Cải cách: Vấn đề là tốc độ
Rất dễ dàng nhìn thấy những điều luật mang tính cải cách rất quan trọng và thực sự đó là những thay đổi về thể chế với môi trường kinh doanh. Ví dụ việc quy định rõ 6 ngành nghề cấm kinh doanh trong luật Đầu tư (sửa đổi) và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng được thu hẹp lại (từ 272 xuống 267). Như vậy, sau khi dự án luật này có hiệu lực (1.7.2015), doanh nghiệp (DN) sẽ tự do được kinh doanh ngoài 6 lĩnh vực trên và bất cứ “giấy phép con” nào ngoài quy định của 267 ngành nghề còn đặt ra điều kiện trên sẽ là bất hợp pháp. Luật DN cũng có những cởi trói rõ ràng như việc cho phép DN tự do sử dụng, quyết định hình thức, số lượng con dấu hoặc không sử dụng trong quan hệ với các đối tác kinh doanh.
Ở các dự án luật sửa đổi về thuế được thông qua, cũng có những thay đổi rất lớn, sẽ đem lại không khí kinh doanh mới cho cộng đồng DN. Ví dụ, việc dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo, tiếp thị của DN theo luật Sửa đổi bổ sung một số điều của các luật thuế là một bước tiến rất lớn sau rất nhiều lần sửa đổi, bổ sung trước đây, quy định này vẫn chỉ được nới dần dần, gây cản trở không nhỏ đến hoạt động quảng cáo, tiếp thị của các DN. Việc quy định các điều khoản ưu đãi về thuế thu nhập DN cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như quy định mức thuế 15%, thấp hơn so với mức đề nghị của Chính phủ cho các DN trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản cho thấy, QH còn tích cực và mạnh mẽ hơn cả Chính phủ trong việc tạo điều kiện, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Một loạt các quy định khác như bãi bỏ một số thủ tục về thuế để giảm số giờ nộp thuế, thủ tục nộp thuế cho DN cũng đã được QH chấp thuận, thông qua với số phiếu tán thành cao cũng cho thấy, ĐBQH cũng đã “sốt ruột” với yêu cầu cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan…
Tình hình kinh tế còn trì trệ, khó khăn, số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động vẫn gia tăng… là những sức ép khiến Chính phủ, QH đã thống nhất quan điểm trong việc cải cách thể chế, thay đổi một loạt các chính sách về đầu tư, kinh doanh, về thuế nhằm tạo thông thoáng, thuận lợi cho môi trường kinh doanh; giảm bớt khó khăn cho DN, từng bước tháo gỡ ách tắc, thúc đẩy kinh tế hồi phục... Những chính sách mới được ban hành, theo các dự án luật trên nằm trong xu hướng đó.
Nhưng từ đây nhìn lại, nhiều người có thể thấy tiếc, tại sao những chính sách đó không thể ban hành sớm hơn, những cải cách đó không diễn ra sớm hơn để nền kinh tế đỡ khó khăn, để DN không bế tắc... Nhưng dẫu sao, dù chậm còn hơn không. Chắc chắn, những chính sách mới mà QH thông qua ngày 26.11 khi đi vào triển khai sẽ sớm phát huy tác dụng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Vấn đề đặt ra là có những chính sách mới, vẫn còn cần cụ thể hóa hơn nữa bằng các nghị định, thông tư để chính sách đi vào cuộc sống trong thời gian sớm nhất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo