Doanh nhân

Cải cách DNNN: Cần buông bỏ nếp làm ăn cũ

Nếu cải cách DNNN (doanh nghiệp Nhà nước) được đẩy mạnh như dự kiến, khu vực DN (doanh nghiệp) ngoài Nhà nước vươn lên mạnh hơn, bắt nhịp cùng DN FDI trong hội nhập thì có khả năng kinh tế nước ta sẽ từng bước phát triển vững chắc.

Năm 2015, nền kinh tế khá ổn định, DN có bước phát triển mới, nhất là sau Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Trong điều kiện kinh tế thế giới khó khăn, kinh tế nước ta đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng là nỗ lực rất lớn của cả nước, của DN và người dân.

Đồng thời năm qua cũng bộc lộ sự yếu kém của chất lượng tăng trưởng, sự thiếu vững chắc của ổn định kinh tế vĩ mô vì quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng mới khởi đầu và còn nhiều lúng túng; cải cách DNNN chậm trễ hơn dự kiến, một phần vì vướng mắc tư duy về vai trò của khu vực công.

Các số liệu về thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao đang gây lo lắng cho xã hội, đồng thời nguy cơ chao đảo, thậm chí thụt lùi không thể xem thường, vì nếp làm ăn cũ khó chống chịu với tác động nhiều chiều khi mà kinh tế nước ta hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới.

Nền kinh tế nước ta tuy có một số tiến bộ rõ nét hơn mấy năm trước, nhưng chất lượng tăng trưởng còn kém, nội lực còn yếu, dễ bị tác động của các yếu tố bên ngoài.

Có một tình trạng trái ngược: Tăng thu, dù giá dầu giảm và tỷ lệ thu từ thuế nhập khẩu giảm, nhưng nhu cầu chi quá lớn. Ngân sách dành cho địa phương đã ngốn hơn 50% ngân sách cả nước, trong khi trung ương phải thực hiện một số nghĩa vụ quốc gia thì phần đưa vào cân đối còn lại quá bé.

Tình trạng bội chi kinh niên vẫn tiếp diễn nếu không có thay đổi lớn về tái cơ cấu thu chi ngân sách và quan điểm về vai trò "phục vụ” hay "kinh doanh" của Nhà nước.

Cải cách doanh nghiệp

Năm năm trước, nước ta đặt nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế để phát triển bền vững, nhưng vì nhiều lý do ở trong và ngoài nước, kinh tế bị giảm sút và trong điều kiện đó, mức tăng thu ngân sách không đạt như mong muốn.

Nhiều khoản chi vẫn không thể cắt giảm khi các địa phương và cả nước đang đẩy mạnh khôi phục kinh tế và bộ máy nhà nước và người hưởng lương từ ngân sách còn lớn.

Trong điều kiện bộ máy quản lý quá cồng kềnh, chồng chéo hiện nay, nhu cầu chi lớn mà khả năng đáp ứng hạn hẹp, nên ngân sách quốc gia không cân đối được.

Nếu cách làm như cũ thì bội chi vượt chỉ tiêu là tất yếu. Khi đó, nếu vay trong nước khó thì lại vay nước ngoài. Đó là nguy cơ cần nhìn trước và có giải pháp để giảm nhẹ gánh nặng nợ công và nợ nước ngoài.

Một điều đáng lo ngại khác là nhu cầu chi ngân sách lớn mà không cân đối được với nguồn thu hạn hẹp, thì trong nhiều trường hợp, ở cả địa phương và trung ương, dường như người ta hay nghĩ tới cắt giảm các khoản chi "chưa gấp", như chi cho y tế, giáo dục, thậm chí hoãn tăng lương, giảm đầu tư cho khoa học - công nghệ và chi cho bảo vệ môi trường.

