bạn giảm thiểu rủi ro từ những khoản đầu tư mạo hiểm chính là sự hiểu biết của bạn trong lĩnh vực mà dự án startup đó sẽ tham gia.
Không chỉ mang đến cho bạn sự tự tin, những hiểu biết của bạn với thị trường, khách hàng, công nghệ… trong cùng lĩnh vực với dự án startup mà bạn đầu tư còn giúp bạn luôn sẵn sàng cho kế hoạch B để giải cứu doanh nghiệp khi gặp khủng hoảng.
Đánh giá đội ngũ sáng lập
Những người đứng sau công ty là quan trọng nhất, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi công ty còn “chập chững”, bởi trước khi thị trường bắt đầu chấp nhận sản phẩm/dịch vụ thì những gì mà một công ty startup phải đối mặt không khác mấy so với việc một người đang tìm đường đi trong bóng tối.
Vì vậy, bạn nên liệt kê trước những phẩm chất cần có của một người “tìm đường trong bóng tối”, từ đó đánh giá đội ngũ sáng lập của dự án thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định “bơm” vốn cho họ nhổ neo ra khơi.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Steve Jobs và Wozniak đã phải mất năm (1976 - 1980) để đưa Apple từ một công ty có trụ sở ban đầu tại gara xe hơi thành một công ty tương đối phát triển. Bản thân Apple phải mất 20 năm (1976 - 1996) để ổn định đội ngũ nhân sự (chủ yếu là sự ra đi và trở về của Steve Jobs), và mất thêm 5 năm (1996 - 2001) để tạo ra cú đột phá đầu tiên, với sản phẩm máy nghe nhạc cầm tay iPod.
Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 4/2/2004, Facebook cũng phải mất 3 năm (tính đến thời điểm 24/10/2007, khi Microsoft công bố mua được 1,6% cổ phần của Facebook với giá 240 triệu USD) mới trở thành mạng xã hội thông dụng và đi những bước đầu tiên để trở thành một thương hiệu toàn cầu.
Dựa vào thời gian thu hồi vốn của hầu hết những dự án startup, Tanya Price cho rằng, nếu những nhà đầu tư không may mắn tìm ra được những sản phẩm, dịch vụ siêu xuất sắc như Apple, Facebook… thì khi chi tiền cho những khoản đầu tư vào các dự án startup, tốt nhất họ nên chuẩn bị tâm lý rằng đó là những khoản đầu tư dài hạn, vì thế việc đa dạng hóa danh mục đầu tư trong giai đoạn dự án startup còn chưa sinh lời là vô cùng cần thiết, nhằm giúp hạn chế tối đa việc phải nhận rủi ro từ việc “chôn” toàn bộ những gì mình có vào một hạt giống startup vừa gieo.
Lộ trình phát triển
Khi một dự án startup gần như hội tụ mọi yếu tố, từ chọn đúng người, nguồn vốn đầy đủ, sản phẩm đột phá… thì nhà đầu tư vẫn cần phòng bị rủi ro đến từ “thiên thời”, tức thời điểm mà dự án đó công bố.
Chiếc gậy selfie (giúp người dùng dễ dàng tự chụp hình) trước khi tạo ra trào lưu trong giới trẻ từng gây ra nhiều tranh cãi về nguồn gốc của nó, khi một số nguồn tin cho rằng, gậy selfie được phát minh từ năm 1980 bởi kỹ sư Hiroshi Ueda, trong khi Wayne Fromm – một nhà sản xuất đồ chơi người Canada – luôn khẳng định mình mới là cha đẻ của phát minh này và đã đăng ký bản quyền sáng chế cho chiếc gậy của mình năm 2004. Tuy nhiên, dù ai là người phát minh, thì chiếc gậy ấy cũng phải trải qua ít nhất là một thập niên, đến khoảng năm 2013, khi smartphone, Facebook và hàng loạt câu chuyện kích thích việc tự chụp ảnh ra đời, thì chiếc gậy selfie mới bắt đầu mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất.
Dự trù cho rủi ro về thời điểm của một ý tưởng chính là yếu tố giúp nhà đầu tư đặt cho những người điều hành và những người sáng lập doanh nghiệp câu hỏi quan trọng khi kết thúc bài diễn thuyết về lộ trình phát triển của thương hiệu: Chi phí tài chính tối thiểu để dự án này tiếp tục tồn tại dù không mang về một đồng lợi nhuận nào, là bao nhiêu và trong bao lâu?
Dựa vào câu trả lời này, cùng với những dự tính cá nhân, nguồn vốn và mục tiêu tương lai, nhà đầu tư có lẽ đã có thể quyết định gật hay lắc với cơ hội từ những dự án startup đến với mình.
Tổng hợp theo Doanhnhansaigon/DNSGCT
End of content
Không có tin nào tiếp theo