Đây là vấn đề thuộc về nhận thức về vai trò "phục vụ” của Nhà nước. Nếu nói Nhà nước tạo dựng phát triển và con người là trung tâm của sự phát triển, và do đó, các khoản chi cho y tế, giáo dục rất cần được lưu ý trước hết, chứ chưa phải là đầu tư xây nhà làm việc của công chức thật khang trang, mua sắm xe con và phương tiện làm việc thật hiện đại cho quan chức.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường sơ khai và hội nhập, sản xuất, kinh doanh của DN gặp khó khăn là có thật, DN nội địa phần lớn còn nhỏ bé, bình quân chỉ dưới 30 nhân viên, thậm chí có nhiều DN dưới 10 lao động, nhưng cũng có nhiều DN phát triển tốt, nhiều DN ngoài Nhà nước vẫn đóng góp lớn cho nền kinh tế. 

Do đó, sẽ là nhận xét chưa toàn diện nếu cho rằng có hiện tượng "kinh tế tăng trưởng mà DN nội ngày càng teo tóp".

Các cuộc điều tra cho thấy, có nhiều DN đã coi trọng đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường một cách chủ động, sáng tạo. Hiện nay, DN khu vực tư nhân và hợp tác xã đóng góp hơn 15% GDP cùng với các hộ gia đình góp thêm 32% GDP nữa.

Nếu nhìn vào xu thế này thì DN nội và DN FDI không giảm mức đóng góp vào tăng trưởng, trong khi đóng góp của DNNN bị giảm sút nhiều nhất.

Cải cách doanh nghiệp

Kinh tế thế giới 2016 dù khôi phục vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có sự suy giảm tốc độ tăng trưởng "bất ngờ", chỉ đạt dưới 7% của kinh tế Trung Quốc - nền kinh tế đã có thành tích tăng trưởng trên 10% liên tục nhiều năm trước. Các dự báo kinh tế thế giới gần đây của IMF, WB, ADB thường phải "điều chỉnh" mấy tháng một lần theo hướng ít lạc quan hơn.

Do đó, nếu không có đối sách tốt thì những khó khăn đã tích tụ mấy năm qua chưa khắc phục được cộng với khó khăn khách quan ở ngoài nước "tràn tới" sẽ làm cho kinh tế năm 2016 của nước ta khó có mức bứt phá lớn.

Ngay các hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới, dù mang lại nhiều cơ hội, nhưng sự chuẩn bị của DN còn kém, không có những chính sách kinh tế - xã hội thích hợp thì có khi khó khăn lại tăng cao.

Một nguyên nhân khách quan là thông tin cụ thể về các thỏa thuận khi đàm phán FTA đã kết thúc lại chưa được công khai để từng ngành hàng và sản phẩm, dịch vụ có thể tìm ra các đối sách thích ứng, thậm chí "đóng, mở" sao cho uyển chuyển.

Trong khi ngành dệt may, da giày, điện tử có thể có thời cơ lớn, dù phải vượt qua không ít rào cản, mà nếu không phân tích kỹ sẽ bị động (ví dụ về xuất xứ của nguyên liệu), ngược lại, DN ngành chăn nuôi nhìn chung tuy rất khó khăn do năng suất thấp, nhưng vẫn có thể tìm ra các phân khúc thị trường (cả trong và ngoài nước) để vươn lên.

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế còn tiến triển chậm, nhất là cải cách DNNN, do bị níu kéo bởi tư duy cũ và cả lợi ích bị đụng chạm của một số người có chức quyền tại DN và cơ quan quản lý.

Nếu cải cách DNNN được đẩy mạnh như dự kiến, khu vực DN ngoài Nhà nước vươn lên mạnh hơn, bắt nhịp cùng DN FDI trong hội nhập thì có khả năng kinh tế nước ta sẽ từng bước phát triển vững chắc.

Không thể quá lạc quan về triển vọng năm 2016, khi nhiều cơ hội mới về cải cách, thực hiện các FTA còn ở dạng tiềm năng. Cần nhìn đường dài hơn để tự chuyển đổi mạnh mẽ, từ bỏ cách làm ăn lối mòn, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vươn lên cùng thế giới, nếu không thì khó khăn sẽ thêm nặng nề!

GS. NGUYỄN QUANG THÁI/Doanhnhansaigon

 

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo